Thứ Hai, 06/05/2024 05:38 SA
Báo cáo chung về tình hình các nhà báo Việt Nam: Một báo cáo không tôn trọng sự thật (kỳ cuối)
Thứ Sáu, 17/11/2023 07:00 SA

Kỳ cuối: Những người cần đọc lại Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền

 

Có lẽ Báo cáo chung của CPJ, Freedom House và RFK Human Rights muốn nói đến những “nhà báo tự phong” của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam - tổ chức do các phần tử bất mãn, cơ hội thành lập năm 2014, theo đuổi mục tiêu đa nguyên chính trị, tư nhân hóa báo chí... Những “nhà sáng lập” tổ chức này có tên trong danh sách 21 người Báo cáo chung nêu, đang phải trả giá trong tù về tội làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu chống phá Nhà nước ta. Sự thật này khẳng định Việt Nam đảm bảo tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật, cũng như luôn tuân thủ Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Việc Việt Nam lần thứ 2 trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là minh chứng mạnh mẽ nhất. 

 

Hội Báo toàn quốc tổ chức hằng năm thu hút hàng nghìn nhà báo và bạn đọc tham gia. Trong ảnh: Bạn đọc thăm một gian trưng bày báo chí các tỉnh miền Trung tại Hội Báo 2023, tại Hà Nội. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Hội Nhà báo Việt Nam đã ra nghị quyết khẳng định, cái gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một tổ chức bất hợp pháp, được một vài cá nhân không phải là nhà báo đứng ra thành lập, với sự tiếp tay của các thế lực nước ngoài đã thu nạp những đối tượng chống đối trong và ngoài nước, luôn tung tin xuyên tạc chống Đảng và Nhà nước. Đây là hành vi gây hại và đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng mà luật pháp quốc tế và các nước đều nghiêm cấm. Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều quy định mọi quyền tự do nằm trong khuôn khổ luật pháp, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.

 

Việt Nam luôn đảm bảo quyền tự do báo chí

 

Có thể khẳng định, ở Việt Nam, tự do báo chí, tự do ngôn luận được bảo đảm, thể hiện rõ trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.

 

Ở khía cạnh pháp lý, Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan đồng thời được triển khai đồng bộ để thực hiện trong thực tế. Nhiều năm qua, Nhà nước luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 11, Luật Báo chí 2016 quy định: “Công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”. Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng nhấn mạnh: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; cơ quan nhà nước cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng những thông tin theo quy định của pháp luật phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; việc đăng phát thông tin trên báo chí thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí”. 

 

 

Khía cạnh thực tiễn, yếu tố hạ tầng thông tin là một điểm nhấn trong thực hiện quyền tự do báo chí ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mỗi người dân có một điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có một đường internet cáp quang tốc độ cao… Đó là nỗ lực của Chính phủ nhằm tôn trọng quyền được tiếp cận internet của mọi người; được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, được bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Thông qua các thể loại báo chí, Việt Nam tôn trọng và phát huy quyền tự do báo chí của công dân, khi mà mọi chủ trương, đường lối, dự thảo luật đều được lấy ý kiến Nhân dân. Việt Nam không cấm tự do báo chí, tự do ngôn luận, mà chỉ nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do ấy để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước.

 

Ở một khía cạnh khác, hợp tác quốc tế về báo chí ngày càng phát triển theo hướng hợp tác đa quốc gia và đa lĩnh vực. Hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều dễ dàng đến được với công chúng Việt Nam thông qua nhiều nền tảng chính thức, mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào.

 

Tự do báo chí ở các quốc gia

 

Báo cáo chung của CPJ, Freedom House và RFK Human Rights cũng đưa ra những nhận xét thiếu cơ sở, không thực tế và không đúng sự thật khách quan về việc Việt Nam tuân thủ nghĩa vụ nhân quyền quốc tế. Do vậy cũng xin nhắc lại các nước trên thế giới và quốc tế quy định về nhân quyền, trong đó có tự do báo chí như thế nào.

 

Thực tế thế giới cũng cho thấy, tất cả các nước đều có chế tài, điều khoản luật xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tự do báo chí để vi phạm pháp luật. Ở Mỹ, Bộ luật Hình sự quy định: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực”. Ở Đức, Ðạo luật cơ bản (Hiến pháp) nhấn mạnh: “Sự hưởng thụ tự do cho mỗi người đều phụ thuộc vào việc mọi người thực hiện nghĩa vụ trung thành với Nhân dân, Hiến pháp, Nhà nước và luật pháp”. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp quy định: “Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”.

 

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định mọi người có quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên quy định rõ: “Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948, tại Điều 29 khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung”.

 

Có thể khẳng định, hầu hết mọi thể chế chính trị khác nhau đều coi việc chống lại Nhà nước là vi phạm pháp luật và không có nơi nào có văn bản coi tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền tuyệt đối. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon từng nói: “Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó được sử dụng vào mục đích công lý và cộng đồng... Khi một số người sử dụng quyền tự do này để khiêu khích hoặc sỉ nhục các giá trị niềm tin của người khác thì hành động đó sẽ không được bảo vệ”. Như vậy, tự do báo chí không có nghĩa là tự do thông tin vô trách nhiệm mà phải luôn đặt trong các mối quan hệ, như luật pháp, lợi ích của các chủ thể, đạo đức nghề nghiệp…

 

Tự do báo chí cũng như nhiều quyền tự do khác, phải có khuôn khổ, chuẩn mực và tùy thuộc vào những không gian, thời gian cụ thể. Việc đánh giá quốc gia nào có tự do báo chí hay không phải xét đến các điều kiện về kinh tế, xã hội, văn hóa, tập quán… và gắn với các tiêu chí phổ quát của nhân loại, không thể tùy tiện đem hệ quy chiếu của chủ thể này áp cho chủ thể khác. Báo cáo chung của CPJ, Freedom House và RFK Human Rights là một báo cáo hồ đồ, đầy định kiến, không tôn trọng sự thật, xâm phạm trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam. Những kẻ tự cho mình quyền phán xét người khác, chuyên rao giảng về nhân quyền này, hơn ai hết là những người cần đọc lại Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.

 

PHẠM HOÀNG - HUYỀN TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek