Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích, đến đúng đối tượng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Triển khai ngay từ đầu năm
Là một trong bốn tổ chức chính trị nhận ủy thác từ NHCSXH, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác. Ngay từ đầu năm, hội đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua hội LHPN các cấp đi vào nề nếp, hiệu quả; kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện hoạt động nhận ủy thác cho vay, bảo toàn vốn và tài sản cho Nhà nước.
Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác đối với hội LHPN cấp cơ sở; công tác tập huấn nghiệp vụ và chuyển giao khoa học kỹ thuật; các hoạt động phối hợp thực hiện cùng NHCSXH; hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, ban quản lý tổ và tổ viên…
Thông qua đó, Hội LHPN tỉnh cũng hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ hội LHPN, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn trong hoạt động ủy thác, ủy nhiệm đảm bảo tuân thủ chế độ, nguyên tắc, quy trình nghiệp vụ nhận ủy thác, ủy nhiệm theo nội dung các văn bản thỏa thuận, văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác, hợp đồng ủy nhiệm đã ký với NHCSXH.
Không riêng các hội đoàn thể, ngay từ đầu năm, Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên và Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đều ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, giao nhiệm vụ và phân công địa bàn cụ thể cho các thành viên trong ban. Trên cơ sở đó, các thành viên ban đại diện chủ động thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát theo nội dung kế hoạch đề ra.
Là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đồng Xuân, hằng năm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND thị trấn La Hai đều thực hiện kiểm tra, giám sát kết quả triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn theo quy định.
Theo ông Hiếu, với trách nhiệm của mình, tại cuộc họp giao ban hằng tháng với ngân hàng, ông thường xuyên đôn đốc các hội đoàn thể chú trọng kiểm tra, giám sát, nhắc nhở bà con sử dụng vốn đúng mục đích; các tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét hộ vay công khai, minh bạch; tích cực tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ khi vay vốn để hộ vay thực hiện đúng quy định...
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, các hội đoàn thể nắm bắt tình hình đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của hội viên, đoàn viên, giúp họ tháo gỡ khó khăn, yên tâm sử dụng vốn vay để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Dư nợ càng cao, càng tăng cường kiểm tra giám sát
Việc làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao hiệu quả mục đích sử dụng nguồn vốn vay, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm, không để thất thoát, chiếm dụng nguồn vốn.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tăng cơ hội phát triển kinh tế, tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Qua hoạt động kiểm tra, giám sát cho thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nắm bắt chỉ đạo và triển khai thực hiện tương đối đầy đủ các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Cán bộ phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đã chấp hành nghiêm túc quy trình, thủ tục nghiệp vụ về tín dụng.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác từ huyện đến cơ sở đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động vào cuộc một cách tích cực, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nhận ủy thác, giám sát việc tổ chức họp bình xét đối tượng vay vốn công khai, minh bạch, chính xác, việc đôn đốc thu nợ, thu lãi hằng tháng luôn đảm bảo theo quy định.
Cũng theo ông Thục, so với đầu năm 2023, hiện nay, dư nợ cho vay bình quân vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đối với hộ gia đình cũng như cấp xã, cấp huyện đều tăng mạnh. Cụ thể, hiện dư nợ bình quân mỗi hộ là 47,54 triệu đồng, tăng 4,35 triệu đồng so với đầu năm 2023.
Dư nợ bình quân cấp xã cũng tăng hơn 5,4 tỉ đồng so với đầu năm 2023, hiện ở mức gần 40,3 tỉ đồng/xã. Toàn tỉnh có 76 xã dư nợ trên 30 tỉ đồng; trong đó, 54 xã dư nợ trên 40 tỉ đồng, 31 xã có dư nợ trên 50 tỉ đồng. Dư nợ bình quân cấp huyện hiện đạt hơn 492,5 tỉ đồng/địa phương.
“Dư nợ càng cao thì càng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách”, ông Thục nói.
Theo NHCSXH Phú Yên, năm 2023, Ban đại diện HĐQT NHCSXH Phú Yên đã kiểm tra, giám sát tại 9/9 đơn vị cấp huyện, với 18 lượt xã, 98 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, 27 hộ vay. Thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện kiểm tra, giám sát 103 lượt xã, 549 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn, 905 hộ vay. |
LÊ HẢO