* Nghị sĩ Ý: Châu Âu cần bày tỏ quan ngại hơn nữa về biển Đông
Ngày 17/5, tại diễn đàn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khu vực phía Bắc, cộng đồng doanh nghiệp SME Việt Nam đã công bố Nghị quyết chung về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Chiến sĩ trên tàu Cảnh sát biển 8003 đang quan sát mục tiêu trên biển. - Ảnh: Vietnam+ |
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lên tiếng cực lực phản đối hành động cố ý xâm phạm chủ quyền của nhà cầm quyền Trung Quốc tại biển Đông, gây nên sự mất ổn định nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tại diễn đàn, các cấp hội doanh nghiệp Việt Nam khẳng định luôn luôn ủng hộ và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc, giải quyết tranh chấp trên biển Đông và yêu cầu phía Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các lực lượng vũ trang, tàu thuyền ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng và thực hiện cam kết DOC, tôn trọng và thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
Trên cơ sở đó, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước, tăng cường đoàn kết, hợp tác phối hợp hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, chia sẽ khó khăn, tích cực hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giữ ổn định và vững chắc thị trường nội địa, góp phần vào ổn định tình hình kinh tế-xã hội.
Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở trong và ngoài nước có quan hệ kinh doanh, hợp tác, học tập với các doanh nghiệp và người dân nước ngoài vận động bạn bè lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ sự đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981, các lực lượng vũ trang, tàu thuyền ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở trong và ngoài nước phát huy truyền thống yêu nước và nhân văn sâu sắc, không hành xử hay hành động quá khích, mắc mưu kẻ xấu, vi phạm pháp luật. Bằng hành động cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang làm việc, sinh sống ở trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức khác nhau tích cực đóng góp về vật chất và tinh thần để động viên nhân dân và các lực lượng vũ trang đang sống và làm nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn thế giới hãy vì công lý và đạo lý lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc uy hiếp và gây hại cho tàu Việt Nam ở biển Đông - Ảnh: TTXVN |
* Sáng 17/5, hơn 300 học sinh, sinh viên và kiều bào Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bỉ đã biểu tình trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Brussels để phản đối việc Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đoàn người biểu tình mang theo cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp với nội dung “Trung Quốc hãy ra khỏi vùng biển Việt Nam,” “Chúng tôi muốn hòa bình, không muốn chiến tranh”, “Trung Quốc hãy tôn trọng Công ước 1982 về biển". Trong số người biểu tình, có rất nhiều em nhỏ và các bạn bè Bỉ yêu mến Việt Nam.
Thay mặt Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Bá tước Baudouimd de Crombrugghe nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam và tàu Trung Quốc tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và các thỏa thuận có liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Hành động này làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông, gây khó khăn thêm cho việc đàm phán giải quyết tranh chấp về chủ quyền trên biển bằng biện pháp hòa bình; đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông, gây mất ổn định trong khu vực và trên thế giới; ảnh hưởng tiêu cực đến các mặt hợp tác và làm tổn hại mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Ông Marnix Smets, Giám đốc công ty Pinakes kêu gọi Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay hành động xâm nhập trái phép vùng biển của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án. Theo ông Smets, việc tàu Trung Quốc được máy bay yểm trợ đã tấn công các tàu ngư chính và cảnh sát biển của Việt Nam đang làm nhiệm vụ "là hành động xâm lược không thể chối cãi".
Trong khi đó, anh Trịnh Đình Khuyến, giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, hiện là nghiên cứu sinh tại Bỉ, khẳng định cùng với sinh viên và cộng đồng người Việt Nam tại đây, tất cả đều hướng về biển đảo quê hương và đề nghị nhà cầm quyền Bắc Kinh rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và mong muốn chung sống hòa bình với các quốc gia trên thế giới.
Ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ đã tuyên bố: “Là một dân tộc có truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân dân Việt Nam mong muốn duy trì tình hữu nghị và hợp tác bình đẳng với nhân dân Trung Quốc nhưng tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác và không bao giờ nhân nhượng trước những hành động sai trái và ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh". Ông cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm. Nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo và từng tấc đất mà ông cha đã đổ bao xương máu để gìn giữ. Góp sức cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững giang sơn, hải đảo, máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ kiên quyết phản đối hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc, lên án mạnh mẽ mọi hình thức gây hấn, kích động bạo lực của Trung Quốc trên biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu, thiết bị, nhân sự ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Huỳnh Công Mỹ cũng cho biết Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình trước trụ sở Hội đồng châu Âu để gây tiếng vang đối với quốc tế và cùng với Hội hữu nghị Việt Nam tại một số quốc gia như Pháp, Cộng hòa Czech, Ba Lan tổ chức các cuộc tuần hành lớn nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam.
* Các nghị sĩ Ý đã lên tiếng thể hiện quan điểm về những căng thẳng trên biển Đông và đề nghị các bên nhanh chóng tìm được một giải pháp cho vấn đề này. Hôm 16/5, hạ nghị sĩ Enzo Amendola, lãnh tụ Phe đa số thuộc đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Matteo Renzi tại Ủy ban đối ngoại Hạ viện Ý, đã ra tuyên bố liên quan đến căng thẳng tại biển Đông do hành động trái phép đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) của Trung Quốc. Theo ông, mọi hành động đơn phương sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực, một trong những trung tâm phát triển kinh tế thế giới. Do đó, để giải quyết những căng thẳng ở biển Đông, "cần thúc đẩy các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển, nhằm tiếp tục bảo đảm tự do hàng hải". Ông cũng cho rằng, "Ý và châu Âu cần bày tỏ quan ngại hơn nữa đối với tình hình hiện tại tại biển Đông", khi những căng thẳng đang xảy ra "có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của cả khu vực, và sẽ tác động đến cả khu vực châu Âu".
Trước đó, Thượng nghị sĩ Antonio Razzi, thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Ý cũng tuyên bố rằng, những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc "đang gây ra mối quan ngại cho sự hòa bình và ổn định trong khu vực biển Đông". Ông hy vọng rằng, hai nước sẽ tìm ra được giải pháp cho những tranh chấp bằng con đường hòa bình và tránh làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Hiện chính phủ Ý chưa đưa ra tuyên bố nào về những căng thẳng trên biển Đông. Dự kiến, Thủ tướng Ý Matteo Renzi sẽ đi thăm chính thức Việt Nam và cả Trung Quốc vào đầu tháng 6.
Trong khi đó, ngày 17/5, tờ The Sydney Morning Herald của Úc đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Động thái hàng hải của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng khu vực”, trong đó nhận định Bắc Kinh biết rõ việc hạ đặt giàn khoan giàn khoan dầu Hải Dương - 981 là “hành động khiêu khích”. Theo tờ báo, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đồng thời điều động máy bay cùng 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, tới khu vực đặt giàn khoan trị giá 1 tỉ USD. Tờ báo chỉ trích các hành động của Trung Quốc “làm gia tăng căng thẳng một cách nguy hiểm trên biển Đông”. Tờ báo cho biết các nhà hoạch định chiến lược tại Úc và khu vực đang tìm hiểu lý do Trung Quốc chọn thời điểm này để leo thang căng thẳng với Việt Nam.
Tuy ở cách xa hàng chục ngàn cây số, song những thông tin và hình ảnh về đất nước Việt Nam vẫn được biết đến tại Thụy Sĩ. Những hành động gây hấn của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương – 981 trong vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam lại làm nhức nhối những người dân yêu chuộng hòa bình ở Thụy Sĩ. Những việc làm phi pháp của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang làm gia tăng nỗi bất bình trong các tầng lớp nhân dân, làm tổn hại đến tình cảm trong quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, bà Anjuska Weil, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Lao động Thụy Sĩ, khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông hoàn toàn trái luật pháp quốc tế.
Hành động đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương – 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thể hiện thái độ lạm quyền của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng rõ ràng rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động bất hợp pháp của họ đối với tất cả các quốc gia láng giềng, cùng hợp tác vì hòa bình và ổn định ở biển Đông.
Tàu quân sự Trung Quốc mang vũ khí đe dọa tàu Việt Nam
Tại cuộc họp báo vừa diễn ra chiều 17/5, ông Nguyễn Văn Trung Phó Cục Trưởng Cục Kiểm Ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tình hình diễn biến thực địa tại hiện trường quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981 vẫn đang hết sức căng thẳng, phía Trung Quốc vẫn hung hăng, tăng cường đe dọa và cản phá với sự gia tăng các tàu quân sự tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981.
Cụ thể, ngày 17/5, tàu quân sự của Trung Quốc bảo vệ vòng ngoài đã tháo bạt che vũ khí nhằm mục đích đe dọa các tàu cá của ngư dân Việt Nam khi tiến lại gần và tiếp tục những hành động khiêu khích lực lượng chấp pháp của Việt Nam xung quanh giàn khoan Hải Dương-981.
Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, số tàu của Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981 trong buổi sáng 17/5 duy trì khoảng 119 tàu (giảm một số tàu cá so với ngày hôm qua 126 tàu), bao gồm các tàu hải cảnh, tàu chiến đấu, tàu khu trục tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tiếp dầu, tàu cá vỏ sắt. “Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa thêm 2 tàu quân sự mới là tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 755 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh 789 đến khu vực giàn khoan Hải Dương-981 để cản phá và đe dọa lực lượng chấp pháp của ta”, Phó cục Trưởng Nguyễn Văn Trung nói.
Nêu rõ tình hình thực địa tại hiện trường, Phó cục Trưởng Nguyễn Văn Trung cho hay, khi các tàu Kiểm ngư tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 thực hiện công tác tuyên truyền yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan về nước liền bị nhiều tàu Trung Quốc tập trung lực lượng vây ép, đâm va và phun vòi rồng.
Đặc biệt, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm va và làm một tàu Kiểm ngư Việt Nam bị móp mạn khi lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 7 hải lý. Tuy nhiên, sau sự cố lực lượng kiểm ngư đã nhanh chóng khắc phục sửa chữa, nên tàu vẫn tiếp tục cơ động bình thường và thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc vẫn tiến hành vây ép tàu cá của như dân ta nhưng ngư dân vẫn kiên quyết, khéo léo và vững vàng bám trụ đấu tranh đòi ngư trường.
Mặt khác, ngoài vùng thực địa quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981, vào lúc 23 giờ đêm ngày 16/5, ở khu vực đảo Phú Lâm (Phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 110 hải lý), tàu Ngư chính 306 của Trung Quốc đã khống chế tàu cá QNg-90205-TS của tỉnh Quảng Ngãi và đánh đập các thuyền viên, phá hoại tài sản trên tàu cá khi đang khai thác ở khu vực này. Sự việc này đã khiến 2 thuyền viên bị thương nặng và hiện tàu cá vẫn bị Trung Quốc giữ ở đảo Phú Lâm.
Trước tình hình trên, với tinh thần chiến đấu kiên cường, kiên trì, kiên quyết và kiềm chế, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ, bám sát các tàu cá, ngư dân của ta đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động tại ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981.
“Phía Việt Nam vẫn duy trì lực lượng như những ngày trước đồng thời ngư dân vẫn tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng chức năng, bám biển sản xuất và góp phần giữ vững chủ quyền của đất nước với tinh thần hăng hái, phấn khởi và với phương châm hòa bình, ổn định,” ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh. |
BTV (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)