Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc |
Chúng ta còn nhớ, sau thời điểm tái lập tỉnh (1/7/1989), Phú Yên đang là một tỉnh thuần nông, tỉ trọng nông nghiệp trong GDP chiếm gần 60%, với hơn 80% hộ dân sống bằng nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người rất thấp; nhiều nơi, nhất là miền núi, ven biển còn nhiều hộ dân bị thiếu đói hàng năm. Công nghiệp, thương mại dịch vụ quy mô nhỏ, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, khối lượng sản phẩm ít, chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Cả tỉnh chỉ có một nhà máy nhiệt điện từ thời Mỹ ngụy, công suất phát điện chỉ 7-8 MW, cung cấp điện cho nội thị TX Tuy Hòa và một số trạm phát điện nhỏ phục vụ các thị trấn. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội yếu kém, giao thông chưa phát triển. Ngoài quốc lộ 1 đã xuống cấp, các tuyến đường bộ còn lại chủ yếu là đường đất, đá, đi lại khó khăn, ô tô chỉ mới đến được 70% số xã, nhiều địa bàn vào mùa mưa thường bị chia cắt dài ngày. Hạ tầng cảng biển, ga hàng không… chưa có, ga xe lửa, bến xe cũng tạm bợ, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách. Ngay cả TX Tuy Hòa đường sá cũng bị xuống cấp, thiếu điện, thiếu hệ thống cấp thoát nước, thiếu khách sạn. Các cơ quan cấp tỉnh làm việc tạm bợ, chủ yếu là nhờ thị xã nhường lại một phần. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh chỉ 425,9 tỉ đồng, thu ngân sách năm đầu tiên chỉ dưới 40 tỉ đồng, hầu như phải nhận trợ cấp từ Trung ương… Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới… Hàng loạt vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội đặt ra gay gắt; tư tưởng một bộ phận cán bộ và nhân dân có những diễn biến phức tạp.
Nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho Tỉnh ủy lúc bấy giờ là phải làm tốt công tác tư tưởng sớm tạo được sự đồng thuận xã hội, nhanh chóng sắp xếp bộ máy, ổn định cuộc sống và điều kiện làm việc cho cán bộ viên chức, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng một số hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và cải thiện cuộc sống nhân dân trong tỉnh.
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và Chính phủ, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong kháng chiến, đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV đề ra, góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh và đời sống nhân dân. Nền kinh tế liên tục phát triển với tốc độ khá cao và có sự chuyển dịch đúng hướng về cơ cấu. Tổng giá trị tăng thêm (GRDP) năm 2013 tính theo giá so sánh là 18.575 tỉ đồng, gấp 8,2 lần (đã trừ trượt giá), GDP bình quân đầu người đạt mức quy đổi 1.297 USD, tăng hơn 8 lần so năm 1990. Từ một tỉnh thường xuyên phải nhận cứu trợ, hiện nay Phú Yên đã vươn lên thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư cải thiện đáng kể, nông thôn và đô thị từng ngày được đổi mới, tốc độ đô thị hóa được đẩy nhanh. Tuy Hòa từ thị xã đã trở thành một thành phố - đô thị loại II, huyện Sông Cầu lên thị xã, hầu hết các thị trấn huyện lỵ, thị tứ được đầu tư mở rộng khang trang.
TP Tuy Hòa ngày càng khang trang, hiện đại - Ảnh: D.T.X |
CƠ CẤU KINH TẾ CHUYỂN DỊCH ĐÚNG HƯỚNG
Cơ cấu nền kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một tỉnh với nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (năm 1990) chiếm 56,3% trong cơ cấu kinh tế, đến năm 2013 chỉ còn 24,2%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 11,9% (năm 1990) tăng lên 35,5% (2013); dịch vụ chiếm 31,8% (1990) tăng lên mức 40,3% (2013) trong cơ cấu GDP.
Sản xuất nông nghiệp được phát huy theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung: lúa, mía, sắn, cao su… Năng suất, sản lượng lúa 2 vụ ổn định ở mức cao (trên 60 tạ/ha/vụ); cây mía đạt hơn 62 tấn/ha, cây sắn 17-19 tấn/ha; đảm bảo được an ninh lương thực và nguồn nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn, bước đầu hình thành cơ sở chế biến mủ cao su trên địa bàn. Thủy sản phát triển mạnh, từ một tỉnh nuôi trồng thủy sản rất ít đến nay diện tích nuôi trồng đã lên đến trên 2.600ha, sản lượng đạt trên 8.000 tấn/năm với nhiều đối tượng nuôi có hiệu quả như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tu hài, cá bớp, cá mú, rong sụn… Năng lực đánh bắt và khai thác thủy sản không ngừng được nâng lên, sản lượng đến nay đạt khoảng 50.000 tấn/năm, trong đó cá ngừ đại dương đạt từ 5.000-6.000 tấn. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 tàu có công suất trên 90CV, trong đó có 62 tàu có công suất trên 400CV, đủ sức vươn khơi khai thác kết hợp với bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của Tổ quốc. Hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu, tránh trú bão tàu thuyền từng bước được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới, bước đầu đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Công nghiệp đã có bước phát triển nhanh (bình quân 17,5%/năm). Nếu trong cơ cấu các sản phẩm công nghiệp năm 1990 của tỉnh chủ yếu là các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp (gạch ngói, may gia công, thủ công mỹ nghệ, chế biến hải sản khô…), phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận thì đến nay Phú Yên đã có những sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có thể cạnh tranh được trong cả nước và tham gia xuất khẩu như các loại tân dược, thủy sản chế biến, nhân hạt điều, đường RE, tinh bột sắn, đồ gỗ, hàng may mặc… Nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống như gốm hàng mỹ nghệ, đan lát, sản xuất bánh tráng, chế biến nước mắm… được khôi phục và phát triển.
Phú Yên đã hình thành 3 khu công nghiệp, thu hút 71 dự án đầu tư trong và ngoài nước đến sản xuất kinh doanh, với tổng diện tích đất đăng ký hơn 180ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.100 tỉ đồng và 19 triệu USD. Đến nay, có 62 dự án đi vào hoạt động, 5 dự án đang triển khai xây dựng và có 4 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Tổng số vốn đầu tư thực hiện hơn 900 tỉ đồng và 11 triệu USD. Các dự án đi vào hoạt động đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng thu ngân sách tỉnh. Khu kinh tế Nam Phú Yên đã và đang tiếp tục triển khai đầu tư, đang tập trung triển khai các công trình hạ tầng dùng chung, trước mắt là các công trình hạ tầng ngoài hàng rào cho dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, tạo thuận lợi để dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đi vào đầu tư xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút các cơ sở công nghiệp liên quan hóa dầu, tạo đột phá mới trong sản xuất công nghiệp cho những năm tiếp theo.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, doanh thu hàng năm đạt mức tăng trưởng khá. Các loại hình dịch vụ: Vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển, bưu chính, viễn thông, ngân hàng… phát triển cả về số lượng và chất lượng. Khu Cảng hàng không mới đã được đưa vào sử dụng; tuyến đường bay Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội (và ngược lại) hàng ngày đều có chuyến bay. Đến năm 2013, mật độ điện thoại đạt 93 thuê bao/100 dân; tỉ lệ người sử dụng internet đạt gần 30 người/100 dân. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch có chất lượng ngày càng tăng; đến nay, Phú Yên có 2 khách sạn và khu du lịch 5 sao, 2 khách sạn 4 sao và nhiều cơ sở lưu trú có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cho du khách, như khách sạn Cendelux, Vietstar Resort, Kaya, Sài Gòn - Phú Yên, Long Beach, Hùng Vương, Công Đoàn… Lượng khách du lịch đến Phú Yên ngày càng tăng, hàng năm tăng 25-30%. Riêng trong năm 2013 đã có khoảng 42.000 lượt khách quốc tế đến Phú Yên. Thu ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2013 đã đạt hơn 1.900 tỉ đồng, tăng gần 50 lần so với năm 1990.
KẾT CẤU HẠ TẦNG NGÀY CÀNG HOÀN THIỆN
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật thời điểm tái lập tỉnh hầu như chưa đáng kể. Những năm qua, tỉnh đã ưu tiên vốn đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các trường học, trạm xá, trụ sở làm việc các cấp đã được đầu tư nâng cấp và xây mới kiên cố, khang trang hơn, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ nhân dân. Đã đưa điện lưới quốc gia đến 100% số xã từ năm 2008 và 100% thôn, xóm vào năm 2011, đến nay 99,8% hộ dân đã được dùng điện. Cơ sở cấp nước, thoát nước đường giao thông nội thị được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động, gồm: Sông Ba Hạ, Krông Hnăng, Sông Hinh; Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 cũng sắp hoàn thành; tổng công suất các nhà máy thủy điện đạt trên 360MW.
Nhiều công trình giao thông lớn đã được đầu tư nối liền các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định; các tuyến: Trục giao thông phía Tây, đường ven biển nối TP Tuy Hòa - gành Đá Đĩa; tuyến đường động lực Nam TP Tuy Hòa - Vũng Rô, các tuyến đông - tây như ĐT643, ĐT644… cùng cảng biển Vũng Rô đã mở ra triển vọng phát triển lớn mạnh về kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho các vùng, miền trong tỉnh. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa với tốc độ nhanh; 100% đường giao thông đến các trung tâm xã được đầu tư xây dựng; mạng lưới giao thông nông thôn được thông đến tận thôn, xóm, trong đó có gần 1.200km đã được bê tông hóa, chiếm 40% tổng số đường giao thông nông thôn toàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ổn định phát triển sản xuất và góp phần lưu chuyển hàng hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh, ngay cả trong mùa mưa bão. Tỉnh đang tích cực phối hợp với các cơ quan trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1, quốc lộ 29… tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Kiểm nghiệm vật liệu sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần PYMEPHARCO - Ảnh: T.HOÀI |
GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI… ĐƯỢC CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội cũng được đầu tư ngày càng lớn hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xã hội. Quy mô, chất lượng giáo dục đào tạo tăng nhanh, hệ thống trường lớp từ mầm non đến bậc trung học phổ thông đã cơ bản phủ kín địa bàn dân cư; riêng bậc trung học phổ thông bình quân 3-4 xã có 1 trường. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trường đại học công lập, một phân viện - học viện Ngân hàng, 3 trường cao đẳng với số sinh viên, học viên trên 17.000 người. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và phát triển, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xây mới, đã thành lập các bệnh viện chuyên khoa: Điều dưỡng - Phục hồi chức năng, Mắt và Sản - Nhi. Phối hợp thành lập Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên và gần đây thành lập thêm Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên. Báo Phú Yên phát hành hàng ngày và đã hình thành được Báo Phú Yên điện tử. Công tác giảm nghèo được chú trọng, triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, hàng năm đều giảm được từ 2 đến 2,5% số hộ nghèo; đến cuối năm 2013 tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 13%. Chương trình xóa nhà tạm hộ nghèo trong 10 năm qua đã thực hiện được trên 1 vạn hộ. Bộ mặt các vùng nông thôn, đô thị đã có nhiều đổi mới và ngày càng khởi sắc. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng - an ninh được tăng cường, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh cho công cuộc phát triển. Hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên. Đến nay, 100% thôn, buôn, khu phố, trường học, trạm xá trên toàn tỉnh đều có chi bộ đảng hoạt động. Các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ngày càng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trong mấy năm gần đây việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt kết quả tốt, góp phần xây dựng Đảng và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được là cơ bản, vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế: Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, GDP đầu người còn đang thấp hơn bình quân cả nước; chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả. Chất lượng giáo dục, y tế, công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm còn hạn chế. Hoạt động của hệ thống chính trị có mặt còn kém, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống và lòng mong mỏi của nhân dân…
Có được những thành quả trên là nhờ Đảng bộ luôn đoàn kết nhất trí, vượt khó khăn, thách thức, có quyết sách lãnh đạo đúng đắn trong từng thời kỳ phát triển; sự nỗ lực của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong tổ chức và vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ; sự đồng hành, sáng tạo của nhân dân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội với ý chí tự lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tạo điều kiện cho tỉnh ta phát triển như ngày nay.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ 2011-2015, góp phần đẩy mạnh sự phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
- Tiếp tục giữ vững sự ổn định của nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 10%, đồng thời nỗ lực thực hiện đạt các chỉ tiêu lớn về kinh tế - xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Tập trung hoàn thành các dự án quan trọng về hạ tầng theo kế hoạch, tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ, bảo đảm môi trường đầu tư tốt, đặc biệt là giúp nhà đầu tư Nhà máy lọc dầu Vũng Rô kịp tiến độ, sớm đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh sau 4 năm nữa.
- Triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa xã hội, bảo đảm phát triển ổn định, hài hòa, toàn diện các mặt đời sống xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, tăng nhanh tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề. - Củng cố và tăng cường quốc phòng-an ninh trên cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chú trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; chăm lo đầu tư phát triển và bảo đảm an ninh khu vực biển đảo, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ kết hợp giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống thiên tai, phòng chống tội phạm có hiệu quả và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nội chính và đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng trên địa bàn.
- Tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; triển khai hiệu quả Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động xây dựng cơ sở. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. |
ĐÀO TẤN LỘC
Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh