Thứ Ba, 26/11/2024 14:51 CH
Tự do ngôn luận, báo chí phải trong khuôn khổ pháp luật
Thứ Tư, 11/12/2013 16:52 CH

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày nhân quyền thế giới 10/12, PYO giới thiệu tóm lược bài viết của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương về tự do ngôn luận, tự do báo chí.

 

baochi-131211.jpg

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí trong giờ giải lao. - Ảnh: TTXVN

Tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn là vấn đề mang tính toàn cầu. Nó không chỉ là sự quan tâm của những người cầm quyền ở mỗi quốc gia, mà còn là một đòi hỏi cơ bản của quyền con người, là nhu cầu tinh thần trong tiến trình tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin. Song, trong một thể chế chính trị cụ thể, nội hàm của tự do ngôn luận, tự do báo chí được hiểu khác nhau do cách tiếp cận khác nhau, thậm chí do những động cơ chính trị đối lập của các nhóm lợi ích khác nhau.

 

1. Quan niệm chung về tự do ngôn luận, tự do báo chí

 

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những mục tiêu phấn đấu cơ bản của con người nhằm giành cho mình quyền được thông tin, trao đổi, giao tiếp, thể hiện ý chí và nguyện vọng của con người một cách công khai thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

 

Cùng với sự phát triển của ngành in, gồm chế tạo ra máy in (1810), mực in (1814), sự ra đời của báo viết ở phương Tây gắn liền với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, nhằm phổ biến tư tưởng dân chủ tư sản, chống lại sự thống trị hà khắc của chế độ phong kiến, góp sức thúc đẩy phát triển khoa học-kỹ thuật và xây dựng xã hội công dân trong các nước châu Âu. Như vậy, báo chí ra đời do nhu cầu phát triển nội tại của một chế độ chính trị-xã hội; trước đòi hỏi của một giai cấp, giai tầng xã hội cần thiết có một công cụ báo chí chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của mình trước những vấn đề mà cả xã hội cùng quan tâm. Nói cách khác, nhu cầu tự do ngôn luận cũng chính là nhu cầu tự do báo chí.

 

Trong quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, với sự xuất hiện và phát triển của báo chí qua hàng trăm năm, đến nay, có thể khẳng định báo chí có mấy chức năng chủ yếu: chức năng thông tin; chức năng phản ánh; chức năng tạo ra dư luận xã hội, góp sức định hướng dư luận xã hội; chức năng nâng cao dân trí; chức năng giải trí…

 

Với những chức năng thiết yếu đó, báo chí ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là vai trò định hướng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, “tự do báo chí” cũng phải nhằm phục vụ cho sự phát triển đó. Nhưng, cũng có một thực tế cần được làm sáng tỏ là, có những tổ chức, những nhóm người thường núp dưới danh nghĩa “tự do báo chí” để chống lại sự phát triển của xã hội, bảo vệ những cái đã lỗi thời so với đà tiến lên của lịch sử loài người, gieo rắc thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân, bảo vệ lợi ích của một thiểu số người, đi ngược lại xu thế tiến bộ chung của xã hội. Vậy, “tự do báo chí” cần được hiểu đúng và thực hiện đúng như thế nào?

 

Như nhiều người đã rõ, báo chí ra đời trong xã hội tư bản, được thiết kế trên nền tảng tư tưởng dân chủ tư sản, nhằm chống lại sự cản trở của chế độ phong kiến. Đó là bước tiến bộ lớn của lịch sử. Trong một chế độ chính trị có Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật thì mọi lĩnh vực hoạt động trong xã hội phải tuân theo pháp luật. Vì vậy, hoạt động báo chí không thể nằm ngoài yêu cầu đó. Nhưng pháp luật trong chế độ tư bản là sự thể hiện ý chí của giai cấp tư sản. Họ sử dụng bộ máy nhà nước để duy trì trật tự xã hội vì lợi ích của giai cấp tư sản chiếm số ít trong dân cư. Vì vậy, không thể có tự do ngôn luận, tự do báo chí thuần túy nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước tư sản. Người ta hình như cố tình quên đi đặc điểm này để chỉ trích nước này, nước nọ; trong khi chính ở nước họ đã và đang diễn ra không ít hành động vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí.

 

Cần khẳng định rằng, muốn có tự do báo chí theo nghĩa chân chính, phải trên nền tảng một xã hội dân chủ; mọi hoạt động của báo chí phải phục vụ lợi ích của đông đảo nhân dân. Không thể có tự do báo chí trong một xã hội độc tài, phát xít, chuyên quyền, độc đoán. Những kẻ đóng cửa tất cả các tờ báo tiến bộ chống phát xít (như chủ nghĩa phát xít Đức ở châu Âu) thì không bao giờ có tự do báo chí, tự do ngôn luận vì lợi ích chính đáng của nhân dân.

 

Lịch sử cận đại đã chứng minh rằng, không có tự do báo chí khi bọn thực dân thi hành chính sách phân biệt đối xử, nhằm nô dịch các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trong vòng tăm tối. Với mưu toan ấy, họ dùng mọi thủ đoạn hủy hoại các di sản văn hoá của cả một dân tộc. Hítle đã cướp bóc các tranh tượng, tác phẩm nghệ thuật của cả châu Âu về phục vụ riêng mình. Trong các chế độ độc tài, vai trò tiến bộ của báo chí đã bị loại bỏ. Những tờ báo chỉ được tiếp tục xuất bản, nếu tỏ rõ ý thức phục vụ vô điều kiện sự tồn tại của chính quyền độc tài, chuyên chế, phát xít đó…

 

Trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản mới ra đời chống lại giai cấp phong kiến, báo chí tuyên truyền cho tư tưởng dân chủ tư sản, pháp luật tư sản, có tác dụng tích cực, cổ vũ việc xây dựng xã hội dân chủ tư sản. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản đã thiết lập được quyền thống trị của họ, thì pháp luật về báo chí lại là công cụ đắc lực phục vụ quyền lợi cho một thiểu số bóc lột. Để bảo vệ sự thống trị của mình, giai cấp tư sản đã xếp các loại báo bảo vệ chế độ tư bản là báo chí “tiến bộ”; còn lại các tờ báo nói lên tiếng nói phản kháng của số đông nhân dân thì họ liệt vào loại “phản động”. 

 

Các tờ báo của giai cấp công nhân mới bước lên vũ đài chính trị, cổ động cho một xã hội không có người bóc lột người, cũng đều bị coi là phản động! Chính quyền tư sản ban hành các đạo luật khắt khe; trong đó có các đạo luật về báo chí, quy định những điều cấm kỵ. Người ta có thể tha hồ nói, tha hồ viết về tất cả mọi vấn đề, nhưng có một nội dung không được động chạm đến, đó là “quyền tư hữu”, vì theo Hiến pháp họ soạn thảo, “tư hữu là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm”. (!)

 

Thực tiễn nêu trên cho thấy, khi giai cấp cầm quyền còn đóng vai trò tiến bộ của lịch sử, tự do ngôn luận, tự do báo chí có vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội. Và ngược lại, khi giai cấp cầm quyền đã là vật cản bước tiến của xã hội thì “tự do báo chí” không thể nào có được, theo đúng nghĩa của cụm từ này. Với sự phân tích các điều kiện chủ quan, khách quan trong bất cứ chế độ chính trị-xã hội nào, có thể khẳng định rằng, không thể có tự do ngôn luận, tự do báo chí thuần túy; càng không thể có thứ “tự do báo chí tuyệt đối” như giai cấp tư sản rêu rao.

 

2. Phải chăng xã hội tư bản là hình mẫu của “tự do báo chí?”

 

Trong xã hội tư bản, báo chí hoạt động trong môi trường của pháp luật tư sản. Cái mà họ gọi là “tự do báo chí” đã bị cắt xén để phục vụ lợi ích của giai cấp cầm quyền. Xin nêu vài ví dụ tiêu biểu:

 

Theo quy định của Hiến pháp Mỹ thì Quốc hội không có quyền ban hành bất cứ văn bản nào nhằm hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tuy nhiên, đến năm 1798, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Phản loạn quy định “việc viết, in, phát biểu hay phổ biến… mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”.

 

Bên cạnh đó, Điều 2385 Chương 115 - Bộ luật Hình sự Mỹ, nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”.

 

Cũng theo Hiến pháp Mỹ thì Tòa án Tối cao được phép đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống, xúc xiểm nhà nước, xã hội và cá nhân. Vì thế, hàng năm có hàng trăm các văn bản lớn nhỏ khác nhau được Tòa án tối cao ban hành để điều hành và kiểm soát báo chí ở Mỹ. Ngoài ra, theo hiến pháp của các bang, việc truy tố đối với tội lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng được coi là hợp pháp.

 

Luật pháp của các nước khác, về nguyên tắc cũng công nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng không coi quyền này là “tự do tuyệt đối”. Điều 36 Hiến pháp Cộng hòa Kyrgyzstan mặc dù tuyên bố “truyền thông tự do”, nhưng đã cụ thể hóa tuyên bố này trong Điều 17: “Hiến pháp và Luật của nước Cộng hòa Kyrgyzstan hạn chế đối với việc thực hiện các quyền và quyền tự do được cho phép chỉ trong trường hợp nhằm đảm bảo quyền và tự do của người khác, đảm bảo an toàn và trật tự xã hội, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ trật tự hiến pháp.

 

Nhưng trong quá trình thực hiện, tinh thần về các quyền và các quyền tự do hợp hiến không được phép bị ảnh hưởng”. Điều 8 Hiến pháp Senegal thừa nhận việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, song cũng coi các quyền này là “đối tượng điều chỉnh và bị hạn chế bởi luật và các quy định pháp luật”. Điều này hoàn toàn phù hợp với nội dung “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” (năm 1948) của Liên Hợp Quốc đã được khẳng định tại Điều 29: “Mỗi người đều có nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

 

Những ví dụ nêu trên cho thấy, không một quốc gia nào trên thế giới coi quyền “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” là tuyệt đối.

 

3. Tự do báo chí ở Việt Nam

 

Trên phương diện pháp lý, tất cả các bản Hiến pháp của nước ta từ trước đến nay đều có những quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí và khẳng định đây là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, của mọi công dân. Ở mỗi bản Hiến pháp, nội dung này được kế thừa và phát triển phù hợp từng điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta.

 

Một lý do thường được những kẻ thiếu thiện chí đem ra “làm cớ” để phê phán ta “không có tự do báo chí,” chính là “ở Việt Nam không có báo chí tư nhân” (!). Phải chăng họ cố tình lờ đi rằng, trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ những người làm báo, số lượng công chúng, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính cũng như sự tác động và ảnh hưởng xã hội tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông đều tăng nhanh. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các giai cấp, giai tầng, các hội nghề nghiệp, các giới, các tôn giáo lớn, các thành phần trong xã hội đều có tờ báo của mình.

 

Tính đến tháng 2/2013, cả nước có 812 cơ quan báo in với 1.084 ấn phẩm, trong đó 197 cơ quan có báo (gồm 84 báo chí Trung ương, 113 báo địa phương); 615 cơ quan có tạp chí (488 tạp chí Trung ương và 127 tạp chí địa phương). Toàn quốc có 67 đài phát thanh-truyền hình Trung ương và địa phương; trong đó có 2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 Đài phát thanh-truyền hình cấp tỉnh, 172 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá (99 kênh truyền hình, 73 kênh phát thanh). Ngoài hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta phát triển mạnh bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất và đang bước đầu thử nghiệm công nghệ IPTV.

 

Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hội Nhà báo Việt Nam quản lý hơn 19.000 hội viên; trong đó gần 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ hành nghề đang làm việc tại hàng trăm cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi nhà báo hoạt động tự do, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật.

 

Ở Việt Nam, báo chí đã thật sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghệ nghiệp; là diễn đàn và công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Đồng thời, khi tham gia sinh hoạt, hoạt động ở tổ chức nào, họ đều có ấn phẩm báo chí của tổ chức đó nhằm đáp ứng mọi nhu cầu và bảo đảm quyền được thông tin của mình. Chính vì lẽ đó, đông đảo các giai cấp, giai tầng xã hội ở Việt Nam tự thấy không có nhu cầu xuất bản báo chí tư nhân.

 

Từ ngày Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, vấn đề tự do, công khai, minh bạch thông tin từng ngày càng được Nhà nước coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện truyền thông đại chúng hành nghề. Một trong những hoạt động được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao là hơn hai thập kỷ qua, các đài phát thanh, truyền hình đã thường xuyên truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn của đại biểu Quốc hội dành cho các thành viên Chính phủ, kể cả Thủ tướng.

 

Mấy năm qua, báo chí lại tường thuật trực tiếp các kỳ họp chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Những kỳ họp của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước được tường thuật trực tiếp các cuộc trả lời chất vấn dành cho các thành viên hội đồng nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tất cả các bộ trưởng đều nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” trong những buổi giao lưu trực tuyến thường xuyên.

 

Nhiều năm qua, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành cử “người phát ngôn” báo chí, có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời về những điều quan tâm, bức xúc của nhân dân đối với từng ngành, từng tổ chức cụ thể; trả lời thực chất những vụ việc đăng trên các chuyên mục “Ý kiến bạn đọc” của nhiều báo, đài cũng như những sự kiện lớn, những vụ tiêu cực nghiêm trọng của ngành được báo chí đề cập.

 

Đáp ứng đòi hỏi mới của nhân dân về tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế chi tiết về cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của pháp luật và hoạt động báo chí hiện hành. Văn phòng Chính phủ tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ một tháng một lần về hoạt động, chỉ đạo công tác điều hành của Chính phủ. Các cơ quan bộ, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động của cơ quan mình theo từng tháng và ít nhất ba tháng một lần tổ chức họp báo.

 

Ngoài ra, quy chế còn nêu rõ người có quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong 3 trường hợp đột xuất, bất thường sau: một là, khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận; hai là: khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề thuộc phạm vi quản lý của cơ quan; ba là: khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý để yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.

 

Có thể nói, với vai trò phản ánh và tham gia phản biện xã hội, báo chí ngày càng là một kênh quan trọng để các cơ quan chức năng tham khảo nhằm bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sao cho sát hợp hơn cuộc sống nhân dân. Cùng với việc phát hiện, biểu dương nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, báo chí đã tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả trong chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

 

Dù trong bất kỳ xã hội nào thì tự do báo chí chỉ mang tính tương đối, bởi tự do báo chí phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, bị pháp luật điều hành, quản lý và phù hợp điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước. Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền báo chí tự do, trong đó nhà báo được tự do hành nghề, tự do cống hiến sức sáng tạo của mình để phục vụ công chúng theo đúng lương tâm và trách nhiệm của người làm báo chân chính vì mục đích cao cả của đất nước, của dân tộc.

 

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc tùy tiện, muốn viết gì, viết như thế nào thì viết. Ngoài sự chi phối của pháp luật, còn có sự chi phối của lương tâm, trách nhiệm và sự giác ngộ chính trị của người làm báo. Không thể có “tự do báo chí tuyệt đối”. Tự do sáng tạo trong báo chí trước hết thể hiện ở việc nhà báo phải cung cấp thông tin trung thực, chính xác, phục vụ sự tiến bộ của xã hội, vì lợi ích của đại đa số nhân dân.

 

Điều cần nhấn mạnh là, ngoài các qui định về pháp luật, mỗi nhà báo khi thao tác nghề nghiệp, đều cần cân nhắc kỹ lưỡng khi xử lý một thông tin, một sự kiện đều suy nghĩ, cân nhắc để tự trả lời câu hỏi: Nên hay không nên, hoặc chưa nên thông tin, bình luận nếu sự kiện đó làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Các thế lực cơ hội, thù địch từng la lối: “Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến” (!) Đây là sự quy chụp, vu cáo trắng trợn, vì trong thực tế, một số người bị ta xử lý về hành chính hoặc pháp luật chính là vì họ đã sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin xuyên tạc, bịa đặt, kích động chống lại Đảng, Nhà nước ta.

 

Một số sự kiện “nóng” vừa qua trên biển Đông; ở Mường Nhé (Điện Biên); ở Con Cuông (Nghệ An); ở Tiên Lãng (Hải Phòng); ở Văn Giang (Hưng Yên)… rất đáng để người cầm bút suy ngẫm về trách nhiệm xã hội cao cả của nhà báo khi cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng để tìm ra bản chất sự việc, quyết định thời điểm và dung lượng thông tin nhằm phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân, góp sức ổn định tình hình chính trị-xã hội của đất nước, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng lớn của bầu bạn năm châu dành cho Việt Nam.

 

Thực tiễn ngày thêm sáng tỏ rằng, ở Việt Nam, đã thực sự có tự do ngôn luận, tự do báo chí trên cơ sở từng nhà báo thực hiện đúng pháp luật, nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người cầm bút trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu ai đó cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí để công khai chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc đều bị xử lý bình đẳng, nghiêm minh bằng hành chính hoặc bằng pháp luật. Điều này là hiển nhiên và không có gì khác biệt so với bất cứ một quốc gia độc lập có chủ quyền nào!.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek