Thứ Năm, 28/11/2024 15:29 CH
Cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ các cơ quan tư pháp
Thứ Sáu, 08/11/2013 08:27 SA

LTS: Sáng 7/11, tham gia thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Thái Học đã phát biểu ý kiến. Báo Phú Yên trích giới thiệu cùng bạn đọc.

hoc131108.jpg

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học tham gia thảo luận

…Có thể khẳng định rằng qua gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp nhưng Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm có hiệu quả, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là kết quả nổi bật được cử tri cả nước đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, khẳng định sự cần thiết và tính đúng đắn của việc Quốc hội ban hành nghị quyết về hoạt động tư pháp và nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống.

Để nghị quyết tiếp tục được quán triệt và triển khai có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tôi xin phát biểu làm rõ thêm các nội dung sau:

Thứ nhất, Nghị quyết số 37 của Quốc hội cần được quán triệt và triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ. Một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 37 của Quốc hội giao cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp trong năm 2013 là: “Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động và thực thi chính sách pháp luật để kìm chế sự gia tăng của vi phạm pháp luật và tội phạm”. Quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết, Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã có sự nỗ lực, quyết tâm, cố gắng đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, sự nỗ lực, cố gắng này chưa đồng bộ. Ở Trung ương thì chuyển biến tích cực, ở các địa phương thì chưa rõ nét.

Các đồng chí lãnh đạo nỗ lực quyết tâm cao, trong khi nhiều cán bộ, công chức còn thờ ơ. Cử tri đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhằm kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2013, với nhiều biện pháp, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, có kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng...

Trong một khoảng thời gian ngắn, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an đã làm việc nhiều lần với các địa phương này để chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với yêu cầu nơi nào tội phạm và vi phạm pháp luật gia tăng thì cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo công an ở đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền còn chưa đồng bộ, chưa thể hiện tính quyết liệt và mạnh mẽ như chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Cá nhân những người có trách nhiệm ở địa phương có tội phạm vi phạm pháp luật gia tăng chưa được làm rõ và xử lý, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013 còn gia tăng ở nhiều địa phương. Tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn thực trạng này để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Một khi trách nhiệm cá nhân để tội phạm và vi phạm pháp luật gia tăng chưa được làm rõ và xử lý nghiêm thì tội phạm và vi phạm pháp luật ở đó không thể ngăn chặn và đẩy lùi.

Thứ hai, việc phát hiện và xử lý cán bộ sai phạm ở các cơ quan tư pháp. Năm 2012 khi đánh giá tình hình đội ngũ cán bộ, nghị quyết Quốc hội có nêu “Năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tư pháp còn yếu. Nhiều trường hợp tiêu cực, sa sút phẩm chất đạo đức vi phạm pháp luật, một số trường hợp phải xử lý hình sự”. Từ thực trạng này, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu: “Thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, kỷ luật công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm tiêu cực nhằm xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh”. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ, phát hiện và xử lý nhiều cán bộ sai phạm. Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp cho thấy: Trong năm 2013 có tổng số 179 cán bộ công chức bị xử lý, trong đó ngành Công an xử lý 32 cán bộ, chiến sĩ, Viện KSND xử lý 18 cán bộ, TAND xử lý 71 cán bộ, ngành Thi hành án dân sự xử lý 58 công chức.

Việc tăng cường phát hiện xử lý cán bộ sai phạm thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, của các cơ quan tư pháp trong việc chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là số cán bộ công chức sai phạm bị phát hiện và xử lý chưa nhiều. Việc tự phát hiện cán bộ sai phạm của lãnh đạo, cơ quan, đơn vị không nhiều mà chủ yếu là qua phát hiện của báo chí, qua đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, qua công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Nhiều tỉnh, thành phố, nhiều cơ quan đơn vị không có cán bộ sai phạm bị xử lý. Phải chăng ở những cơ quan, địa phương, đơn vị này không có cán bộ sai phạm. Vấn đề không phải như vậy, câu trả lời là còn thiếu sự quyết liệt và đồng bộ trong quá trình phát hiện và xử lý cán bộ sai phạm theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội. Vẫn còn tình trạng nể nang, bao che trong việc phát hiện, xem xét và xử lý cán bộ. Cử tri bất bình và bức xúc khi thấy cán bộ công chức nhũng nhiễu, sai phạm nhưng không bị phát hiện và xử lý. Cử tri càng bức xúc và bất bình hơn khi cán bộ công chức đó đang làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ cán cân công lý. Người dân cảm phục và biết ơn sự hy sinh quên mình của nhiều cán bộ công chức, của nhiều cán bộ chiến sĩ công an trong tấn công, trấn áp tội phạm và đội ngũ cán bộ công chức các cơ quan tư pháp đã âm thầm lặng lẽ làm việc góp phần tích cực vào công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Nhưng người dân cũng yêu cầu, đòi hỏi phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm số cán bộ vòi vĩnh, nhũng nhiễu, thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật và có cả cán bộ bao che, bảo kê, tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm nhưng vẫn còn tồn tại, vẫn còn làm việc trong các cơ quan công quyền. Chính điều này làm giảm sút niềm tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, giảm sút niềm tin vào cán cân công lý.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ cán cân công lý chỉ được giữ nghiêm khi có được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Điều này tùy thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan tư pháp.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek