Từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta luôn coi trọng công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”, “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là, là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra.
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Lương Minh Sơn trả lời phỏng vấn VTV Phú Yên về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng - Ảnh: T.BÍCH
Nếu 3 điều ấy sơ sài, thì chính sách ấy đúng mấy cũng vô ích”, “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn pha, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Tính tất yếu trong công tác kiểm tra của Đảng là: có Đảng, là có công tác kiểm tra, muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo. Vì vậy mà xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xem trọng việc giữ gìn kỷ cương, kỷ luật và công tác kiểm tra của Đảng. Thời kỳ đầu, do hoàn cảnh hoạt động bí mật, số lượng đảng viên còn ít, Đảng ta chưa có điều kiện thành lập cơ quan Kiểm tra chuyên trách; nhưng công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật lúc bấy giờ do cấp ủy và chi bộ phụ trách. Điều lệ Đảng tháng 10/1930 ghi rõ: “Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật Đảng”.
Những năm sau giành được chính quyền (9/1945), tình hình cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, đòi hỏi phải có cơ quan chuyên trách, để góp phần vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng với công cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ” chống ngoại xâm, giành độc lập của dân tộc ta. Ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Cùng với sự phát triển của Đảng và công tác xây dựng Đảng, tổ chức kiểm tra các cấp đã ra đời và từng bước được bổ sung, hoàn chỉnh, đến nay đã trở thành hệ thống ngành Kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cơ sở với đội ngũ đông đảo về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và trong công tác xây dựng Đảng.
Ở Phú Yên, từ khi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ngày 5/10/1930, công tác kiểm tra gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Đến tháng 1/1931, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, do nhiều nguyên nhân khách quan, Đảng bộ tỉnh Phú Yên chưa có điều kiện tổ chức cơ quan kiểm tra chuyên trách nhưng công tác kiểm tra của Đảng là do Tỉnh ủy và các cấp ủy đảm nhiệm, luôn gắn liền với quá trình hoạt động của Tỉnh ủy.
Trước năm 1969, do điều kiện chiến tranh nên ở miền Nam hầu hết các tỉnh chưa thành lập cơ quan kiểm tra chuyên trách, công tác kiểm tra do cấp ủy thực hiện. Nhận thức được tầm quan trọng về công tác kiểm tra của Đảng trong tình hình mới, ngày 14/8/1969, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 13-NQ/TW về việc “Thành lập Ban Kiểm tra các cấp”. Ngày 1/12/1969, Trung ương Cục ra Thông tri số 135-CNT hướng dẫn thi hành Nghị quyết 13 của Trung ương Cục. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục, tháng 3/1970, Ban Chấp hành Khu ủy V ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Đảng các cấp. Năm 1970, Tỉnh ủy Phú Yên chủ trương thành lập Ban Kiểm tra chuyên trách của Tỉnh ủy, trên cơ sở tách bộ phận Kiểm tra Đảng ra khỏi Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đánh dấu sự ra đời ngành Kiểm tra của Đảng bộ tỉnh, nhằm phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật trong Đảng, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, góp phần giữ vững và xây dựng tính giai cấp, tính tiền phong, làm cho tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày nay, đất nước ta chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao nhận thức và thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng lãnh đạo, chú trọng đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm và cả nhiệm kỳ; tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp mình và cấp dưới. Chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015), UBKT các cấp trong toàn Đảng bộ tỉnh tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, triển khai đồng bộ các chương trình kiểm tra, giám sát năm 2011 và toàn khóa theo Điều 32 Điều lệ Đảng và chương trình, kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp mình nhằm triển khai, thực hiện nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Đó là: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Tập trung kiểm tra việc chấp hành chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực, chú trọng kiểm tra người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể…” Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBKT các cấp đã kiểm tra và tham mưu cho cấp ủy kiểm tra, giám sát theo Điều 30 và Điều 32 Điều lệ Đảng, thực hiện tốt các nhiệm vụ do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và UBKT cấp trên giao, tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”... gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong toàn Đảng, toàn dân; ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và các tệ nạn trong xã hội.
Từ ngày thành lập Ban Kiểm tra chuyên trách của Tỉnh ủy (1970) đến nay, ngành Kiểm tra Đảng luôn đoàn kết, thống nhất, kiên định, vững vàng vượt qua khó khăn thử thách. Công tác kiểm tra, giám sát không ngừng đổi mới, chất lượng ngày càng được nâng lên; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, xây dựng và vun đắp nên truyền thống vô cùng vẻ vang của ngành: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”.
Trong thời gian đến, UBKT Tỉnh ủy xác định thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng theo tinh thần Thông báo số 226-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; đổi mới, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
- Tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng kịp thời, toàn diện, có hiệu quả và triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được quy định tại Điều 32 Điều lệ Đảng, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Thực hiện tốt việc phối hợp với các tổ chức đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật để giải quyết những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nhằm phục vụ tốt việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Đảng bộ.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực và nghiệp vụ giỏi, không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Chủ động giáo dục, ngăn ngừa vi phạm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
Phát huy truyền thống vẻ vang, UBKT Tỉnh ủy và cán bộ, công chức ngành Kiểm tra toàn tỉnh luôn gương mẫu thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, thường xuyên rèn luyện, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực hoạt động thực tiễn, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lề lối làm việc, trách nhiệm công tác rèn luyện và nêu cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, trung thực, công tâm của người làm công tác kiểm tra Đảng, đoàn kết một lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó.
LƯƠNG MINH SƠN
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy