Đồng chí Nguyễn Văn Linh (sinh ngày 1/7/1915, mất ngày 27/4/1998) là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI), bắt đầu chỉ đạo triển khai thực hiện công cuộc đổi mới được xác định từ Đại hội lần thứ VI của Đảng. Sự đóng góp của đồng chí trong những năm giữ trọng trách là người lãnh đạo cao nhất trên nhiều mặt, nhưng trong giới báo chí và cả xã hội đều ghi nhớ như một sự kiện lịch sử chuyên mục “Những việc cần làm ngay” vàcâu “Im lặng đáng sợ” được đăng công khai trên Báo Nhân Dân.
Ngay từ những năm đầu của đổi mới, đồng chí đã nhấn mạnh: “Đổi mới là một sự nghiệp mới mẻ, phức tạp, có nhiều vấn đề phải tìm tòi, thử nghiệm đúng - sai không phải dễ dàng phân biệt được ngay… phải thực hiện và đảm bảo dân chủ thực sự trong Đảng và trong xã hội thì mới phát huy được rộng rãi mọi sáng kiến, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Để thực hiện dân chủ hóa xã hội, trước hết phải dân chủ hóa trong Đảng. Toàn Đảng phải gương mẫu thực hiện dân chủ. Trong thảo luận, sự khác nhau về ý kiến và quan niệm là chuyện bình thường. Vấn đề là ở chỗ, không để sự khác nhau đó thành mất đoàn kết, dẫn đến chia rẽ”(1).
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã bận tâm lo lắng ngay từ những ngày đầu đổi mới về một nguy cơ, đó là nguy cơ lạc hậu, tụt hậu về trí tuệ. Khi thế giới đổi thay nhanh chóng, gia tốc phát triển của khoa học - công nghệ, tình trạng chỉ dựa vào những nguyên lý phổ biến có sẵn trong sách vở, trong khi nghiên cứu, đề xuất từ cuộc sống hiện thực thì quá ít. Không ít trường hợp rơi vào tình trạng kêu gọi lòng tin, đạo đức trừu tượng mà không khơi gợi được lý trí, loay hoay với những việc thường ngày, nhiều khi là sự vụ mà ít mở rộng tầm nhìn ra cả nước và thế giới để nỗ lực kế thừa trí tuệ của thời đại. Hậu quả tai hại của tình trạng này trong chỉ đạo thực tiễn là vô cùng to lớn và thực sự nguy hại đối với sự nghiệp cách mạng của chúng ta (2).
Trong diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, ngày 17/6/1987, đồng chí nhấn mạnh, “nếu không kiên quyết đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ thì không một chủ trương, chính sách nào có thể thực hiện được tốt. Một bộ máy có hiệu lực và trong sạch là yêu cầu cấp bách của nhân dân và của cách mạng nước ta hiện nay”(3). Đồng chí còn nêu rõ: Trong nội bộ Đảng, một số người có quyền hành, nắm của cải trong tay đã hư hỏng, bắt tay với bọn phá hoại, đối với giai cấp mình thì lơ là, tình cảm phai nhạt, thậm chí không còn gần gũi quần chúng. Không phải chỉ có cán bộ chính quyền mới quan liêu, mà ngay cả cán bộ dân vận cũng thoát ly quần chúng, chống lại quần chúng, bắt tay với bọn làm hại quần chúng, thế mà một số trong những người đó vẫn ở trong Đảng, lắm khi còn được đề bạt (4). Do đó, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, phải loại trừ bọn tham nhũng, cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng và các cơ quan nhà nước. Không như vậy, không thể có một Đảng cầm quyền trong sạch, có một nhà nước dân chủ thực sự của dân, do dân và vì dân; không thể có một Đảng cầm quyền xứng đáng là lực lượng lãnh đạo xã hội và được dân tin cậy, ủng hộ.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh như là một sự lựa chọn của lịch sử. Trong lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, đọc trong lễ tang đồng chí Nguyễn Văn Linh ngày 29/4/1998, đã nhấn mạnh: “Chúng ta luôn ghi nhớ những bài học quý báu về lãnh đạo và chỉ đạo của đồng chí - giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm với đồng bào, chiến sĩ”.
Trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục triển khai thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta càng thêm tin tưởng, tự hào và nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; tự hào và nhớ ơn các đồng chí lãnh đạo tiền bối, những người học trò ưu tú đã noi gương Người, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh.
---------------------
(1) Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, t3, tr 24
(2) Nguyễn Văn Linh: Về công tác quần chúng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr 95-96
(3), (4) Nguyễn Văn Linh: Đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr 8
NGUYỄN VĂN THANH