Thứ Năm, 10/10/2024 05:18 SA
Phát huy tính tự giác của đảng viên:
Phương pháp cơ bản trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
Thứ Hai, 14/10/2013 16:00 CH

Hoạt động thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã cho thấy đây là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

toadam131014.jpg

Tọa đàm kỷ niệm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng - Ảnh: B.THẠCH

Trong đó, thực hiện đúng phương pháp của công tác kiểm tra Đảng là cơ bản. Đó là phải phát huy tinh thần tự giác của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng đảng của quần chúng; phối hợp công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra, giám sát của đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các ban, ngành có liên quan. Đồng thời, thực hiện phương pháp thẩm tra, xác minh cần được coi trọng, một khi chưa thẩm tra xác minh thì chưa được kết luận vụ việc kiểm tra.

Việc kết hợp một cách linh hoạt, đồng bộ các phương pháp trên khi xem xét, kết luận và xử lý sẽ mang tính khách quan, đúng người, đúng lỗi phạm và không theo ý chí chủ quan của chủ thể kiểm tra. Chúng ta đều biết tổ chức Đảng là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới. Nếu không dựa vào tổ chức Đảng thì sẽ không nắm được tình hình, điều kiện, hoàn cảnh, ưu, khuyết điểm… của đối tượng kiểm tra để có thể nhận xét, đánh giá, kết luận một cách chính xác. Như vậy, yếu tố tự giác của tổ chức Đảng và đảng viên là cơ bản nhất. Tự giác không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích của công tác kiểm tra, giám sát nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung; tự giác thể hiện tinh thần trung thực, dám làm, dám chịu trách nhiệm và còn là phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Thể hiện mức độ tự giác phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên và mức độ tự giác mà còn là quá trình nhận thức trong việc tự nhìn nhận, tự đánh giá về việc làm của mình. Đó chính là dám nhìn thấy vi phạm, khuyết điểm, tác hại, hậu quả của sự việc do mình gây ra.

Thực tế hiện nay, tinh thần tự giác của tổ chức Đảng và đảng viên khi có khuyết điểm, vi phạm rất hạn chế; chỉ khi nào tổ chức Đảng có thẩm quyền và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) có chứng cứ cụ thể thì mới nhận khuyết điểm, sai lầm. Quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp thông thường gặp phải 2 trường hợp. Một là, đối tượng được kiểm tra có tinh thần tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm đã gây ra, có thái độ hợp tác và trung thực trình bày lỗi phạm, dám chịu trách nhiệm và có biện pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm kịp thời. Nhìn chung đối với những trường hợp này, chúng ta thấy được tinh thần cầu thị, tự giác nhìn nhận và ra sức khắc phục khuyết điểm, phát huy được tinh thần tự giác khi chủ thể kiểm tra chỉ ra sai sót và thực hiện kiểm điểm tự phê bình một cách nghiêm túc.

Hai là, đối tượng được kiểm tra thể hiện tính thiếu tự giác ngay từ đầu; không thấy được khuyết điểm, sai phạm mà thường đổ lỗi cho khách quan với nhiều nguyên nhân khác nhau; thiếu trung thực trong tự kiểm điểm, viện ra nhiều lý do như cơ chế, chính sách, trình độ hạn chế. Nhưng thực tế là tìm nhiều cách để đối phó thậm chí còn gây khó khăn, cản trở trong công tác kiểm tra, giám sát như tìm sơ hở của cán bộ kiểm tra để gửi đơn thư nhiều nơi, nhiều cấp tố cáo ngược lại hoặc tố cáo sai sự thật về quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ kiểm tra, làm vụ việc thêm phức tạp và gây nghi ngờ tính xác thực khi giải quyết vụ việc. Chỉ khi qua nhiều lần đấu tranh và có bằng chứng, chứng cứ, tài liệu cụ thể của kết quả thẩm tra xác minh thì đối tượng mới miễn cưỡng nhận khuyết điểm, sai phạm. Nhìn chung, trường hợp này hiện nay khá phổ biến nên đã gây mất nhiều thời gian, công sức của cán bộ kiểm tra các cấp để làm rõ khuyết điểm, vi phạm.

Như vậy, việc phát huy tinh thần tự giác nhìn nhận khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên là phương pháp hết sức quan trọng đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tuy nhiên, trước tình hình tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu ra hiện nay thì việc tự giác nhìn nhận khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên trên thực tế là rất ít. Vì thế, để thực hiện phương pháp này hiệu quả, cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp cần coi trọng và làm tốt công tác tư tưởng, kiên trì vận động, thuyết phục kết hợp với đấu tranh mềm dẻo, có tình có lý nhưng phải kiên quyết, chứng minh cụ thể được lỗi vi phạm. Qua đó, đảng viên nhận thấy sai lầm của mình, kiểm điểm một cách trung thực nghiêm túc. Trường hợp nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì xử lý một cách nghiêm minh, tâm phục khẩu phục. Đây là một quá trình khó khăn, đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm tra phải có kinh nghiệm, am hiểu, vững vàng về nghiệp vụ chuyên môn, biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các phương pháp về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

 

LÊ MINH

Tỉnh ủy viên, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek