Thứ Tư, 09/10/2024 01:31 SA
Tấm gương người cộng sản trẻ tuổi, tài cao và kiên trung cách mạng
Thứ Năm, 01/05/2014 07:00 SA

Đồng chí Trần Phú là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta thời dựng Đảng. Tuy thời gian giữ cương vị cao nhất của Đảng chưa tròn 1 năm nhưng đồng chí đã có những cống hiến to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và những đóng góp của Tổng bí thư Trần Phú là tấm gương sáng của người cộng sản trẻ tuổi, tài cao, tấm gương chiến đấu kiên cường với kẻ thù tàn bạo trong những ngày tháng trong tù. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét: Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng…

dang-huong140429.jpg

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương cố Tổng bí thư Trần Phú tại Di tích lịch sử quốc gia Thành An Thổ, xã An Dân (Tuy An) - Ảnh: D.T.XUÂN

Trần Phú là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng và được Bác Hồ lựa chọn đưa đi đào tạo ở Liên Xô. Về nước cuối năm 1929 và lăn lộn trong phong trào yêu nước và cách mạng, với những phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản, tháng 7/1930 đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 Luận cương chính trị do đồng chí dự thảo đã được thông qua và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư. Trên cương vị Tổng bí thư, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Trung ương 2 tháng 3/1931 và Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương. Đồng chí bị bắt khi đang chỉ đạo phong trào cách mạng và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Bị kẻ thù tra tấn dã man, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng trong nhà thương Chợ Quán. Trước lúc hy sinh, Trần Phú dặn lại anh em, đồng chí: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu.

Cống hiến to lớn nhất của đồng chí Trần Phú là đã cụ thể và phát triển quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. Đó là làm cách mạng tư sản dân quyền.

Về con đường cách mạng Việt Nam, tháng 2/1930, tại Hội nghị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề ra con đường cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản…”. Đến tháng 10/1930, trong Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú đã cụ thể và phát triển các quan điểm của Hồ Chí Minh trên 3 điểm chính sau đây:

Một là, cuộc cách mạng tư sản dân quyền do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng (tức cách mạng xã hội chủ nghĩa).

Hai là, sau khi cách mạng tư sản dân quyền thắng lợi, chính phủ công nông được xây dựng, kinh tế trong nước phát triển, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản được tăng cường, xứ Đông Dương nhờ sự giúp đỡ của chuyên chính vô sản các nước mà bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Ba là, trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, nhiệm vụ phản đế và phản phong quan hệ khăng khít với nhau, vừa tiến hành “thổ địa cách mạng” đem lại ruộng đất cho dân cày, vừa “tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”.

Có thể nói, sự cụ thể hóa, phát triển các quan điểm lý luận về cách mạng tư sản dân quyền của Nguyễn Ái Quốc mà đồng chí Trần Phú nêu ra trong Luận cương chính trị có ý nghĩa chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng và góp phần tăng cường vai trò, khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng, nhất là trong bối cảnh Đảng vừa ra đời, trên cơ sở thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy phù hợp với nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng ta đã đoàn kết được những lực lượng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái khác của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường. (xem Hồ Chí Minh, t10, tr9).

Để lãnh đạo cách mạng tư sản dân quyền, trong Luận cương chính trị đồng chí Trần Phú viết: Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải đấu tranh mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản. (Văn kiện Đảng t2, tr100).

Trong bối cảnh quốc tế và tình hình cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, những quan điểm của đồng chí Trần Phú về vai trò của Đảng và nhiệm vụ xây dựng Đảng là hết sức vững vàng, đúng đắn. Một mặt đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và vai trò, nhiệm vụ xây dựng Đảng là đúng; mặt khác thể hiện nguyên lý quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đảng Mác xít - Lêninít: Đảng phải tiền phong về lý luận, có đường lối chính trị đúng và liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, tranh đấu vì lợi ích đông đảo quần chúng nhân dân, trước hết là công nông.

Đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, đồng chí Trần Phú đặc biệt coi trọng việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên của Đảng trong thực tiễn chỉ đạo, lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân. Tại Hội nghị Trung ương tổ chức vào ngày 2/3/1931, Tổng bí thư Trần Phú đã phân tích những nguyên nhân thắng lợi của phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, đồng thời nêu bật những khuyết điểm, yếu kém của Đảng trong thực tế chỉ đạo làm cho phong trào bị tổn hại, cách mạng gặp khó khăn. Mà nguyên nhân của tình hình đó là do cán bộ, đảng viên của Đảng chưa nhận thức rõ và đúng về tính chất giai cấp của Đảng dẫn đến mơ hồ giai cấp hoặc biệt phái, hẹp hòi, cô độc; chưa quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức, phát triển đội ngũ đảng viên cũng như gây dựng cơ sở Đảng, đảng viên trong các tổ chức Công hội, Nông hội, Thanh niên; phiêu lưu mạo hiểm khi đưa quần chúng công nông ra đấu tranh, không tính toán so sánh lực lượng và có phương pháp đấu tranh phù hợp làm cho lực lượng cách mạng, phong trào bị tổn hại nặng nề.

Từ những phân tích, đánh giá tình hình như vậy, Tổng bí thư Trần Phú cho rằng, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng thì vấn đề quan trọng là bổ sung vào cốt cán của Đảng những cán bộ, đảng viên xuất thân từ công nhân; đồng thời ra sức chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh trong đội ngũ đảng viên; đặc biệt kỷ luật đảng phải nghiêm khắc, có vậy thì mới bảo đảm cho Đảng vững mạnh về chính trị và tổ chức.

Tổng bí thư Trần Phú còn chỉ rõ phải coi trọng hơn nữa củng cố tổ chức đảng và phát triển mạnh đảng viên mới gắn liền với củng cố các tổ chức quần chúng của Đảng là Công hội, Nông hội, Thanh niên và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với các tổ chức này, gấp rút tổ chức Đoàn Thanh niên, chú trọng xây dựng và thi hành các nghị quyết về vận động các quần chúng theo giới, theo nghề nghiệp…

Trải qua hơn 80 năm kể từ khi Luận cương chính trị và các văn kiện Đảng thời kỳ Trần Phú làm Tổng bí thư, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, chúng ta tự hào về Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, một người cộng sản tuổi trẻ tài đức vẹn toàn, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, một tấm gương cộng sản sống anh hùng, chết vẻ vang, tận trung với Đảng, với dân, bất khuất kiên cường trước kẻ thù tàn bạo, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và mong muốn đồng chí của mình: hãy giữ vững chí khí chiến đấu.

Tiến sĩ Phạm Văn Khánh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek