“Chuyển đổi số y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời”, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Nguyễn Thị Mộng Ngọc phát biểu như vậy tại Hội thảo Chuyển đổi số ngành Y tế Phú Yên.
Sở Y tế Phú Yên vừa phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) y tế thuộc Cục CNTT (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số ngành Y tế Phú Yên. Hội thảo có sự tham gia của các đơn vị trực thuộc, đại diện Sở Y tế và bệnh viện đa khoa các tỉnh trong khu vực… Hội thảo là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, qua đó tập hợp một số giải pháp có ý nghĩa, khả thi có thể triển khai tại Phú Yên và các tỉnh lân cận.
Chương trình Chuyển đổi số y tế quốc gia đã được ngành Y tế triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực: Bộ Y tế hoàn thành 100% thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao.
Đến nay, 100% bệnh viện trong cả nước đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim; 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 1.500 bệnh viện kết nối Telehealth (hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa).
Trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19, ngành Y tế đã triển khai nhiều ứng dụng hỗ trợ, như phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn COVID-19…
Tại Phú Yên, theo BSCKII, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động y tế bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng, đã hình thành và phát triển một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành chung, như: Cơ sở dữ liệu quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu tiêm chủng; cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe công dân; cơ sở dữ liệu quản lý hành nghề y, dược, an toàn vệ sinh thực phẩm; cơ sở dữ liệu quản lý cung ứng thuốc và kiểm soát kê đơn thuốc tại một số nhà thuốc, trạm y tế...
Phần mềm quản lý văn bản đi, đến (VNPT iOffice) đã được triển khai tại sở và các đơn vị trực thuộc, đáp ứng yêu cầu trao đổi văn bản điện tử và văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh, Bộ Y tế, đồng thời triển khai đồng bộ việc ứng dụng chứng thư số và chữ ký số trong giải quyết văn bản đi, đến theo quy định...
Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu chưa có sự kết nối, liên thông để hình thành cơ sở dữ liệu chung về y tế địa phương, đảm bảo lưu trữ, quản lý đầy đủ các số liệu tập trung của ngành Y tế tại địa phương và kết nối với Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia.
Theo PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, mục tiêu đến năm 2025 là 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tích hợp lên cổng quốc gia, triển khai trên thiết bị di động; 80% hệ thống thông tin y tế được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp dữ liệu y tế; 90% hồ sơ, công việc trong cơ quan, đơn vị y tế được xử lý trên môi trường mạng; 60% dịch vụ y tế được thanh toán điện tử; 210 bệnh viện chuyển đổi số thành công, triển khai bệnh án điện tử, thanh toán không tiền mặt; 70% bệnh viện có hệ thống khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối với tất cả cơ sở khám chữa bệnh…
Để thực hiện mục tiêu này, ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa; hình thành mạng lưới nghiên cứu y tế số; thúc đẩy sản phẩm y tế số “make in Việt Nam”; tổ chức các sự kiện thường niên về chuyển đổi số y tế; biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích về chuyển đổi số y tế…
Song song đó là phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu số, dịch vụ và nền tảng số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; thúc đẩy hợp tác quốc tế… Trong phát triển nguồn nhân lực, ngành Y tế đào tạo 50 chuyên gia y tế số toàn quốc; tập huấn tối thiểu 5 cán bộ triển khai y tế số cho từng tỉnh, đồng thời đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số y tế cho những người làm công tác quản lý.
Tầm nhìn của chuyển đổi số ngành Y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. |
YÊN LAN