Tối 8/11, tại Hà Nội, Lễ công bố Ngày Pháp luật lần đầu tiên của nước ta được chính thức. Trước đó, năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã ghi nhận trang trọng lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam.
Cách đây 67 năm, vào ngày 9/11/1946 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Từ trong xiềng xích nô lệ lầm than, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập tự do, được sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Trong quá trình vừa xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, luật pháp của nước ta đã từng bước hoàn chỉnh. Đối với cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép; đối với công dân được làm tất cả trừ những điều luật cấm. Tuy nhiên bên cạnh việc hạn chế, do thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến vi phạm luật pháp,, không ít trường hợp am hiểu pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, chấp hành luật pháp không nghiêm, trong đó nhức nhối nhất là tham nhũng, cố ý làm trái những quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…
Với chủ đề "Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay có ý nghĩa đặc biệt, mở đầu cho giai đoạn mới xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội; thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Không chỉ dừng lại ở sự tôn vinh, mà quan trọng hơn, Ngày Pháp luật Việt Nam còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao vai trò của pháp luật trong nhà nước pháp quyền XHCN, hướng mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ với nhận thức, hành vi, thái độ đúng đắn. Đây cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới từng ngày.
Để Ngày Pháp luật không trở thành hình thức, có ý nghĩa thiết thực, tránh “đầu voi đuôi chuột”, cần huy động sự vào cuộc một cách thực chất của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân; từ đó, tạo phong trào xã hội rộng lớn, đề cao tinh thần "thượng tôn pháp luật”. Không chỉ trong ngày 9/11, mà tất cả những ngày khác trong năm, từng ngành, từng cấp cần xuất phát từ yêu cầu quản lý của mình trong từng lĩnh vực, địa bàn mà đề ra nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp, sát với nhu cầu và điều kiện tham gia của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần gắn với việc cung cấp đầy đủ, tiện lợi các dịch vụ pháp lý hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số ít có điều kiện học hành trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình để người dân cảm nhận được ý nghĩa, lợi ích, tác dụng thiết thực của Ngày Pháp luật, cùng hăng hái tham gia. Đồng thời gắn việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh bằng pháp luật, với công tác tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thực thi pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải xác định rõ Ngày Pháp luật là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn rộng lớn để tự tìm hiểu, nắm bắt, cập nhật những kiến thức pháp luật mới, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đó, đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật; tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ, phục vụ nhân dân. Đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, quan liêu; góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng nền hành chính trong sạch, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh.
XUÂN HIẾU