Trong bài trả lời phóng viên báo Nhân Đạo (Pháp), Hồ Chủ tịch đã viết: “Tôi rời Pháp sang Nga vào nửa cuối năm 1923. Từ lâu tôi đã muốn tới xứ sở của Cách mạng Tháng Mười nhưng việc đó không đơn giản. Đường biển thì ít bảo đảm. Dịp may, tôi liên hệ được với các đồng chí làm nhân viên xe lửa. Thế là tôi có được vé ngồi ở toa hạng nhất, miệng ngậm xì-gà như một nhà tư sản trẻ tuổi đi du lịch.
Đến Béc-linh các đồng chí Đức dẫn tôi đến một bến tàu biển và lên một chiếc tàu Xô-viết. Tôi đến Mátcơva vào mùa đông, trời rét lắm. Tôi làm quen được với các đồng chí ở các thuộc địa khác đang ở chung khách sạn. Vào một ngày đầu tháng 1/1924, đang ăn sáng thì được tin Lê-nin mất. Không ai muốn tin điều đó. Nhưng khi ngoái lại, chúng tôi thấy lá cờ nhà Xô-viết Mátcơva đã bỏ rủ. Một sự xúc động lớn chiếm lấy tâm hồn chúng tôi, bữa ăn bị bỏ dở vì không ai thấy đói nữa.
Lúc đầu chính là do chủ nghĩa yêu nước mà tôi tin Lê-nin, vì Lê-nin là Người đã quan tâm tới số phận của các dân tộc bị chủ nghĩa đế quốc áp bức và thống trị, qua tác phẩm nổi tiếng: Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Người. Rồi, từng bước một tôi đi đến kết luận là: Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới. Và, cũng chính là Lê-nin đã chỉ cho chúng tôi con đường cụ thể: Năm 1919, tại Đại hội những người cộng sản phương Đông, Lê-nin đã nói: “Các đồng chí đang có một nhiệm vụ là trong khi dựa vào lý luận chung, các đồng chí vừa phải thích ứng với những điều kiện riêng biệt mà các nước châu Âu không có, đó là ở chỗ các đồng chí, quần chúng chủ yếu là nông dân… Chúng tôi đã giành được những thắng lợi to lớn là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng, chúng tôi giành được thắng lợi, trước hết là nhờ có vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác-Lê-nin”.
Nhân dân Việt Nam chúng ta ghi lòng tạc dạ sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, cả trí tuệ, mồ hôi và xương máu của nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Chúng ta còn nhớ, trên cương vị Tổng thống Liên bang Nga, ông Pu-tin đã 2 lần sang thăm Việt Nam. Và trên quê hương Cách mạng Tháng Mười, các vị đứng đầu nhà nước và các tầng lớp nhân dân Liên Xô đã nồng nhiệt đón tiếp các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ. Mới đây nhất, trong chuyến thăm Nga của đồng chí Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2 nhà lãnh đạo cao nhất của 2 nước Việt - Nga đã bàn mọi cách hữu hiệu nhất đưa quan hệ Việt - Nga, Nga - Việt lên tầm cao mới, xứng đáng là đối tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện lịch sử vĩ đại, mở đầu một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Ngày nay, tuy tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nhưng lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, như Hồ Chủ tịch đã từng nói: “Nước Nga có chuyện lạ đời, đem người nô lệ làm người tự do”, vẫn còn nguyên giá trị, thức tỉnh hàng trăm triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất vùng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, đất nước mình, góp phần cùng với các dân tộc khác giữ gìn nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn thế giới.
BẰNG TÍN