Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam triển khai tại Phú Yên đang tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Không chỉ góp phần hỗ trợ nguồn lực để cải thiện hệ thống thu gom, thí điểm các mô hình và sáng kiến địa phương, dự án còn giúp kết nối, gắn kết vì nỗ lực chung giảm thiểu ô nhiễm rác.
Môi trường được cải thiện
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường trong và ngoài nước, Phú Yên đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để xử lý các điểm nóng về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa khu vực ven biển.
Ngoài sử dụng hiệu quả ngân sách sự nghiệp môi trường cho công tác quản lý chất thải nhựa, tỉnh còn nỗ lực huy động nguồn lực từ các tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai các dự án, mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, trong đó có Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.
Theo Sở TN&MT, từ năm 2020-2023, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường. Kết quả năm 2022, Phú Yên đứng vị trí thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong bảo vệ môi trường, tăng 33 bậc so với năm 2021.
Kết quả tự đánh giá năm 2023, Phú Yên có 11 chỉ số tăng điểm so với năm 2022, trong đó tỉ lệ phân loại rác năm 2022 từ 2,57 tăng lên 3,03 năm 2023… Dự án giảm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Bà Đào Thị Kim Chi, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trưởng tỉnh cho biết: Phú Yên tiếp tục thúc đẩy công tác cải thiện và mở rộng hệ thống thu gom trên địa bàn tỉnh; tập trung mô hình thí điểm Phân loại rác và xử lý rác sau phân loại, mở rộng quy mô thí điểm để đúc rút các bài học kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc bắt buộc phân loại rác theo lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Tỉnh đang nghiên cứu và thí điểm việc đưa vào áp dụng chính sách giảm, tiến tới nói không với túi ni lông tại chuỗi siêu thị và hệ thống trung tâm thương mại; tiếp tục áp dụng và nhân rộng các giải pháp sáng tạo trong công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải dựa vào cộng đồng.
Thực trạng ô nhiễm nhựa trên toàn cầu. Đồ họa: WWF |
Nói không với đồ nhựa dùng một lần
Với sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư và toàn xã hội, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quản lý, kiểm soát cơ bản hiệu quả về môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều thách thức lớn trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường cần tiếp tục giải quyết, nhất là ô nhiễm môi trường từ rác thải đã xuất hiện từ nhiều năm qua và đang có xu hướng gia tăng…
Một số khó khăn hiện nay ở Phú Yên là rác thải chưa được phân loại mà chỉ dừng lại ở các mô hình, điều này gây áp lực cho hoạt động thu gom và áp lực cho các bãi chôn lấp. Trong khi đó, năng lực thu gom, vận chuyển rác thải còn hạn chế, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác hiện đại. Tình trạng rác thải trong nuôi trồng thủy sản thải bỏ tại các đầm, vịnh vẫn còn phổ biến; thói quen tiêu dùng đồ nhựa vẫn còn cao…
Theo bà Nguyễn Trang Nguyên, cán bộ truyền thông Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, việc hạn chế phân phối và sử dụng các loại nhựa sử dụng một lần tại các trung tâm thương mại, siêu thị, bắt đầu từ năm 2024. Thu phí túi ni lông sử dụng một lần kể từ năm 2025. Cấm bán và cung cấp ni lông sử dụng một lần tại siêu thị và trung tâm thương mại năm 2026. Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần… “Để hạn chế rác thải nhựa, ngay bây giờ Phú Yên cần xây dựng lộ trình giảm, tiến tới nói không với túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần…”, bà Nguyên đưa ra giải pháp.
Ông Nguyễn An Phú, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để người dân có điều kiện làm quen với phân loại rác nhằm thay đổi hành vi, dần hình thành thói quen phân loại rác, giảm sử dụng nhựa, việc nhân rộng mô hình phân loại rác kết hợp lồng ghép giảm sử dụng đồ nhựa dựa vào cộng đồng cần được ưu tiên triển khai. Tỉnh đang xây dựng và thống nhất cách phân loại rác và kỹ thuật xử lý rác hữu cơ tại nguồn để tạo sản phẩm hữu ích trong cộng đồng; nhân rộng mô hình phân loại, giảm rác thải nhựa; hướng dẫn phân loại rác, kỹ thuật xử lý rác hữu cơ và thực hành giảm nhựa… Phú Yên tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức trong và ngoài nước, tăng cường phối hợp triển khai có hiệu quả các dự án về quản lý rác thải, rác thải nhựa…
Giảm rác thải nhựa là việc cần làm ngay của chính mỗi người, vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch. Bạn có thể quyết định việc đó!
Giám đốc Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam Nguyễn Thị Diệu Thúy |
ANH NGỌC