Thứ Ba, 26/11/2024 03:28 SA
Không nên quy định thời hạn cũng như quy định việc đăng ký có quốc tịch
Thứ Ba, 17/06/2014 17:15 CH

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu tại hội trường. - Ảnh: SGGPO

Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam; việc gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.

 

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 1/7/2014.

 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật. Vì vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách để bảo đảm cho công dân quyền có quốc tịch Việt Nam sau thời điểm 1/7/2014.

 

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2 Điều 13 và trường hợp mất quốc tịch tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam.

 

Ủy ban Pháp luật đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng: người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam (theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam còn giá trị sử dụng (theo quy định tại Điều 11 của Luật này) thì đăng ký với Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để được cấp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ. 

 

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam. Cụ thể, những người đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam từ ngày 1/7/2009 đến nay mà đã được xác nhận là có quốc tịch Việt Nam thì được cấp hộ chiếu Việt Nam (nếu họ có yêu cầu).

 

Về trình tự, thủ tục xem xét, thông qua dự án Luật và thời điểm có hiệu lực của Luật, do các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng quốc tịch của một bộ phận không nhỏ đồng bào ta vào thời điểm ngày 1/7/2014 nên Ủy ban đề nghị Quốc hội cho phép quy định Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố để bảo đảm thi hành trước khi hết thời hạn nói trên.

 

Thảo luận về việc sửa đổi này, đa số ĐBQH đồng ý với đề nghị của Ủy ban Pháp luật. Do thống nhất cao nên phiên thảo luận chiều nay chỉ có 4 ĐBQH phát biểu ý kiến và khá tập trung ý kiến, tán thành cao việc sửa đổi.

 

ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên-Huế) đề xuất bỏ hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. “Phải sửa kịp thời trước thời điểm 1-7-2014 để tránh tình trạng nhiều công dân không có quốc tịch, Vì vậy, đề nghị Quốc hội để luật có hiệu lực thi hành ngay từ thời điểm công bố luật”, ĐB Thông phát biểu. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, qua thảo luận cho thấy, hầu hết các ĐBQH tán thành nhất trí cao việc sửa để bảo đảm quyền công dân có quốc tịch Việt Nam. “Các ĐBQH đề xuất không nên quy định thời hạn cũng như quy định việc đăng ký có quốc tịch, mà chỉ để giải quyết các trường hợp kiều bào mất giấy tờ thì phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam. UBTV sẽ chỉ đạo ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng này để trình Quốc hội”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chốt lại. Tuyệt đại đa số ĐBQH cũng đồng tình với việc Việt Nam gia nhập Công ước và nghị định thư Cape Town.

 

* Trước đó, trong buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Theo các ĐB, để doanh nghiệp có thể làm những gì luật không cấm như tinh thần của Hiến pháp 2103, dự luật cần có các quy định các nguyên tắc để các văn bản khác không tùy tiện đưa ra các quy định cấm, điều kiện kinh doanh ảnh hưởng đến quyền của doanh nghiệp.

 

Các đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, ngành nghề cấm kinh doanh nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội và quy định trong dự luật nhằm tránh sự tùy tiện trong các văn bản hướng dẫn khác. Riêng ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể giao cho Chính phủ quy định nhưng danh mục này phải đảm bảo tính ổn định lâu dài chứ không nên rà soát hành năm như dự thảo quy định.

 

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Quốc hội nên định kỳ hàng năm giám sát danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện để bãi bỏ các nội dung không phù hợp. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) khẳng định về sự cần thiết phải ban hành danh mục bị cấm, kinh doanh có điều kiện kèm theo luật, theo đúng tinh thần của Hiến pháp là quyền kinh doanh chỉ bị hạn chế theo luật. Và, định kỳ Chính phủ sửa đổi bổ sung trình danh mục ra Quốc hội và Quốc hội thực hiện việc điều chỉnh để bảo đảm phù hợp Hiến pháp và tránh thường xuyên điều chỉnh ngành nghề cấm, kinh doanh, tránh xáo trộn, hạn chế thu hút đầu tư.

 

Cũng đồng tình với việc trao quyền tự do trong kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng một số ĐB khác như Lê Công Đỉnh (Long An), Nguyễn Công Bình (Yên Bái), cho rằng chỉ nên quy định về nguyên tắc các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện trong dự thảo còn danh mục cụ thể do Chính phủ quy định và hàng năm Chính phủ tiến hành rà soát, bãi bỏ các nội dung không phù hợp. Điều này sẽ tạo sự linh hoạt trong danh mục này.

 

Còn theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, dự luật chỉ nên quy định các danh mục cấm, có điều kiện phải thường xuyên có sự cập nhật, còn việc lập danh mục này nên giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có sự linh hoạt hơn về những thay đổi thay vì quy định trong dự thảo luật hay giao Chính phủ lập danh mục.

 

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, đa số các ĐB đều đồng tình với việc không cần thiết phải đưa một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước như trong dự thảo. Bởi điều này sẽ tạo cho các thành phần doanh nghiệp khác có cảm giác bị phân biệt đối xử. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nên đưa các quy định về doanh nghiệp vào dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đang được Quốc hội cho ý kiến.

 

Theo SGGPO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek