Thứ Tư, 09/10/2024 01:25 SA
Cần khẳng định chủ quyền quốc gia trong thi hành và bảo vệ Hiến pháp
Thứ Tư, 06/11/2013 08:46 SA

LTS: Sáng 5/11, tham gia thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013), ĐBQH Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến, Báo Phú Yên giới thiệu cùng bạn đọc.

hoc131106.jpg

ĐBQH Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến sáng 5/11

Tôi cho rằng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội trong phiên họp hôm nay đã được tiếp thu, chỉnh lý rất cầu thị, công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, rất khẩn trương và có chất lượng cao. Đây là sản phẩm của trí tuệ, tình cảm, niềm tin, khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với Hiến pháp, một đạo luật gốc, đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Với suy nghĩ và mong muốn được góp phần hoàn thiện dự thảo Hiến pháp, tôi xin được góp ý vào các nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất là về Lời nói đầu, Lời nói đầu đã được chỉnh sửa rất gọn, súc tích, rõ nghĩa và mang tính hiệu triệu rất cao. Tôi xin đề nghị xem xét lại ở 2 từ, từ thứ nhất là từ “bạn bè” trong câu “bằng ý chí và sức mạnh của toàn dân tộc, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè trên thế giới” và từ “này” trong câu “nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Tôi cho rằng sử dụng từ “bạn bè” là không phù hợp, bởi vì từ “bạn bè” chỉ phù hợp trong văn nói hoặc trong các văn bản thông thường, nó không phù hợp khi sử dụng trong Lời nói đầu của một bản Hiến pháp. Từ “này” ở đây tôi cho rằng thừa, bởi vì khi Hiến pháp được Quốc hội biểu quyết thông qua và có hiệu lực thì nhân dân Việt Nam chỉ có một bản Hiến pháp duy nhất để thực hiện. Tôi đề nghị thêm vào một cụm từ trước câu này, cụm từ đó là “thực hiện chủ quyền của quốc gia, dân tộc” và câu này được chỉnh sửa lại là: “Thực hiện chủ quyền của quốc gia, dân tộc, nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ hai, về Điều 4 của Hiến pháp quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi hoàn toàn thống nhất toàn bộ nội dung được thể hiện trong Điều 4 của Hiến pháp. Tôi chỉ xin góp ý về cách diễn đạt trong từng khoản của Điều 4.Điều 4 có 3 khoản, theo tôi khoản 1 chỉ quy định những vấn đề về bản chất, nền tảng, tư tưởng của Đảng. Khoản 2 quy định về vai trò, trách nhiệm của Đảng và khoản 3 quy định về nghĩa vụ của tổ chức Đảng và đảng viên. Với cách phân định như thế, tôi đề nghị chuyển đoạn cuối cùng ở khoản 1 với nội dung là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội sang đầu khoản 2. Bởi vì tôi cho rằng nội dung là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là vai trò, chứ không thuộc về bản chất. Do vậy, khoản 2 được chỉnh sửa lại là Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Chỉnh sửa như thế, tôi thấy tính logic ở nội dung trong từng khoản của Điều 4.

Thứ ba, về Điều 31 quy định về nguyên tắc xét xử của tòa án. Khoản 2, Điều 31 quy định "người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai". Tôi cho rằng sử dụng từ "kịp thời" ở đây là không phù hợp. Bởi vì "kịp thời" nhưng không đúng luật thì cũng không được, từ "kịp thời" không bao hàm nghĩa đúng luật. Do vậy tôi đề nghị sửa lại từ "kịp thời" với câu như sau "người bị buộc tội phải được tòa án xét xử khách quan, công khai, công bằng, đúng pháp luật".

Thứ tư, về Điều 105 quy định về thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Điều 105 có 3 khoản, khoản 3 quy định việc bổ nhiệm, phê chuẩn, miễn nhiệm, cách chức nhiệm kỳ của thẩm phán và việc bầu, nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân. Tôi cho rằng giữa thẩm phán và hội thẩm là khác nhau cho nên không thể quy định chung trong một khoản. Hơn nữa ở đây chỉ quy định việc bầu và nhiệm kỳ của hội thẩm là chưa đầy đủ mà cần phải quy định việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm như thế nào. Do vậy, tôi đề nghị tách khoản 3 để thành lập khoản 4 quy định về Hội thẩm nhân dân với quy định là "việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân do luật định".

Thứ năm, vấn đề án lệ trong hoạt động xét xử của tòa án. Tôi đề nghị Ban biên tập nghiên cứu theo hướng thừa nhận án lệ trong hoạt động xét xử. Quy định vấn đề này là vừa phù hợp với định hướng theo Nghị quyết 49 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất, có thể ban hành nghị quyết, thông tư hướng dẫn nghiệp vụ xét xử của tòa án cấp dưới trong đó có vấn đề án lệ. Thừa nhận án lệ sẽ khắc phục được tình trạng một vụ án xét xử đi, xét xử lại nhiều lần trong đó tòa án cấp dưới không tuân thủ đường lối xét xử của tòa án cấp trên.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek