Thứ Ba, 26/11/2024 07:20 SA
Là công dân phải tuân thủ pháp luật
Thứ Năm, 12/10/2023 08:20 SA

Đối tượng Hoàng Thị Minh Hồng. Ảnh: Internet

Quốc gia nào cũng xây dựng hệ thống pháp luật riêng và tất cả công dân đều phải tuân thủ. Việt Nam bắt giữ, điều tra, xét xử đối với công dân vi phạm pháp luật là công việc nội bộ. Việc các tổ chức, cá nhân đứng ra bênh vực và đòi trả tự do ngay lập tức cho những người vi phạm pháp luật dựa trên sự lập lờ là các nhà hoạt động xã hội… là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việc làm ấy trái nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác!

 

Vừa qua, TAND TP Hồ Chí Minh xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển Việt Nam (Change) 3 năm tù về tội trốn thuế; Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 342, Bộ luật Hình sự. Các tổ chức phản động, các đài BBC, RFA tiếng Việt… tiếp tục chiêu trò bênh vực và kêu gọi Nhà nước phải trả tự do ngay cho các “nhà hoạt động môi trường trong một xã hội dân sự”.

 

Chân dung 2 “nhà hoạt động vì môi trường”

 

Theo cáo trạng được công bố tại TAND TP Hồ Chí Minh, từ năm 2012-2022, Trung tâm Change đã phát sinh doanh thu 69 tỉ đồng, nhưng Hoàng Thị Minh Hồng chỉ đạo nhân viên không xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng, kê khai thuế... trốn thuế hơn 6,7 tỉ đồng. Tại tòa, Hoàng Thị Minh Hồng thừa nhận hành vi vi phạm và đã vận động gia đình khắc phục hơn 3,5 tỉ đồng. Hội đồng xét xử nhận định, lời khai của bị cáo Hồng tại tòa phù hợp với kết quả điều tra nên cáo trạng truy tố là có căn cứ. Tuy nhiên, hội đồng xét xử đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như khắc phục một phần hậu quả, khai báo thành khẩn…

 

Về vụ án liên quan Ngô Thị Tố Nhiên, ngày 20/9, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà này để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cùng bị bắt còn có Dương Đức Việt, chuyên viên cao cấp Ban Quản lý đầu tư Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và Lê Quốc Anh, Trưởng phòng Phân tích hệ thống Công ty Tư vấn điện 1.

 

Kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được xác định từ năm 2020, Ngô Thị Tố Nhiên đã biết Việt và Anh là những người có quyền tiếp cận các tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách phát triển lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ngô Thị Tố Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với Việt, Anh theo hình thức bán thời gian, có trả lương. Hai bị can trên đã cung cấp các tài liệu của EVN cho Nhiên. Các hành vi vi phạm của 3 người này đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 342 Bộ luật Hình sự.

 

Lập lờ đánh lận con đen

 

Hai vụ việc trên là hoạt động điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

 

Thế nhưng, sau khi Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên án, Ngô Thị Tố Nhiên bị khởi tố, thì các tổ chức phản động lại thông tin sai lệch với những nội dung bóp méo, vu cáo là kết án Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động môi trường từng cắm cờ Việt Nam ở Nam Cực (năm 1997 và 2009), học giả Quỹ Obama để minh họa cho bầu không khí đàn áp nhắm vào những nhà bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Họ không ngại ngần dựng chuyện vô căn cứ rằng, dường như “có động cơ chính trị”, nhằm trấn áp rộng rãi hơn đối với những người bảo vệ quyền đất đai và môi trường ở Việt Nam và đòi Nhà nước phải trả tự do ngay cho những nhà bảo vệ môi trường này.

 

Những người đưa thông tin cố tình lờ đi sự thật rằng, những vụ án nêu trên đã được các cơ quan chức năng thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự; xét xử đúng người, đúng tội, thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật Việt Nam. Phiên tòa xử Hoàng Thị Minh Hồng ngày 28/9/2023 diễn ra công khai, diễn biến vụ án đã được đăng tải đầy đủ trên các báo. Những thế lực này cố tình không theo dõi diễn biến được báo chí tường thuật rõ ràng.

 

Đằng sau những lời kêu gọi

 

Việc các thế lực thù địch lập lờ giữa trách nhiệm công dân với hoạt động của “các nhà bảo vệ môi trường” là muốn dẫn dắt cộng đồng quốc tế và những phần tử bất mãn trong nước tới sự hiểu lầm tai hại về bức tranh nhân quyền ở Việt Nam. Chúng lấy danh nghĩa “nhân quyền quốc tế” để ra các thông cáo sai lệch về tình hình Việt Nam hòng tìm kiếm sự can thiệp vào nội bộ nước ta. Phương thức quen thuộc vẫn là khoác lên các vụ án, bị can, bị cáo phạm tội hình sự, kinh tế… những nhãn mác rất kêu như: “nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ”, “nhà hoạt động tôn giáo”, “nhà hoạt động môi trường”…

 

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/9, người phát ngôn Bộ Công an đã chỉ rõ: Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Dương Đức Việt, Lê Quốc Anh đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau khi Nhiên bị khởi tố, có thông tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường. Bộ Công an bác bỏ luận điệu xuyên tạc kể trên và coi đó là hành vi can thiệp hoạt động nội bộ của Việt Nam. Mục đích cuối cùng của chúng là muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đó chính là hành vi, thủ đoạn vi phạm nhân quyền, xâm phạm quyền tự quyết của một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

 

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về môi trường

 

Kể từ khi đất nước đổi mới, một hệ thống các quan điểm về bảo vệ môi trường của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991) đề ra phương hướng: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”. Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.

 

Việt Nam luôn nhất quán phát triển kinh tế bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Chương trình trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ đề ra “Vì một Việt Nam xanh” đã được cả nước đồng tình, hưởng ứng. Các địa phương tổ chức Tết trồng cây trên khắp cả nước thời gian qua đã cho thấy quyết tâm hoàn thành mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phục hồi hệ sinh thái của Đảng và Nhà nước ta.

 

Đối với việc bảo đảm thực thi quyền con người, thực tế cũng cho thấy, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Hiện nay Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ thứ 2 (2023-2025).

 

* * *

 

Có thể khẳng định rằng những kết quả, thành tựu to lớn trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, bảo vệ môi trường của Việt Nam được cả thế giới công nhận. Vì vậy, những luận điệu sai trái về 2 “nhà hoạt động vì môi trường” chỉ là những tiếng nói lạc lõng, đơn lẻ, nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

 

 

Hưởng ứng thực hiện Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và đề án Trồng 15 triệu cây xanh của tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Phú Yên đã tổ chức trồng được hơn 10 triệu cây xanh, đạt hơn 69% kế hoạch giai đoạn 2021-2025 của đề án. Riêng năm 2022, toàn tỉnh đã trồng được hơn 6,624 triệu cây xanh, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2023, tỉnh phấn đấu trồng 3,75 triệu cây xanh. 

 

Việc bắt giữ, điều tra, xét xử đối với công dân vi phạm pháp luật là công việc nội bộ của Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân nào đứng ra bênh vực và đòi trả tự do ngay lập tức cho những người vi phạm pháp luật như Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên là hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.

 

Người phát ngôn Bộ Công an

 

HUYỀN TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek