Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhưng hiệp định ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã tìm cách phá hoại, hòng đặt miền Nam Việt Nam dưới ách thống trị của chúng. Vậy là sau 9 năm chống Pháp, nhân dân ta lại phải đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ.
Sau thất bại của các chiến lược “chiến tranh một phía”, năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ”. Chúng đã huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược lúc cao nhất tới 66.000 tên lính Mỹ (nếu tính cả quân ngụy và quân các nước chư hầu của Mỹ, nhân dân miền Nam phải đương đầu với một đội quân tới 1,2 triệu tên).
Về phương tiện chiến tranh, đế quốc Mỹ đã sử dụng tất cả các loại vũ khí mà chúng hiện có (trừ bom nguyên tử), kể cả những loại vũ khí mà cộng đồng quốc tế cấm sử dụng như: bom bi, bom na-pan. Các chất hóa học độc hại như chất độc da cam/điôxin.
Với sức mạnh quân sự khổng lồ đó, đế quốc Mỹ tưởng có thể mau chóng khuất phục nhân dân ta. Nhưng chúng càng đánh, càng thua. Năm đời tổng thống Mỹ, với những tướng lĩnh sừng sỏ cũng không cứu nổi thất bại. Cuối cùng, năm 1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi nước ta.
Mỹ đã cút, thì ngụy phải nhào. Với cuộc tấn công và nổi dậy thần tốc ngày 30/4/1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Báo cáo chính trị tại Đại hội IV của Đảng ta đã ghi những dòng trang trọng như sau: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đất nước ta đã sạch bóng quân thù, cả nước cùng ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với miền Nam và cả nước, từ năm 1954 đến 1975, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã vượt qua biết bao mất mát, hy sinh, một lòng tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ, tiến hành cuộc đấu tranh chính trị, vũ trang, binh, địch vận, trên cả 3 vùng rừng núi, đồng bằng, đô thị, lập nên những chiến công xuất sắc như cuộc đồng khởi Hòa Thịnh (1960), đặc biệt là chiến công tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ cánh quân ngụy từ Tây Nguyên rút chạy về Tuy Hòa, tiêu diệt và bắt sống hơn 40.000 tên địch, giải phóng tỉnh nhà vào ngày 1/4/1975.
Gần 40 năm qua, nhất là từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã vượt qua bao khó khăn, thử thách từng bước vươn lên, đạt được những thành tựu to lớn trên các mặt: kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh - quốc phòng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ phát huy truyền thống của một tỉnh đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân trong tỉnh đang nỗ lực phấn đấu biến Nghị quyết XI của Đảng và Nghị quyết XV của Đảng bộ tỉnh thành hiện thực trong cuộc sống, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng Phú Yên ngày càng giàu mạnh, văn minh.
PHÚ YÊN