Thứ Tư, 09/10/2024 21:21 CH
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII: Nền kinh tế đang trên đà phục hồi
Thứ Hai, 21/10/2013 16:51 CH

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội và cũng là nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

 

Đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng để nhìn lại chặng đường gần ba năm qua, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác của ngành tư pháp, kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, tệ nạn xã hội và các mặt công tác khác; xác định những việc cần làm trong năm 2014 và chặng đường còn lại của Kế hoạch 5 năm để bảo đảm thúc đẩy phát triển đất nước.

 

QH-131021.jpg

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII - Ảnh:TTXVN

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung quan trọng. Theo đó, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thu hút được sự tham gia tích cực với nhiều ý kiến tâm huyết của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài. Sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp nhiều phiên, nghiêm túc nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Quốc hội, nhân dân, các ngành, các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học.

 

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã dành thời gian cho ý kiến về dự thảo và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lấy ý kiến về dự thảo. Để việc thông qua Hiến pháp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục những vấn đề đặt ra.

 

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp lần này. Dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của mọi người dân. Đây là một đạo luật nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân; Quốc hội đã dành 3 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện dự thảo luật.

 

Quốc hội yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quá trình thảo luận, thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xử lý thấu đáo các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm Quốc hội thông qua một đạo luật về đất đai đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và lòng mong mỏi của nhân dân.

 

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2013; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015); việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án quan trọng, cấp bách.

 

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012”; xem xét các báo cáo kết quả giám sát do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; báo cáo của Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4, thứ 5; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm; công tác thi hành án; phê chuẩn nhân sự Chính phủ, bầu nhân sự một số cơ quan của Quốc hội và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

 

NTD-131021.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 - Ảnh: VOV

Cũng trong sáng 21/10, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015.

 

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Trong gần 3 năm qua, thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng; xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm. 

 

Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục; lãng phí thời gian, nguồn lực còn lớn; ý thức tiết kiệm chưa được đề cao… Theo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân: Cử tri và nhân dân cũng cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. 

 

Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí; việc tự phát hiện và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm. Cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

 

Về giải pháp cho vấn đề phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, báo cáo khẳng định cần thực hiện nghiêm pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triệt để tiết kiệm, nhất là trong hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài…

 

Tiếp tục hoàn thiện, triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; đề cao trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng; hoàn thiện cơ chế chính sách, công khai minh bạch trong công tác quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên, tài sản Nhà nước, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và công tác cán bộ.

 

Báo cáo cũng nhấn mạnh việc cần thiết kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng; tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý phù hợp tại cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu nại vượt cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng.

 

Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại tố cáo, báo cáo nêu rõ: Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và việc ban hành văn bản không phù hợp, không khả thi; tích cực triển khai Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; cụ thể hóa các mục tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử trong mỗi lĩnh vực quản lý Nhà nước và xây dựng kế hoạch triển khai thiết lập hệ thống thông tin kết nối bộ, ngành, địa phương, đẩy mạnh mô hình một cửa; triển khai Đề án tổng thể đơn giản hó thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

 

Theo báo cáo, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai. Ước tỉ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm 1,8-2% so với năm 2012, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tuy nhiên, tính bền vững của thành tựu giảm nghèo còn thấp do ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo rất mong manh (tính đến cuối năm 2012, số hộ cận nghèo bằng gần 68,4% tổng số hộ nghèo), tỉ lệ hộ nằm sát chuẩn nghèo cao. Đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn rất nhiều khó khăn; còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư đặc biệt là ở những huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao, các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới; nguồn lực huy động cho chương trình xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế, chưa thật sự đáp ứng được mục tiêu đề ra. Số lượng các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn nhiều.

 

Về định hướng đến năm 2014, phấn đấu giảm dần khoảng cách về thu nhập và đời sống giữa các vùng. Tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng ATK, tập trung cho các huyện, xã, thôn, bản khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không”; tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.

 

L.HỘI (tổng hợp từ VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek