(Tham luận của đồng chí Nguyễn Đình Phúc, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên tại hội thảo Phú Yên 25 năm trưởng thành và phát triển)
Tại kỳ họp thứ 5 ngày 30/6/1989, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII) đã ra Nghị quyết về chia tách tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập.
Về tổ chức bộ máy, tỉnh lúc bấy giờ có 6 huyện, 1 thị xã; 91 xã, phường, thị trấn; 44 sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh (15 sở; 8 ban, ngành; 16 cơ quan đảng, Mặt trận, đoàn thể tỉnh và 5 hội).
Về biên chế, năm 1990, Trung ương giao cho tỉnh 11.470 biên chế nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh có đến tháng 7/1989 là 10.059 người (công chức nhà nước: 922 người; sự nghiệp là: 9.137 người). Cán bộ, công nhân viên từ tỉnh Phú Khánh điều về 6.510 người (khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể tỉnh: 123 người; khối nhà nước 3.391 người; các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh 234 người; các doanh nghiệp nhà nước 2.762 người). Số đại biểu HĐND các cấp 3.452 người (cấp tỉnh 39 người; cấp huyện, thị xã: 334 người; cấp xã, phường, thị trấn: 3.079 người); thành viên UBND các cấp 751 người (cấp tỉnh: 11 người; cấp huyện, thị xã 83 người; cấp xã, phường, thị trấn 657 người).
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: có 5 đồng chí có trình độ trên đại học, 265 đồng chí có trình độ đại học, chiếm 23,42% (so với tổng số cán bộ từ Phú Khánh điều về), còn lại phần lớn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn trung cấp và chưa qua đào tạo.
Nhìn chung lúc bấy giờ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh còn rất thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ và biên chế Trung ương giao.
Trước thực trạng trên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết số 83-NQ/BCT của Bộ Chính trị (khóa VI), Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 30/6/1989 về “những công tác cấp bách sau ngày chia tỉnh”. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, tổ chức bộ máy các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn, củng cố. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tập trung xây dựng, bổ sung từ nhiều nguồn; đã điều động nhiều cán bộ ở các huyện, thị xã về công tác ở các cơ quan tỉnh, kết hợp với việc tuyển dụng cán bộ.
Từ cuối năm 1989 đến 1995, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh tăng từ 10.059 người lên 10.972 người. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ được nâng lên đáng kể, số cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được bổ sung khá kịp thời cho các ngành và các tổ chức mới được thành lập (đến năm 1995, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng: 3.472 người chiếm 31,69%; trung cấp: 5.566 người; còn lại: 1.749 chưa qua đào tạo). Độ tuổi ngày càng được trẻ hóa (dưới 30 tuổi: 2.246 người; từ 30 đến 50 tuổi: 7.961 người; trên 50 tuổi: 585 người). Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành được kiện toàn, bổ sung từng bước đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở.
Năm 1996, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 10/10/1996 “Về những vấn đề cơ bản công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ ở Phú Yên” và thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thường xuyên chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong 10 năm, từ năm 1989 đến năm 1999, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho 6.532 lượt cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành. Nhiều cán bộ có quá trình công tác lâu năm, tham gia trong kháng chiến, vững vàng về chính trị được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trở thành lực lượng lãnh đạo, quản lý nòng cốt ở các cấp, các ngành. Chú trọng quan tâm sử dụng, bố trí đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng và bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với những đồng chí có năng lực, tạo bước chuyển biến trong các lĩnh vực công tác. Đã bổ nhiệm 540 cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ trưởng phòng và tương đương trở lên. Giải quyết cho 2.287 cán bộ, công chức, viên chức lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp nghỉ hưởng chế độ, chính sách theo quy định.
Từ những nỗ lực trên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành trong giai đoạn này cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII); có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, nhìn chung tình hình đội ngũ cán bộ trong giai đoạn này vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; cán bộ khoa học kỹ thuật, các ngành kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp còn thiếu; cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn còn hạn chế nhiều mặt. Công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ vẫn còn một số mặt bất cập, hạn chế.
Giai đoạn từ năm 2000 đến 2009, để đáp ứng yêu cầu về cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Tỉnh ủy các khóa đã tiếp tục đề ra và thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ, với trọng tâm là đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ gắn với tuyển dụng và thực hiện tốt chính sách cán bộ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành được tiếp tục xây dựng cả về số lượng, chất lượng, cơ bản đảm bảo tính kế thừa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ năm 2010 đến nay, công tác cán bộ được đặc biệt chú trọng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các chương trình hành động số 07 về phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và số 04 về xây dựng hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn vững mạnh làm cơ sở để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương đến năm 2015 của Tỉnh ủy khóa XV, nhiều quy chế, quy định, đề án, kế hoạch, chính sách... trong lĩnh vực công tác cán bộ đã được xây dựng ban hành và thực hiện có hiệu quả như: Chính sách giải quyết nghỉ chờ nghỉ hưu, nghỉ hưởng chế độ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã (Nghị quyết số 173/2010/NQ-HĐND, ngày 24/12/2010); chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã (Nghị quyết số 153/2010/NQ-HĐND, ngày 16/7/2010); chính sách đào tạo sau đại học trong nước và đào tạo sau đại học ở nước ngoài; chính sách thu hút, sử dụng trí thức (Nghị quyết số 51/2012/NQ-HĐND, ngày 14/9/2012)…; các quy chế về tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội và tuyển dụng công chức, viên chức khối nhà nước. Sửa đổi, bổ sung quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Xây dựng, thực hiện đề án của Tỉnh ủy và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 64, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”. Thực hiện chủ trương thí điểm chế độ tiến cử cán bộ, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành “Đề án thí điểm tăng thêm chức danh cấp phó sở, ban, ngành để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý”, đã bổ nhiệm 28 cán bộ giữ chức vụ cấp phó sở, ngành và cấp phó phòng tăng thêm ở một số cơ quan, đơn vị. Triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức trong tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để làm cơ sở bố trí, sắp xếp lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức... Nhiều cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài. Thu hút nguồn nhân lực có bằng đại học loại khá, giỏi và sau đại học về công tác ở tỉnh.
Đến nay, hầu hết cán bộ, công chức đương nhiệm và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý ở cả 3 cấp đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định. Đa số cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập từ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên có trình độ đại học phù hợp với nhiệm vụ đang đảm nhận.
Toàn tỉnh hiện có 32 tiến sĩ, 823 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II đang công tác ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Trong đó: trong tổng số 21.620 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc tỉnh, có 11 tiến sĩ, 620 thạc sĩ, 16.987 cử nhân, kỹ sư... Trong 14.588 viên chức ngành giáo dục, có 99,42% giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định; 9,78% giáo viên trung học phổ thông, 30,2% giảng viên cao đẳng, 40,5% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Ngành Y tế có 1.650 viên chức, trong đó có 474 bác sĩ và dược sĩ (bác sĩ 440, dược sĩ 34), trong đó 285 bác sĩ, dược sĩ có trình độ sau đại học.
Đối với cấp xã, trong 3 năm qua, cùng với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, các chương trình hành động của Tỉnh ủy khóa XV, năng lực của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ở xã, phường, thị trấn từng bước được nâng lên. Chính quyền cơ sở ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành theo pháp luật.
Trong đó, công tác cán bộ ở cấp xã được quan tâm đặc biệt, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã; thực hiện thí điểm một số chủ trương trong công tác cán bộ gắn với tiếp tục đẩy mạnh luân chuyển, tăng cường cán bộ từ huyện về xã và thực hiện chính sách nhằm sắp xếp bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp xã. Đã giải quyết cho nghỉ công tác, hưởng chính sách đối với 381 đồng chí cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị quyết số 173/2010/NQ-HĐND, ngày 24/10/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách giải quyết nghỉ chờ nghỉ hưu, nghỉ hưởng chế độ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã...; thực hiện thí điểm bố trí trí thức trẻ về giữ chức vụ phó chủ tịch xã ở 25 xã, phường; tăng thêm phó bí thư đảng ủy cho 8 xã ở 3 huyện miền núi; tuyển dụng 266 sinh viên có trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy về công tác ở cấp xã...
Trong 3 năm qua, đã cử gần 7.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và các kỹ năng công tác. Đến nay, có 82,8% cán bộ, công chức cấp xã đã qua đào tạo trình độ chuyên môn; 100% công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định về tiêu chuẩn của Bộ Nội vụ (Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV, ngày 16/1/2004 của Bộ Nội vụ). Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có công chức là kỹ sư nông - lâm nghiệp, địa chính hoặc thủy sản (với các xã ven biển, miền núi); các phường đều có công chức là cử nhân, kỹ sư xây dựng, quản lý đô thị, kinh tế. Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn.
Nhìn chung, trong 25 năm qua, công tác cán bộ luôn được các cấp ủy đặc biệt chú trọng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được xây dựng và có sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng; được rèn luyện, thử thách trưởng thành qua thực tiễn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí, nghị lực và năng lực công tác, vượt qua khó khăn, thách thức, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, từng giai đoạn với những đóng góp to lớn và quyết định vào sự phát triển của tỉnh Phú Yên trong 25 năm qua.
-------------------
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt