Để đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp SMEs), ngành TT-TT đã triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT-TT về các nội dung chính của chương trình này.
Tại Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Thời gian tới, Sở TT-TT sẽ phối hợp Hội Tin học cùng Hội Doanh nghiệp Phú Yên, Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên... để giới thiệu, hỗ trợ triển khai chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp có nhu cầu trên địa bàn tỉnh. |
* Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp SMEs có ý nghĩa như thế nào?
- Các chuyên gia kinh tế thế giới và Việt Nam đã khẳng định: chuyển đổi số là điều tất yếu sẽ xảy ra và phải xảy ra trong thời đại mới. Các doanh nghiệp không thể né tránh sự thay đổi đó, bởi nếu không thích ứng kịp thời sẽ tụt hậu và đóng cửa.
Chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là điều quan trọng mang tính sống còn trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế mở của đất nước. Chúng ta đang sống trong thế giới thay đổi nhanh chóng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 toàn cầu đã buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng thay đổi từ khách hàng, nhân viên, cổ đông đến đối thủ cạnh tranh và các bên liên quan khác.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp thường diễn ra theo hai hình thức chính: ứng dụng công nghệ số vào mô hình kinh doanh hiện tại hoặc thay đổi hoàn toàn mô hình hoạt động và cấu trúc.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, năm 2016, cả nước chỉ có 10% doanh nghiệp bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ bước nghiên cứu đến triển khai; đến năm 2019 tăng lên 30%. 80% lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh dịch bệnh và 65% doanh nghiệp dự kiến sẽ đẩy mạnh đầu tư cho các giải pháp.
Ông Lê Tỷ Khánh |
* Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số, thưa ông?
- Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Đây là văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính kế hoạch hành động để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.
Với quan điểm người dân là trung tâm của chuyển đổi số, chương trình xác định rõ những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, GT-VT và logistics, năng lượng, TN-MT, sản xuất công nghiệp... Trong đó, việc chuyển đổi số một số ngành, lĩnh vực ưu tiên nêu trên phải quan tâm đến các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để đẩy mạnh phát triển, mang lại giá trị lớn nhất cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Trên cơ sở đó, Bộ TT-TT đã ban hành Quyết định 377/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số, với mong muốn đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp SMEs nhằm nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
* Đối với các doanh nghiệp SMEs, việc tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số sẽ có những khó khăn, rào cản nào, thưa ông?
- Theo khảo sát, hiện có 4 rào cản chính trong chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, gồm: thiếu thông tin về công nghệ số; thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp; thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số và chi phí ứng dụng công nghệ số cao. Như vậy, chuyển đổi số là quá trình đầy thách thức và khó khăn trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với doanh nghiệp SMEs.
Tuy nhiên, khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ xây dựng năng lực chuyển đổi số trong các hoạt động như quản trị doanh nghiệp, chiến lược số hóa, văn hóa doanh nghiệp, công nghệ và bảo mật, phân tích dữ liệu và đào tạo nhân viên kỹ thuật. Doanh nghiệp được lựa chọn mô hình kinh doanh theo giải pháp công nghệ, kỹ thuật số, thu thập và phân tích dữ liệu. Việc thực hiện chuyển đổi số sẽ được thực hiện theo chiến lược rõ ràng, từng bước, hiệu quả.
Quá trình tham gia chuyển đổi số, doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn công ty, quản trị rủi ro, xác lập mục tiêu, an ninh dữ liệu và nhân lực số; được hỗ trợ tư vấn ứng dụng các nền tảng, giải pháp công nghệ phù hợp quy mô, năng lực, lĩnh vực từng doanh nghiệp…
* Khi tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ có các hoạt động chính nào, thưa ông?
- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên, được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; được tổ chức mạng lưới chuyên gia tư vấn, hỗ trợ lựa chọn các nền tảng số tốt, phù hợp triển khai cho từng doanh nghiệp cụ thể.
Sở TT-TT các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với Cục Tin học hóa triển khai các nội dung của chương trình trên địa bàn tỉnh, thành phố; là đầu mối phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan, tổ chức trên địa bàn để triển khai các nội dung của chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs thực hiện chuyển đổi số.
* Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số đặt ra những mục tiêu cụ thể gì, thưa ông?
- Mục tiêu chung của chương trình là đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp SMEs thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc do chương trình lựa chọn. Các hoạt động của chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp SMEs tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Cụ thể, chương trình sẽ lựa chọn và huy động các nền tảng số xuất sắc với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp SMEs sử dụng nền tảng số để đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp. Phấn đấu tối thiểu có 50.000 người/năm được tiếp cận chương trình, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tối thiểu 30.000 doanh nghiệp/năm được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp. Đồng thời thiết lập được mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số.
Riêng tại Phú Yên, với hầu hết doanh nghiệp thuộc nhóm SMEs, số lượng doanh nghiệp không lớn. Do vậy, tỉnh phấn đấu sẽ phổ biến kịp thời tài liệu, ấn phẩm; xây dựng chiến dịch truyền thông về chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như qua các mạng xã hội; cung cấp thông tin về các hoạt động của chương trình đến 100% các doanh nghiệp SMEs trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời phấn đấu có khoảng 90% các doanh nghiệp SMEs tham quan, nghiên cứu không gian đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh; xây dựng mạng lưới chuyên gia gồm ít nhất 10 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số…
* Xin cảm ơn ông!
NGÔ XUÂN (thực hiện)