Dù đã được đề cập tại phiên thảo luận tổ, nhưng trong buổi thảo luận tại hội trường về ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ sáng 2/11, vấn đề ngân khố quốc gia thu không đủ bù chi, phải vay để chi tiêu, nguồn trả nợ ra sao vẫn được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập với nhiều lo lắng.
Toàn cảnh kỳ hợp thứ 6 - Nguồn: TNO
Các đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần phân tích kỹ hơn thực chất của việc hụt thu ngân sách năm nay. Bởi thu nội địa năm 2013 hụt nhiều so với dự toán trên cả 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); nợ đọng thuế còn lớn qua hàng năm, ghi thu - ghi chi, nợ xây dựng cơ bản... chưa được quản lý chặt chẽ. Để tăng thêm nguồn thu năm 2014, Chính phủ cần có giải pháp điều hành ngân sách thận trọng, hài hòa giữa việc nuôi dưỡng nguồn thu và chống thất thu; tính toán tăng vốn đầu tư xây dựng toàn xã hội lên 31% và có cơ chế huy động các nguồn lực từ thành phần kinh tế tư nhân vì còn nhiều dư địa. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI để ngăn chặn tình trạng khai lỗ, chuyển giá... và xử lý nghiêm các sai phạm.
Theo dự toán, thu cân đối ngân sách năm 2014 là 782.700 tỉ đồng, song các đại biểu quan ngại, diễn biến kinh tế đang khó lường nên sẽ làm khó khăn cho chỉ tiêu thu, nhất là khi con số giảm thu từ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân 30.000 tỉ đồng; tỉ lệ động viên ngân sách của thuế, phí chỉ 18% GDP- thấp hơn năm 2013. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt tăng thu hơn nữa và để có thể sử dụng tăng thu vào thanh toán nợ công, nợ Chính phủ.
Buổi chiều Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua. Tính đến hết tháng 7/2013, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua 46 văn bản, trong đó, Chính phủ trình 44 văn bản. Đến ngày 15/10 có 37/46 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Ngay sau khi luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, hầu hết bộ, ngành đã chủ động ban hành kế hoạch, chỉ thị triển khai thi hành các luật, pháp lệnh trong phạm vi quản lý.
Q. THUẦN (tổng hợp)