Thứ Sáu, 29/11/2024 00:56 SA
Chính phủ cần siết chặt kỷ luật kỷ cương để tạo niềm tin cho người dân
Thứ Sáu, 01/11/2013 09:21 SA

LTS: Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, ĐBQH Nguyễn Thái Học đã có bài phát biểu góp ý, Báo Phú Yên giới thiệu cùng bạn đọc.

db-hoc131101.jpg

Tôi cơ bản tán thành nội dung những báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Báo cáo của Chính phủ đã khẳng định rõ nét những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2013, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ trên nhiều lĩnh vực. Khẳng định những kết quả quan trọng đạt được trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thách thức, đó là thành quả quan trọng, là những điểm sáng để chúng ta trân trọng phát huy. Chỉ ra những tồn tại hạn chế yếu kém là cơ sở để đưa ra những giải pháp chấn chỉnh khắc phục. Với tinh thần đó, tôi xin làm rõ thêm những mặt được cho là tồn tại hạn chế, đề nghị Chính phủ quan tâm xem xét.

Thứ nhất: Đề nghị Chính phủ cần đánh giá sát thực tình hình nền kinh tế của đất nước với những vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết để tạo sự nhất trí, đồng lòng và phát huy sức mạnh, trí tuệ của toàn dân sát cánh cùng Chính phủ vượt qua khó khăn thử thách. Tôi nêu như vậy bởi vì khi đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, báo cáo Chính phủ khẳng định: “Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014”, trong khi đó, báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội nhận xét: “Kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1 đến 2 năm tới”. Còn tại các diễn đàn kinh tế, hội thảo khoa học, các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng: “Nền kinh tế của nước ta đang đi xuống đáy; nền kinh tế của nước ta đang đơn phương đối mặt với những khó khăn so với các nước trong khu vực”. Chính phủ khẳng định nền kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng lại đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3%GDP, chủ yếu để trả nợ là không thực sự thuyết phục. Một yêu cầu chung trong luật ngân sách là phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển. Nếu sử dụng để trả nợ hoặc các mục đích khác là không thực hiện đúng yêu cầu của Luật Ngân sách.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh những tiêu cực phát sinh trên một số lĩnh vực khi các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế nhưng thiếu công khai minh bạch dẫn đến tiêu cực.

Đã có doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước gửi đến chúng tôi những bằng chứng cho thấy có những bất cập và tiêu cực mang tính hệ thống trong quá trình thực hiện cơ chế “tạm nhập tái xuất đường”, cấp quota nhập khẩu đường, cấp phép xuất khẩu đường theo đường tiểu ngạch. Những việc làm thiếu công khai minh bạch này đã tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp trốn thuế hay thu lợi bất chính từ chênh lệch giá, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước và người nông dân trồng mía. Thực trạng này nếu không quyết liệt chấn chỉnh sẽ dẫn đến phá sản ngành mía đường trong nước.

Thứ hai: Trong các báo cáo của Chính phủ, khi đề cập đến những tồn tại hạn chế yếu kém, Chính phủ thường nêu nguyên nhân là do kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm hoặc không nghiêm cụ thể là: Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay nhận xét: “kỷ luật kỷ cương trong việc tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh ban hành văn bản quy định chi tiết còn chưa nghiêm”. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 chỉ rõ: “một số cơ quan đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, kỷ cương kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ”, còn báo cáo của Chính phủ khẳng định: “cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm”.

Kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm trong quá trình triển khai thi hành luật kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện làm cho luật chậm đi vào cuộc sống. Kỷ luật kỷ cương không nghiêm trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm cho tình hình tham nhũng không được ngăn chặn và đẩy lùi. Kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm trong cải cách hành chính nhà nước làm cho bộ máy nhà nước ngày một phình ra nhưng hoạt động kém hiệu quả. Điều đáng quan tâm là vấn đề kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, không nghiêm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong nhiều năm và trong nhiều báo cáo của Chính phủ nhưng chưa có những biện pháp khắc phục làm giảm sút niềm tin của người dân đối với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ở nhiều lĩnh vực.

Kỷ luật kỷ cương là thước đo tính nghiêm minh của quyền lực Nhà nước. Một khi kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm tức là quyền lực Nhà nước chưa được thực thi một cách đầy đủ. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế yếu kém cứ kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được chấn chỉnh khắc phục, làm cho hiệu lực quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực kém hiệu quả. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ. Cần phải lập lại thật sự kỷ cương, cần phải siết chặt kỷ luật kỷ cương để thực trạng kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, không nghiêm không còn lặp lại trong các báo cáo của Chính phủ những năm về sau và cũng để tạo được niềm tin của người dân đối với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp các ngành.

Thứ ba: Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả việc chăm lo đời sống các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, những người già yếu, người có thu nhập thấp. Tôi thống nhất cao với kiến nghị của Đoàn chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp này là trong 2 năm 2014-2015, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công trong cả nước, tập trung cao nhất cho việc giải quyết đúng chính sách người có công nhưng chưa được hưởng. Bên cạnh đó có những chế độ chính sách dành cho người có công cách mạng, cán bộ hưu trí, người cao tuổi đã bộc lộ rõ những bất cập, có tình trạng cào bằng trong quá trình thực hiện thì cần phải soát xét để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Tôi đề nghị xem xét điều chỉnh theo hướng người già, nghèo, cận nghèo, người già có công cách mạng thì được hưởng mức trợ cấp cao hơn mức hưởng hiện nay.

Cử tri chia sẻ với tình hình khó khăn chung của đất nước nên không đòi hỏi có chính sách mới nhưng cử tri yêu cầu chính sách đã ban hành phải công bằng. Nếu không công bằng sẽ dẫn đến sự bức xúc và thiếu tin tưởng trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek