Thứ Năm, 28/11/2024 13:41 CH
Việt Nam từng bước tiếp cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Thứ Sáu, 08/11/2013 17:31 CH

Tiếp tục kỳ họp thứ 6, sáng 8/11, Quốc hội làm việc ở hội trường, nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 và thảo luận về nội dung trên.

 

Qhoi-131108.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. - Ảnh: TTXVN

Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 khẳng định chặng đường 20 năm thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, nhất là sau gần bốn năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Việt Nam đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng về bảo hiểm y tế, khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước về chính sách bảo hiểm y tế.

 

Việt Nam đang từng bước tiếp cận với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm chính sách an sinh xã hội phù hợp xu thế chung của thế giới.

 

Bảo hiểm y tế Việt Nam đang từng bước thay thế cơ chế bao cấp trong khám chữa bệnh bằng việc Nhà nước tăng đầu tư ngân sách để hỗ trợ cho người dân, đồng thời huy động nguồn lực từ xã hội, người dân và cộng đồng để tham gia bảo hiểm y tế.

 

Với định hướng đúng và sự nỗ lực của Nhà nước, các cấp, các ngành, tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đã tăng nhanh. Người tham gia bảo hiểm được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh, kỹ thuật y tế hiện đại, chất lượng hơn, được cung ứng thuốc khám chữa bệnh, kể cả thuốc mới, hiệu quả giúp hàng triệu lượt người vượt qua ốm đau và các căn bệnh mãn tính, nan y, hiểm nghèo.

 

Quỹ bảo hiểm y tế đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện, góp phần giảm mức chi trả từ tiền túi của người bệnh cho công tác chăm sóc sức khỏe. Chính sách bảo hiểm y tế Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác.

 

Đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước đã tham gia bảo hiểm y tế, với phần đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và người dân chiếm khoảng 58% trong tổng thu bảo hiểm y tế, tạo nền móng quan trọng để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên gần hoàn thành việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Quỹ bảo hiểm y tế từ chỗ bị bội chi đến năm 2012 đã cân đối và có kết dư.

 

Tuy vậy, thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong khi tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế bình quân cả nước là gần 70%, vẫn còn một số địa phương có tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp.

 

Bên cạnh nhiều tỉnh có quỹ bảo hiểm y tế kết dư hàng trăm tỉ đồng chưa được phân bổ lại để sử dụng, một số địa phương liên tục bội chi quỹ bảo hiểm y tế và nhận sự hỗ trợ của quỹ trung ương nhiều năm mà chưa có cơ chế giải quyết hữu hiệu; chưa có giải pháp để thúc đẩy nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp; chưa có cơ chế cụ thể để tạo điều kiện cho các nhóm cuối cùng tham gia lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.

 

Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn và kỹ thuật y tế đã gây nên tình trạng quá tải, chờ đợi lâu ở các bệnh viện tuyến trên.

 

Tinh thần thái độ và y đức của cán bộ y tế chậm được cải thiện đã tạo tâm lý lo ngại đối với người tham gia bảo hiểm y tế và xã hội. Các hình thức lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, nhất là tại các bệnh viện ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và phát hiện, song chưa có công cụ và biện pháp hiệu quả để kiểm soát.

 

Tình trạng chênh lệch giá thuốc cùng loại giữa các bệnh viện trong tỉnh, giữa các tỉnh, giữa bệnh viện với thị trường; không công bằng về chi trả quỹ bảo hiểm y tế cho mỗi ca bệnh ở các bệnh viện cùng hạng; chênh lệch về tần suất khám chữa bệnh giữa các địa phương vẫn còn tồn tại. Công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý còn hạn chế; chậm áp dụng công nghệ thông tin để cải tiến thủ tục khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế. Tình trạng sai thông tin trên thẻ, cấp chậm, trùng thẻ bảo hiểm y tế ở nhiều tỉnh với số lượng khá lớn gây khó khăn cho người có thẻ và lãng phí ngân sách.

 

Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trên cơ sở kết quả của Báo cáo giám sát; tiếp tục tăng ngân sách để thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong đó có chăm sóc sức khỏe, xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển; thường xuyên giám sát việc thực hiện mục tiêu dân số tham gia bảo hiểm y tế, đưa chỉ tiêu tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế vào Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của Quốc hội; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung và bảo hiểm y tế nói riêng...

 

Đối với Chính phủ, đoàn giám sát đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo việc hướng dẫn đầy đủ các quy định của Luật Bảo hiểm y tế; thúc đẩy thực hiện lộ trình chuyển từ cấp ngân sách Nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho người dân mua bảo hiểm y tế cùng với lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế toàn dân; tổ chức đánh giá, tổng kết và xem xét, điều chỉnh mô hình tổ chức bảo hiểm y tế cũng như mô hình y tế cấp cơ sở (tuyến huyện và xã) phù hợp với thực tế.

 

Chính phủ tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp hữu hiệu để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt quan tâm các địa phương có tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn thấp và các nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp; chỉ đạo xử lý phần quỹ kết dư theo quy định của pháp luật để đảm bảo hợp lý quyền lợi của các địa phương có kết dư quỹ bảo hiểm y tế... Cơ bản đồng tình với Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế trong thời gian qua là đáng ghi nhận.

 

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại vướng mắc liên quan đến các thủ tục về bảo hiểm y tế; chính sách khuyến khích đối với đại lý bảo hiểm địa phương chưa được quan tâm; bệnh nhân đến khám tuy có nhiều thuận lợi hơn nhưng danh mục thuốc còn hạn chế. Người dân lo ngại về trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới nên tập trung khám chữa bệnh lên tuyến trên khiến nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải...

 

Một số đại biểu cho rằng trước mắt, cần hoàn thiện hệ thống thông tin, lập quản lý danh sách về việc cấp thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện công tác kiểm tra đối chiếu tránh cấp trùng thẻ; có giải pháp tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

 

Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận về nội dung trên.

 

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek