Thứ Năm, 28/11/2024 15:30 CH
Chiến thắng Điện Biên Phủ qua con mắt người nước ngoài
Chủ Nhật, 04/05/2014 00:00 SA

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son sáng ngời, một sự kiện chấn động địa cầu: Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là thắng lợi vô cùng to lớn của nhân dân Việt Nam. Nước Pháp coi việc thất thủ Điện Biên là một thảm họa. Nhà sử học Mỹ Berna Fol cũng đánh giá rằng: “Điện Biên Phủ vừa là một thất bại chính trị hết sức nặng nề, vừa là một thất bại quân sự vô cùng thảm hại. Vì đó là lần đầu tiên cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại”(1).

dbp140430.jpg

Cờ của quân đội ta tung bay trên nắp hầm tướng Đờ Cát - Ảnh: T.LIỆU

Thất thủ Điện Biên Phủ - một tập đoàn cứ điểm vững chắc mà người Pháp đã đặt nhiều kỳ vọng đã làm cho Pháp hoang mang, đau xót và tủi hổ. Thủ tướng Pháp J.La-ni-en đã phải thốt lên: “Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà... Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế”. Đó là những dòng viết của Thủ tướng J.La-ni-en trong cuốn sách có nhan đề Tấn thảm kịch Đông Dương, xuất bản tại Pa-ri (Pháp) năm 1957.

Một nhà báo Pháp cũng thừa nhận: “Trên toàn thế giới nơi trước đây trận Oa-téc-lô từng gây chấn động kém hơn, sự thất thủ Điện Biên Phủ đã gây nên nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đây là một trong những thất bại lớn nhất của phương Tây, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân và sự cáo chung của một nền cộng hòa.

Tiếng sấm của các sự kiện vẫn còn rền vang…”(2).

Tại phiên họp chính phủ được cho là bi thảm nhất của nước Pháp vào ngày 11/5/1954, với cương vị là nghị sĩ, Ph.Mít-tơ-răng (sau này là Tổng thống Pháp) đã dồn dập chất vấn chính phủ của J. La-ni-en về việc để mất Điện Biên Phủ. Bốn mươi năm sau (1994), Tổng thống Ph.Mít-tơ-răng đã đến Việt Nam và thăm Điện Biên Phủ. Điều này chứng tỏ rằng, nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử của nước Pháp. Trên ý nghĩa đó, cựu Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, A. Pui-li-ớt đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Điện Biên Phủ rằng: “Tất cả chúng ta biết rằng, dù lịch sử phải sang trang, nhưng chưa có trang sử nào - dù vinh quang hay thảm khốc nhất có thể viết lại được. Chấp nhận quá khứ tức là chấp nhận mình, đó là một nghĩa vụ đối với tất cả chúng ta”(3).

Trong bài viết với nhan đề Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của bọn thực dân, Báo Sao đỏ (Liên Xô) số ra ngày 8/5/1954, chỉ rõ: “Thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ không phải là một sự ngẫu nhiên... Trước dư luận, Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của kế hoạch Na-va phiêu lưu mà trước đây người ta đã quảng cáo ầm ĩ. Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại...”.

Nhân dân Ba Lan ca ngợi: “Điện Biên Phủ tượng trưng cho sự nghiệp anh hùng của nhân dân Việt Nam. Ở đây, nhân dân Việt Nam đã đánh cho bọn thực dân Pháp và bọn đế quốc giúp đỡ chúng một đòn chí mạng...”(4). Các bạn Cu-ba coi: “Điện Biên Phủ và Hi-rôn là những dòng chữ ghi trên mồ chủ nghĩa đế quốc”... (5).

Sự kiện Điện Biên Phủ đã chứng minh: Châu Á ngày nay đâu còn phải là châu Á ngày xưa. Các dân tộc châu Á đã bước những bước dài trên con đường giải phóng dân tộc. Và đó là một ngọn trào không gì ngăn giữ nổi. Đã vĩnh viễn qua rồi chính sách vũ lực, chính sách xâm lược, chính sách quân đội, cảnh sát và tiễu phạt cũng chẳng thể cản được bước đi của họ...(6).

Với nhân dân 3 nước Đông Dương, chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Sự nghiệp cách mạng của ba nước có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời. Chính vì vậy, “Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của quân đội và nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi chung của nhân dân các nước Đông Dương”. Và “Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi một trang mới trong lịch sử của nhân dân bị áp bức”.

Trong cuốn sách Điện Biên Phủ, trận đánh kết thúc một cuộc chiến tranh thực dân, nhà văn nổi tiếng người Đức He-ri Thoi-ơ, người đã có mặt ngay ở Điện Biên Phủ vào những ngày tháng 5/1954 khi đó còn đang nồng nặc mùi chiến trận và đã cảm nhận được rằng: “Điện Biên Phủ là bước ngoặt lịch sử, báo hiệu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân. Mặc dù với đầy đủ vũ khí tối tân, nhưng tướng lĩnh thì chủ quan, ngạo mạn, ý chí chiến đấu của binh lính thì sa sút, rệu rã. Vì vậy, thất bại của Pháp tại chiến trường Điên Biên Phủ là tất yếu trước sự nhất trí và sáng suốt của Bộ Chỉ huy chiến dịch Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần chiến đấu hăng hái, quyết tâm cao sẵn sàng chịu đựng hy sinh gian khổ “tất cả vì tiền tuyến” của quân dân Việt Nam”.

Trên đây mới chỉ là một số chứ chưa phải và cũng không thể dẫn ra được hết những tấm lòng khâm phục, cũng như những đánh giá khách quan của bạn bè thế giới hiện nay về chiến thắng lịch sử mà dân tộc ta đã giành được 60 năm trước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Dù trận đánh lịch sử này qua con mắt của người nước ngoài được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng âm vang và ý nghĩa quốc tế của chiến thắng Điện Biên sẽ mãi được cả thế giới ngợi ca và ghi nhận.

(1)-F.Engels (1974), Tuyển tập luận văn quân sự”, Quân đội Nhân dân, HN, trang.165.

(2)-Nhiều tác giả (1984), “Sức mạnh chiến thắng Điện Biên Phủ” NXB Sự thật, Tr 52-53.

(3)-Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt- Pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 14

(4), (5)- Đỗ Thiện, Đinh Kim Khánh: Tiếng sấm Điện Biên Phủ: Sđd, tr 321, 322

(6) -Báo Nước Pháp mới, ngày 15-5-1954

NGUYỄN VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek