Sáng 23/8, tại TP Tuy Hòa, Trung tâm hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Sở TN&MT tổ chức Hội thảo lộ trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030.
Phát biểu mở đầu hội thảo, bà Trần Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Phát triển Xanh cho biết: Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa đã chính thức ra đời năm 2022 với những nỗ lực rất lớn của các quốc gia trên thế giới sau 4 phiên đàm phán. Nước ta cũng đã có các văn bản, chính sách liên quan trực tiếp đến vấn đề ô nhiễm nhựa, trong đó có các quy định về sản phẩm nhựa dùng một lần…
“Chúng tôi hy vọng với sự cố gắng, đồng hành của tỉnh, ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành, hội, đoàn thể của tỉnh, thì Kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030 sẽ sớm được phê duyệt, ban hành”, bà Hoa nhấn mạnh.
Theo kế hoạch dự thảo, mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị duy trì các biện pháp giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 100% công nhân viên, người lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được tuyên truyền về tác hại sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Bà Đào Thị Kim Chi, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: KHANG ANH |
100% hộ gia đình trên địa bàn hiểu biết, có kiến thức bảo vệ môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm giải pháp phân loại và tái chế rác dễ phân hủy sinh học tại nguồn, tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 50% các nhà hàng, hàng quán dịch vụ ăn uống ở khu nội thành của TP Tuy Hòa thực hành giải pháp chỉ cung cấp ống hút nhựa khi có sự yêu cầu từ khách hàng; giảm 30% rác thải nhựa thất thoát ra môi trường trên địa bàn thành phố.
Và đến năm 2030, cơ bản cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh hình thành thói quen phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn thông qua hành động tác chế, tái sử dụng rác thải sau phân loại và biết chủ động từ chối sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh; đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy…
Tại hội thảo, đại diện các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh góp ý các nội dung trong dự thảo, đề ra giải pháp để việc thực hiện giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng lộ trình, mục tiêu đã xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
KHANG ANH