Thứ Tư, 09/10/2024 05:22 SA
Noi theo tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Trần Phú:
Đảng bộ và nhân dân Phú Yên quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh (*)
Thứ Sáu, 25/04/2014 09:00 SA

Trải qua hơn 8 thập kỷ đấu tranh cách mạng gian khổ, kiên cường, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đã lập nên những chiến công hiển hách, mở ra những trang chói lọi và huy hoàng trong lịch sử dân tộc ta. Trong quá trình đấu tranh cách mạng đầy thử thách và thắng lợi đó đã xuất hiện nhiều tấm gương cộng sản kiên cường, bất khuất, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta là một trong số những người đó. Trần Phú thuộc thế hệ chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đào tạo “đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh của mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”1.

 

tuong-tp140425.jpg

Tượng đồng chí Trần Phú viết Luận cương chính trị do nhà điêu khắc Minh Trí thực hiện - Ảnh: BTLS

1. Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, trong một gia đình nhà nho2 có tinh thần yêu quê hương, đất nước. Đồng chí Trần Phú phải trải qua tuổi thơ cơ cực và buồn đau: 4 tuổi đã mất cha, lên 6 tuổi mất mẹ. Cuộc sống gian truân, vất vả đã rèn luyện cho đồng chí đức tính siêng năng, cần mẫn, chịu đựng gian khổ, hy sinh. Những đức tính đó đã giúp Trần Phú vượt qua gian khó, vươn lên vững vàng trong học tập và trong hoạt động cách mạng.

 

Trước cảnh đất nước bị thực dân phương Tây đô hộ, nhân dân rơi vào cảnh nô lệ, lầm than, Trần Phú sớm bộc lộ tinh thần yêu nước từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong thời gian học tập tại Trường Quốc học Huế, đồng chí đã cùng với những người bạn cùng chí hướng như Hà Huy Tập, Hà Huy Lương, Trần Văn Tăng, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn,… lập ra “Hội tu tiến” để cùng nhau đọc sách, báo, trao đổi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và nuôi dưỡng lòng yêu nước. Năm 1922, sau khi thi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Huế, Trần Phú về TX Vinh dạy học tại Trường tư thục Cao Xuân Dục. Và từ đây đồng chí chính thức dấn thân vào con đường cách mạng để cứu nước, cứu dân. Năm 1925, Trần Phú cùng với một số thanh niên trí thức (Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai) và cựu chính trị phạm của Nhà tù Côn Đảo (cụ Lê Huân và cụ Nguyễn Đình Kiên) thành lập Hội Phục hưng Việt Nam, gọi tắt là Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng đảng, Tân Việt Cách mạng đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn).

 

Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Trần Phú là vào tháng 6/1926, đồng chí được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên. Tại đây, Trần Phú được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào Cộng sản Đoàn và được Người giới thiệu sang học tại Trường đại học Phương Đông ở Mátxcơva (1929). Chính những năm học tập, nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, tham gia hoạt động thực tiễn, đặc biệt có cơ hội trao đổi với các đồng nghiệp của các đảng anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, Trần Phú đã có bước trưởng thành lớn, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ lớn do Đảng phân công. Cuối năm 1929, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động. Tháng 7/1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được Trung ương phân công dự thảo Luận cương chính trị và chuẩn bị nội dung cho Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, Trần Phú đã trình bày dự thảo Luận cương chính trị, được hội nghị thảo luận sôi nổi và nhất trí thông qua.

 

Trên cơ sở phân tích những đặc điểm kinh tế - xã hội, sự phân hóa giai cấp ở Đông Dương, Luận cương chính trị chỉ rõ: Cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền do chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Cuộc cách mạng đó có nhiệm vụ đánh đổ bọn đế quốc thực dân và phong kiến tay sai, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng, bỏ qua thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng này là sự lãnh đạo của một đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật nghiêm minh, liên hệ mật thiết với quần chúng; biết xác định chiến lược và sách lược thích hợp trên cơ sở nghiên cứu tương quan lực lượng giữa ta và địch, tình hình trong nước và quốc tế. Cách mạng Đông Dương muốn thắng lợi phải lấy công - nông làm động lực chính. Con đường đi tới thắng lợi phải là con đường bạo lực cách mạng, vũ trang khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Có thể nói, những luận điểm đúng đắn đó của Luận cương chính trị do Trần Phú khởi thảo là cống hiến to lớn nhất của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt nam. Và cùng với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, Luận cương chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang.

 

Cũng tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú chính thức được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta, khi vừa mới 26 tuổi. Trên cương vị Tổng bí thư của Đảng, đồng chí Trần Phú có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác-Lênin cho cán bộ, đảng viên. Đồng chí cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra tờ báo Cờ vô sản, cơ quan lý luận của Trung ương Đảng; Báo Cộng sản, cơ quan lý luận của Đảng; chỉ đạo lập Hội Phản đế đồng minh, chỉnh đốn Nông hội đỏ, chống chính sách khủng bố trắng, chống âm mưu thâm độc của kẻ thù buộc nông dân ra đầu thú…

 

Đồng chí Trần Phú giữ cương vị Tổng bí thư của Đảng được hơn 5 tháng thì bị sa vào tay kẻ thù. Đồng chí bị địch bắt ngày 18/4/1931. Bọn giặc đưa đồng chí về giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí là lãnh đạo cấp cao của Đảng ta, kẻ thù đã dùng mọi cực hình để tra tấn, xong chúng đã phải lùi bước trước tinh thần gang thép của đồng chí. Trước những hành động tra tấn dã man và cả những thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc của kẻ thù, đồng chí luôn chủ động tiến công: “Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe”3. Tại bốt Catina, kẻ thù hèn hạ cắt gan bàn chân của đồng chí, rồi nhét bông vào tẩm xăng đốt, đồng chí vẫn kiên quyết, không nói nửa lời. Trong lao tù, đồng chí Trần Phú đã cùng với các đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực để lên án chế độ nhà tù dã man, vô nhân đạo. Đồng chí luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền niềm tin vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam; tranh thủ mọi cơ hội để liên hệ, dặn dò mọi người phải giữ gìn bí mật của Đảng và không ngừng học tập để sau này tiếp tục làm cách mạng.

 

Qua gần 5 tháng bị địch giam cầm, tra trấn dã man, sức khỏe của đồng chí bị giảm sút rất nhanh, căn bệnh cũ tái phát, trước phút lâm chung, đồng chí nắm tay một đồng chí bạn tù cùng nằm ở nhà thương dặn lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931 ở nhà thương Chợ Quán - Sài Gòn. Năm ấy đồng chí mới bước vào tuổi 27, độ tuổi tài năng đang phát triển để cống hiến cho cách mạng. Cuộc đời của Tổng bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

 

Tổng bí thư Trần Phú hy sinh là một tổn thất to lớn đối với Đảng Cộng sản Đông Dương và phong trào cách mạng của nhân dân ta. Bài viết Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đăng trên tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5 - 1932 đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”4. Đánh giá về đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”5. “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”6.

 

Sự hy sinh anh dũng vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng, vì lý tưởng cộng sản của đồng chí Tổng bí thư Trần Phú đã để lại cho các thế hệ đi sau một tấm gương chói lọi về một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trước hiểm nguy không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

 

Những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng; tình yêu dành cho quê hương, đất nước, đồng chí, đồng bào; chí khí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù và lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” là ngọn đuốc soi đường chỉ lối, là sự khích lệ, nguồn cổ vũ, động viên vô tận cho Đảng bộ và nhân dân Phú Yên trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng quê hương theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và các bậc tiền bối đã lựa chọn.

 

2. Học tập và noi theo tấm gương kiên cường, bất khuất của đồng chí Trần Phú và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dưới ánh sáng đường lối của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết trên dưới một lòng, vượt qua bao bão tố, thác ghềnh, giành được nhiều thắng lợi to lớn, góp phần cùng với toàn Đảng và nhân dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. Đó là làm Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong đấu tranh cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương và đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

 

Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội: Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm7, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ 8. Nhiều kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả như: quốc lộ 25, QL 29, trục giao thông miền Tây, nối liền với tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai; hệ thống giao thông nội hạt từ đường làng, hẻm phố đến tỉnh lộ được bê tông hóa, nhựa hóa ngày càng nhiều; Cảng Vũng Rô, Cảng hàng không Tuy Hòa được phục hồi và đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...; hệ thống thủy lợi, nước sạch được chú trọng đầu tư xây dựng, nhờ đó hơn 70% diện tích sản xuất có nước tưới. Hoàn thành chương trình điện khí hóa nông thôn với 100% số xã có điện lưới quốc gia và hơn 90% hộ nông thôn được dùng điện. Hệ thống bưu chính - viễn thông được đầu tư phát triển đồng bộ, đến nay 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa. Nhiều công trình kinh tế quan trọng như: Thủy điện Sông Hinh, Thủy điện sông Ba Hạ, Thủy điện Krông Hnăng, các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp (Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu) được xây dựng, bước đầu phát huy hiệu quả. Những công trình trọng điểm mới được Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng như: dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Khu kinh tế Nam Phú Yên, dự án Hầm đường bộ đèo Cả, mở rộng quốc lộ 1... Nhiều khu du lịch sinh thái chất lượng cao như: Thuận Thảo, Núi Thơm và các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, 4 sao... đã được xây dựng. Đó sẽ là những công trình mang lại nhiều biến đổi to lớn cả về cơ cấu kinh tế cũng như diện mạo của tỉnh Phú Yên. TP Tuy Hòa được mở rộng, quy hoạch xây dựng, phát triển mang sắc thái riêng, đẹp, văn minh, hiện đại.

 

Song song với tập trung phát triển kinh tế, Phú Yên cũng luôn quan tâm, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội. Theo đó, Phú Yên đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, đúng định hướng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi bệnh sốt rét, bệnh phong, lao và các bệnh truyền nhiễm khác; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chăm sóc nhiều hơn;...

 

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển được phát huy, phát triển rộng khắp. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, nhất là các địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị. Tiềm lực quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của tỉnh và các địa phương được tăng cường. Công tác tấn công, trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn trật tự công cộng và giải quyết các tệ nạn xã hội đạt kết quả, trật tự an toàn giao thông có tiến bộ.

 

Về công tác dân vận: Công tác tuyên truyền giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các tầng lớp nhân dân được tăng cường. Hệ thống tổ chức Mặt trận, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh được củng cố, kiện toàn; chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, địa bàn dân cư. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể nhân dân.

 

Về xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động của Nhà nước: Bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và từng bước đổi mới hoạt động theo hướng tăng cường hiệu lực và hiệu quả. Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt được kết quả tốt. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng được cải tiến và nâng cao chất lượng. Hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp cũng có nhiều chuyển biến, tiến bộ.

 

Về công tác xây dựng Đảng: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được tăng cường, trong đó công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được chú trọng; công tác tổ chức, xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ; công tác nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý được thực hiện đạt kết quả tích cực; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi...

 

Có thể nói, những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực mà Phú Yên đạt được trong những năm qua là hết sức to lớn, tạo tiền đề quan trọng để Phú Yên tiếp tục phát triển, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, Phú Yên vẫn còn nhiều tồn tại và khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển như: hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế thấp, tốc độ tăng trưởng tuy cao nhưng chưa bền vững; kết cấu hạ tầng tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các yếu tố đột phá được xác định trong giai đoạn trước chậm được hình thành, nên chưa thật sự tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển; văn hóa - xã hội còn nhiều mặt hạn chế; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường... Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với thời cơ và thuận lợi là những khó khăn, thách thức, nhất là cạnh tranh về kinh tế - thương mại ngày càng gay gắt; tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, chống phá ta về nhiều mặt9; tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng... đang đặt ra những thách thức to lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Phú Yên hiện nay.

 

Học tập, noi gương đồng chí Trần Phú và để thực sự xứng đáng với công lao to lớn và tấm gương quên mình hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng tiến công, nêu cao chí khí cách mạng, đoàn kết một lòng, phát huy những thành quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức đẩy mạnh các phòng trào thi đua yêu nước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay để trau dồi đạo đức cách mạng, nêu cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin và phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân, phấn đấu xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu mạnh, xứng đáng là nơi sinh của đồng chí Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, góp phần cùng toàn Đảng và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

(*) Tựa đề do Tòa soạn đặt

----------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.25.

2. Nguyên quán của đồng chí Trần Phú là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

3. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.144.

4. Dẫn theo Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - Tiểu sử, Sđd, tr.162-163.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.309.

6. T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Sđd, tr.56-57.

7. Năm 2011, đạt 13,1%; năm 2012, đạt 10,5%; năm 2013, đạt 10,67%.

8. Đến cuối năm 2013, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 35,5%, dịch vụ chiếm 40,3% và nông, lâm ngư nghiệp chỉ chiếm 24,2% trong cơ cấu GDP.

9. Xem Tỉnh ủy Phú Yên: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XV, Tuy Hòa, 2010, tr.54.

 

NGUYỄN VĂN TÂN

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek