Thứ Tư, 02/10/2024 05:30 SA
Bác Hồ căn dặn: Cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần và thực hành đạo đức cách mạng
Thứ Ba, 24/04/2007 07:30 SA

Cách đây 80 năm, năm 1927, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ mở đầu cuốn “Đường Kách mệnh” với đề mục: Tư cách người cách mệnh.

 

Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn quan tâm, theo dõi từng bước đi lên và trưởng thành của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người thấu hiểu những ưu điểm, khuyết, nhược điểm của cán bộ, đảng viên; kiên trì giải thích, nhắc nhở và động viên cán bộ, đảng viên thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng.

 

Năm 1947, trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ nhấn mạnh vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Người nêu rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”?

 

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong bối cảnh nửa nước được hòa bình, miền Bắc thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác đã sớm nhận thấy nguy cơ của bệnh quan liêu, xa rời quần chúng trong cán bộ, đảng viên và ngay từ năm 1958, Người đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối”, “tin ở quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”.

 

Bác cho rằng: Đảng viên là người thay mặt Đảng, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thế nhưng hiện nay, như Bác Hồ nói: “Chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.

 

Người đặc biệt quan tâm đến việc đảng viên, cán bộ phải thường xuyên nâng cao trình độ về mọi mặt, vì cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi, cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi. Và chính Bác Hồ là tấm gương tiêu biểu nhất, tập trung nhất cho điều đó, mà mỗi chúng ta phải luôn noi gương, học tập Bác, để góp phần hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao.

 

Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên ở bất kỳ cương vị công tác nào, hoàn cảnh nào cũng phải coi trọng việc rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống. Bởi vì: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”. Theo Bác, phương pháp tốt nhất để rèn luyện và tiến bộ đối với người cán bộ, đảng viên là “khéo dùng cái vũ khí sắc bén, phê bình và tự phê bình”. Bác thẳng thắn nhận xét: có những cán bộ, đảng viên “kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại”. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ, không tự phê bình hoặc phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín. Họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng… Những lời nhắc nhủ của Bác Hồ cách đây là nửa thế kỷ, nhưng mãi vẫn là kim chỉ nam cho Đảng ta, và là bài học thiết thực cho mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay. Bởi như Bác nói: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình”.

 

Vấn đề có tính nguyên tắc và là điểm xuất phát mà Bác Hồ lấy làm chuẩn mực cho đạo đức người cán bộ, đảng viên là quan điểm “Nước lấy dân làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên: “Phải nêu cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân… Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo. Phải thật sự cầu thị, không được chủ quan. Phải thật thà, ngay thẳng không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống quần chúng…”.

 

Trong việc giáo dục, rèn luyện đảng viên, Bác đặc biệt nhấn mạnh đến tác dụng nêu gương và coi đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên. Những ngày đầu cách mạng mới thành công, Bác Hồ kêu gọi toàn dân tập thể dục và nói “tự tôi ngày tôi cũng tập”. Bác kêu gọi toàn dân “mười ngày nhịn ăn một bữa để cứu giúp những người bị đói, và chính Bác đã thực hiện một cách nghiêm túc. Bác Hồ nêu khẩu hiệu: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thì chính cả cuộc đời Bác là một tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta làm theo.

 

Mãi mãi chúng ta càng hiểu ý nghĩa về ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị Bác Hồ ở và làm việc, bộ quần áo bà ba nâu Bác thường mặc, đôi dép lốp Bác thường đi… Điều đó không đơn giản chỉ là sự giản dị của một con người luôn hòa mình với mọi người, mà có ý nghĩa sâu sắc trong hoàn cảnh đất nước ta.

 

XUÂN KIM

(Theo tài liệu của đồng chí Vũ Kỳ)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek