Thứ Năm, 28/11/2024 07:32 SA
Việt Nam kiên quyết chống hành động xâm phạm chủ quyền
Thứ Năm, 08/05/2014 11:19 SA

Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng - Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam

* Quốc tế phản ứng về hành động của Trung Quốc

 

Chiều 7/5, cuộc họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN-PTNT.

 

Tại họp báo, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết: Ngày 01/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là Hải Dương-981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ tây bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía nam. 

 

Đến 16 giờ ngày 2/5/2014, giàn khoan Hải Dương-981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ bắc - 111 độ 12 phút 06 giây kinh đông, phía nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng.

 

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển cho biết thêm: Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: Tàu Hộ vệ Tên lửa 534 (Giang Hồ II) và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu Hải Cảnh, Hải Giám, Ngư Chính và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã vào các đảo Lý Sơn từ 50-60 hải lý. Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của phía Trung Quốc, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu.

 

Các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã có mặt kịp thời tại hiện trường, tiến hành quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước những hành động hung hăng, ngang ngược của các tàu Trung Quốc.

 

Cũng tại họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Kiểm ngư (Bộ NN - PTNT) đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế về các vấn đề liên quan, trong đó khẳng định: Việc giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam và hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam là việc làm vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). 

 

Khu vực xâm phạm của Trung Quốc nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc gây mất lòng tin của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Việt Nam chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, kiên trì trao đổi với Trung Quốc về các vấn đề ở biển Đông; kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

 

Mỹ: Tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam là cách hành xử hăm dọa

 

Ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động của tàu Trung Quốc ở biển Đông, coi đó là cách hành xử nguy hiểm. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki trong cuộc họp báo thường kỳ tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington cho rằng, việc tàu Trung Quốc cố tình đâm vào các tàu của Việt Nam là một cách hành xử nguy hiểm và mang tính hăm dọa. 

 

Bà Jen Psaki phát biểu: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại về cách hành xử và hăm dọa nguy hiểm của tàu bè tại các vùng biển có tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hành xử một cách an toàn và thích hợp, giải quyết các yêu sách chủ quyền một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với lụât pháp quốc tế”.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington cũng đã có thông tin về việc cảnh sát Phillipines bắt giữ các tàu của Trung Quốc và Phillipines cùng các ngư dân chuyên chở rùa biển một cách bất hợp pháp ở biển Đông.  Bà Jen Psaki hối thúc Trung Quốc và Phillipines hợp tác giải quyết với nhau qua con đường ngoại giao, đồng thời cũng bày tỏ quan ngại về hành động đánh bắt rùa biển, một loại động vật quý hiếm. 

 

Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain ra tuyên bố nêu rõ, việc Trung Quốc quyết định khoan dầu ngoài khơi vùng biển Việt Nam cũng như triển khai hàng chục tàu hải quân để hỗ trợ hành động khiêu khích này là vô cùng đáng quan ngại và chỉ gây gia tăng căng thẳng tại biển Đông. Theo ông McCain, việc tàu Trung Quốc tập trung lại và đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam là hành động gây hấn trên biển, Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Đông, đồng thời khẳng định hành động của Trung Quốc dựa trên những yêu sách lãnh thổ không hề có cơ sở luật pháp quốc tế. Thượng nghị sĩ Mỹ McCain nêu rõ, hoạt động khoan dầu của Trung Quốc diễn ra hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, một khu vực được xác định rõ theo luật pháp quốc tế.

 

Cũng trong ngày 7/5, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Mỹ, ông Andrew Billo, học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại TP New York khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) năm 1982.

 

Theo ông Andrew, đây rõ ràng là sự thất bại của Trung Quốc trong trách nhiệm phải hành động theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS, vì thế Trung Quốc cần phải tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này. Nếu thực tế, Trung Quốc không hài lòng với việc khoan thăm dò của Việt Nam ở đây, như đã nhiều lần xảy ra trước đó, ít nhất họ cũng phải tìm các cách khác nhau để giải quyết bất đồng trước khi có các bước đi đơn phương như vậy.

 

Về động cơ đằng sau hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Andrew cho rằng nó xuất phát từ nhận thức rằng gần như toàn bộ biển Đông thuộc lãnh thổ của nước này. Những năm gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép các quốc gia láng giêng, yêu cầu họ phải tôn trọng và tuân thủ các tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông của Bắc Kinh. Hành động này cũng xuất phát từ thực tế rằng Trung Quốc ngày càng nhận thấy mình không nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trước các hành động của họ. 

 

Theo ông Andrew, thay vì có lập trường hòa giải hơn, lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách khuấy động sự ủng hộ của dư luận trong nước đối với các hành động quyết đoán của họ, không chỉ ở châu Á, mà còn cả ở các khu vực khác trên thế giới. Khi Trung Quốc tự cho mình là quốc gia “đã nổi”, thay vì “đang nổi”, hiện rất khó để họ trở lại quan điểm hòa bình mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố đây là chính sách họ đã lựa chọn. 

 

Cũng theo học giả Andrew, Mỹ nên tiếp tục lên án các hành động của Trung Quốc đồng thời phải tìm các cách khác để đưa các bên liên quan ngồi vào bàn bàn đàm phán nhằm thảo luận các điều khoản có thể giúp quản lý tốt hơn tình hình ở khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, thách thức với giải pháp này là đôi khi với vị thế bá quyền của mình, Mỹ đã không công nhận sức mạnh và giá trị của các thể chế quốc tế như Liên Hợp Quốc. Mà cụ thể là nếu Mỹ phê chuẩn UNCLOS, điều này sẽ làm tăng tính khả tín cho Mỹ trong yêu cầu Trung Quốc và các nước châu Á phải tuân theo các giá trị và chuẩn mực pháp lý liên quan tới vấn đề trên.

 

Dự báo về tình hình biển Đông sau hành động khiêu khích này của Trung Quốc, ông Andrew cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động theo cách bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giêng. Vì vậy, nước này sẽ chỉ làm cho tình hình ngày càng phức tạp hơn. Đây là tình huống nguy hiểm, vì Trung Quốc đã không tuân thủ luật pháp quốc tế và nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ về việc Trung Quốc sẽ sẵn sàng tiến xa tới mức nào trong khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực.

Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain. - Nguồn: AFP/TTXVN

 

Nhật Bản: Cần tránh hành động đơn phương trong vấn đề biển Đông

 

Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo tại thủ đô Paris ngày 7/5 nhân chuyến thăm Pháp, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng “cần tránh hành động đơn phương” trên biển Đông. Khi được phóng viên hãng thông tấn Nhật Bản hỏi về vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu khí trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, Ngoại trưởng Kishida nêu rõ: “(Hành động này của Trung Quốc) làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Tokyo không thể không quan ngại. (Các bên) cần tránh những hành động đơn phương (trên biển Đông)”. 

 

Singapore bày tỏ quan ngại về diễn biến mới ở biển Đông

 

Ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới tại biển Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tránh làm leo thang căng thẳng tại vùng biển này. Trong tuyên bố trả lời báo chí về phản ứng của Singapore trước thông tin có nhiều sự cố xảy ra tại biển Đông, đặc biệt là các vụ va chạm giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cũng nói thêm rằng Singapore kêu gọi tất cả các bên tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho biết Singapore sẽ tiếp tục kêu gọi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cùng làm việc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC).

 

Học giả Ý lên án hành động của Trung Quốc

 

Ngày 7/5, tại Rome, Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế, Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng, Bộ Ngoại giao Ý đã phối hợp tổ chức Hội thảo về Vai trò của Ý tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Vietnam+

 

Đại sứ Việt Nam tại Ý Nguyễn Hoàng Long tham gia hội thảo này với tư cách khách mời và diễn giả. Sau khi nghe Đại sứ Nguyễn Hoàng Long thông báo về tình hình căng thẳng trên biển Đông, nhất là những diễn biễn vừa qua về việc Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhiều học giả, diễn giả và đại biểu đã lên án hành động trên của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đang cố tình gây căng thẳng, đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực. 

 

Một số đại biểu cũng đã nhấn mạnh việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. 

 

Một số ý kiến cho rằng, Ý, với tư cách là một thành viên của nhóm G7 và đang ngày càng quan tâm hơn đến khu vực này, cần phải đóng một vai trò nhất định trong việc cùng cộng đồng quốc tế tháo gỡ tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông, tiến tới việc giải quyết những tranh chấp liên quan vùng biển này, theo luật pháp quốc tế. 

 

Hội thảo này được tổ chức nhằm thảo luận về vai trò của Ý trong khu vực được cho là có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thế giới trong thế kỉ 21. Theo ý kiến của nhiều học giả, thì vai trò của Ý trong đời sống chính trị quốc tế nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng cần được nâng lên hơn nữa trên nhiều mặt, từ kinh tế, văn hóa cho đến thương mại. 

 

Hội thảo cũng cho rằng, xét trên khía cạnh ngoại giao, với năng lực thương thuyết có tiếng của mình, Ý có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong nhiều cuộc tranh chấp, trong đó có cả những tranh chấp ở biển Đông.

 

L. HỘI (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek