Thứ Năm, 10/10/2024 07:18 SA
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một biểu tượng của Việt Nam
Chủ Nhật, 13/10/2013 19:05 CH

Tất cả chúng ta và cả thế giới đều biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng Tổng tư lệnh đã chỉ huy hai cuộc kháng chiến dành lại Độc lập dân tộc và Thống nhất Tổ quốc của Việt Nam, là một trong những vị tướng lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại. Trong hai cuộc kháng chiến này, Đại tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tin cậy giao trọng trách nắm toàn bộ quyền chỉ huy quân sự với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội và Bí thư Tổng quân ủy. Ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đó, xứng đáng với niềm tin yêu của quân đội và nhân dân. Ông được quân đội tôn vinh là “Người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” và nhân dân coi ông là vị tướng của nhân dân.

 

bieu-tuong-131013.jpg

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một biểu tượng của nhân dân Việt Nam. - Ảnh: SGGPO

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và binh nghiệp rạng rỡ của ông được xuất bản trong nước và trên thế giới. Tên tuổi, sự nghiệp, cống hiến của ông đã đi vào nhiều từ điển bách khoa và bách khoa thư của các nước. Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp đã từng vang lên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhiều nước như biểu tưởng của Việt Nam, ngọn cờ tiền phong của phong trào chống chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Ông trở thành một vị tướng huyền thoại của chiến tranh nhân dân, tiêu biểu cho sức mạnh của một nước thuộc địa bị coi là “nhược tiểu” dám đương đầu và chiến thắng những đế chế hùng mạnh bậc nhất của thời đại.

 

Đối với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa, nhà sử học lớn. Con người, sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử, đã được ghi nhận trong lòng dân muôn thuở không mờ phai. So với nhiều thống soái trong lịch sử Việt Nam và thế giới, ông có những nét độc đáo. Trong số các vị tướng lừng danh trên thế giới, ông là người duy nhất sống gần như xuyên suốt gần cả thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Ông là người cùng toàn quân, toàn dân viết lên những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm và là người chép lại chính những trang sử đó. Những hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ: điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng” là những bộ sử sống động về hai cuộc kháng chiến thần kỳ của Việt Nam.

 

Với tầm bao quát của vị thống soái, những trang hồi ký của ông vừa mang tính cụ thể của nhiều tình tiết sinh động, vừa phản ánh toàn cục cuộc chiến tranh. Ông là nhà quân sự vào loại rất hiếm hoi không những đã chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại. Đó là tác phẩm “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng”, “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân”, “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ tổ quốc”. Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều lần kháng chiến bảo vệ đất nước và khởi nghĩa dành lại đất nước, để lại một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú, sáng tạo. Nhưng từ kinh nghiệm đó, tổng kết nêu lên thành một hệ thống quan điểm phản ánh tư tưởng và nghệ thuật quận sự Việt Nam thì không mấy nhà quân sự làm được.

 

Trước đây, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là người đầu tiên đã soạn được hai bộ binh thư: “Binh gia yếu lược” (hay Binh thư yếu lược) và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, nhưng cả hai đều thất truyền. Hiện nay chỉ còn “Hịch tướng sĩ” và “Lời di chúc” của Trần Hưng Đạo là một phần tổng kết mang tính binh thư. Trong Bài tựa của sách “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, tướng Trần Khánh Dư nêu lên sự biến hóa kỳ diệu của phép dụng binh “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì khồng cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết” và nhắc lại lời dặn của vị Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo: “Sau này con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này thì phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp, không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời”. Tài mưu lược và trí sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam là thế đấy.

 

Thế kỷ XVII, nhà quân sự lỗi lạc Đào Duy Từ viết bộ binh thư thứ ba là “Hổ trướng xu cơ” còn truyền đến nay. Đào Duy Từ không trực tiếp cầm quân nhưng giữ vai trò như cố vấn của chúa Nguyễn trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Mãi đến ngày nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị thống soái trực tiếp chỉ huy chiến tranh đã để tại những tổng kết mang tính binh thư hiện đại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà quân sự vừa nhà sử học. Trước khi trở thành nhà quân sự, ông đã là nhà báo, nhà sử học, thầy giáo dạy sử. Đã mấy lần trong trao đổi thân tình, ông nói với chúng tôi, hiểu biết và tư duy sử học giúp ông rất nhiều trong chỉ huy kháng chiến.

 

Theo ông có sự gặp nhau giữa quân sự và sử học là phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật dù cho là sự thật cay đắng, đau xót, là phải xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó. Về phương diện này, chiến tranh là thử thách ác liệt nhất rèn luyện tư duy và nhận thức khách quan của con người mà chỉ một nhầm lẫn nhỏ có khi phải đổi bằng tổn thương lớn, thậm chí thất bại nặng nề. Sau khi chiến tranh kết thúc, Đại tướng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử chống ngoại xâm, viết nhiều luận văn về lịch sử quân sự, về một số chiến công và danh nhân như chiến thắng Chi Lăng, chiến thắng Đống Đa, nhân vật Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ…cùng một số tướng lĩnh thời hiện đại.

 

Trong nghiên cứu lịch sử và trao đổi với các sử gia trong và ngoài quân đội, Đại tướng đặc biệt lưu ý chúng tôi cần kiểm tra và tìm hiểu sâu sắc những khái niệm mà tổ tiên đã tổng kết như “ngụ binh ư nông” thời Lý; “dân binh”, “dĩ đoạn chế trường” thời Trần; “lập cước chi địa”, “dĩ nhược chế cường, dĩ quả địch chúng” thời khởi nghĩa Lam Sơn để thấy đúng tầm khái quát qua các thời kỳ lịch sử, sự tiến triển của tư tưởng quân sự Việt Nam. Ông có những phân tích và nhận xét sâu sắc về tính sáng tạo đặc sắc trong tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ.

 

Ông cho rằng các cuộc kháng chiến hay khởi nghĩa thắng lợi đều là chiến tranh yêu nước mang tính nhân dân cao. Ông nhấn mạnh nền tảng quyết định thắng lợi của các cuộc kháng chiến, quyết định sức sống bền bỉ của dân tộc là nền văn hóa dân tộc. Đại tướng gợi ý hình như qua lịch sử chống ngoại xâm đã hình thành một số tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật quân sự mang tính độc đáo và sáng tạo của Việt Nam, tồn tại như một trường phái quân sự Việt Nam hay một học thuyết quân sự Việt Nam. Đại tướng không chỉ để lại một số công trình nghiên cứu lịch sử mà còn đề ra một số hướng nghiên cứu phản ánh một tư duy sử học rất sắc sảo.

 

Sử sách thế giới đã đánh giá tên tuổi và sự nghiệp của vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng lừng danh nhất của lịch sử nhân loại. Năm 2001, Giáo sư Trần Văn Giàu đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang đón chào thế kỷ XXI. Thế kỷ XX đã khép lại nhưng đó là thế kỷ đầy bi hùng và hào tráng, ghi lại biết bao sự kiện lớn với những con người có tên tuổi. Thế nhưng, khi thế kỷ XX lắng lại rồi thì chỉ còn lại 2 con người như hai biểu tượng. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Việt Nam - Hồ Chí Minh, Việt Nam - Võ Nguyên Giáp đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm rạng danh non sông, đất nước Việt Nam. Đó không phải là quốc gia bình thường mà một dân tộc đứng lên đấu tranh để tự giải phóng mình, đấu tranh cho độc lập, tự do.

 

Theo SGGPO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek