Thứ Tư, 09/10/2024 07:34 SA
Nhớ đồng chí Trần Phú, hãy giữ vững chí khí chiến đấu
Thứ Sáu, 25/04/2014 07:48 SA

Nhớ đến đồng chí Trần Phú là chúng ta nhớ đến một người Cộng sản kiên cường, bất khuất, người Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng tấm gương kiên cường, bất khuất một lòng vì Đảng, vì dân của Trần Phú mãi mãi sống với Đảng, với nhân dân, với non sông đất nước Việt Nam (*).

 

tran-phu140425.jpg

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Nhà lưu niệm đồng chí Trần Phú tại xã An Dân, huyện Tuy An - Ảnh: M.KÝ

Trần Phú quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên ở Tuy An, Phú Yên. Được nuôi dạy trong một gia đình có học, giàu lòng yêu nước, tuy nhà nghèo, đông con nhưng cha mẹ Trần Phú cố dành dụm để Trần Phú được học hành đến nơi đến chốn. Sớm trở thành một thầy giáo, Trần Phú được bổ đi dạy ở trường Trần Xuân Dục (Vinh, Nghệ An). Ở đây, Trần Phú gặp được nhiều thanh niên yêu nước, tha thiết tìm đường chống thực dân, cứu nước. Vốn ảnh hưởng tinh thần dân tộc của người cha, ông có những tiếp xúc đầu tiên với chủ nghĩa Cộng sản. Năm 1925, ông cùng một số bạn bè trẻ tuổi thành lập Hội Phục Việt, sau đó đổi là Hội Hưng Nam rồi lại đổi lại Việt Nam Cách Mạng Đảng. Năm 1926, với bí danh Lý Quý, Trần Phú đại diện cho Việt Nam Cách Mạng Đảng sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất với Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên, một tổ chức cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập. Sang đến Quảng Châu, Trần Phú được mời dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh Niên tổ chức. Qua học tập, đồng chí Trần Phú đã được giác ngộ cách mạng từ đồng chí Nguyễn Ái Quốc, được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và được đứng trong tổ chức Thanh Niên. Đồng chí Trần Phú bắt đầu một cuộc đời chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam vì lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội khoa học.

 

Sau khi gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, đồng chí Trần Phú trở về nước tiếp tục hoạt động. Lúc này, địch đang truy lùng ráo riết Trần Phú. Trước tình hình đó, các đồng chí ở Trung Kỳ yêu cầu Trần Phú tạm lánh ra nước ngoài hoạt động. Đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu, làm việc tại cơ quan Tổng bộ Thanh Niên. Trong tình hình biến đổi của thế giới, việc đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam được đặt ra cấp bách. Ngoài lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn chủ trương cử một số đồng chí trẻ, có năng lực sang học tại Liên Xô. Đồng chí Trần Phú được cử sang học tại Trường đại học Phương Đông Matxcơva. Trong thời gian học tại Trường đại học Phương Đông, đồng chí Trần Phú tiếp thu được nhiều kiến thức về chủ nghĩa xã hội khoa học, về phương pháp lãnh đạo, được nghiên cứu luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Tại Trường đại học Phương Đông, đồng chí Trần Phú được kết nạp vào Đảng Cộng sản và theo giới thiệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí làm Bí thư Chi bộ Đông Dương tại trường.

 

Sau 3 năm học tập tại trường Phương Đông, đồng chí Trần Phú về nước vào năm 1930 để tiếp tục hoạt động. Lúc này, ở trong nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập với Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Với lý luận mới được trang bị, ngay sau khi về nước, đồng chí Trần Phú đã tiến hành ngay các cuộc khảo sát thực tế tại một số địa phương, những cơ sở tập trung công nhân, nông dân như: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội… Qua đợt khảo sát thực tế này, đồng chí Trần Phú nhận ra rằng tinh thần cách mạng và yêu nước của nhân dân ta vẫn đang âm ỉ chảy, chỉ cần ngọn lửa của Đảng thổi vào là tinh thần ấy sẽ bùng lên. Để phát động phong trào, củng cố phong trào cần có cơ sở đảng, các hội quần chúng thật tốt. Cần đoàn kết các hội công nhân, nông dân và các lực lượng yêu nước khác trong nhân dân, hướng cho quần chúng chuẩn bị tinh thần để khi thời cơ đến có thể hành động ngay.

 

Qua một thời gian hoạt động, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được Trung ương lâm thời phân công dự thảo Luận cương chính trị. Đây là thời kỳ người Cộng sản trẻ tuổi Trần Phú phát huy vốn hiểu biết trong học tập chính trị và vốn sống sau những năm lăn lộn với phong trào quần chúng ở các vùng miền Bắc, Trung, Nam của đất nước để vạch một hướng đi lâu dài, hợp quy luật của một Đảng cách mạng, một Đảng của quần chúng công nông. Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương được thảo luận và thông qua tại Hội nghị Trung ương của Đảng họp vào tháng 10/1930 tại Hồng Kông. Cũng tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng. Năm ấy, đồng chí vừa tròn 26 tuổi. Đánh giá bản Luận cương chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong bản Luận cương cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng.

 

Cương lĩnh ấy rất hợp với nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân ta là nông dân” (**).

 

Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) do đồng chí Trần Phú khởi thảo đã tạo nền móng vững chắc, lâu dài cho đường lối Cách mạng Việt Nam. Trung thành với Luận cương chính trị của Đảng vạch ra năm 1930, Đảng ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch và Ban Chấp hành Trung ương qua các thời kỳ đã lãnh đạo nhân dân vượt qua các giai đoạn cách mạng kể cả thời kỳ đen tối nhất. Một đảng mạnh khi có cương lĩnh chính trị đúng, hợp xu thế phát triển của thời đại, được quần chúng ủng hộ. Đảng ta, với Luận cương chính trị đúng đắn của mình đã làm được điều đó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành trong cả nước từ năm 1975, đất nước được thống nhất, nước ta bước sang thời kỳ mới, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng của bản Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, các đại hội nối tiếp của Đảng liên tục bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với tình hình mới.

 

--------------------

(*) Đồng chí bị địch bắt khi đang chủ trì một cuộc họp quan trọng của Đảng tại Sài Gòn ngày 18/4/1931 và hy sinh ngày 6/9/1931 khi mới 27 tuổi.

(**) Nguồn: http//w.w.w.dangcongsan.vn.

 

LÊ KHẢ PHIÊU

Nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek