Thực hiện Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn, ngày 25/10 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh. Đây là hoạt động định kỳ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội nhưng các thế lực phản động lại ra sức tung hỏa mù, cố ý xuyên tạc về công tác tổ chức, cán bộ của Đảng và Nhà nước ta…
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội được công khai trên báo chí, truyền thông. Nguồn: QĐND |
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND. Hơn thế, đây là việc làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện.
Công việc định kỳ theo quy định
Lấy phiếu tín nhiệm đối với đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị theo quy định của Đảng không phải là việc mới làm. Kể từ lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên vào tháng 6/2013 đến nay, Quốc hội đã 3 lần tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong đó, Quốc hội khóa XIII lấy phiếu tín nhiệm hai lần (tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 6/2013 và tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 11/2014). Quốc hội khóa XIV lấy phiếu tín nhiệm một lần tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2018. Lần này là lần thứ tư Quốc hội tiến hành công việc quan trọng này.
Hiện đang là thời điểm giữa nhiệm kỳ nên cần nhìn nhận lại, đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt là những người giữ chức vụ do cơ quan dân cử bầu để xem họ thực hiện chức năng nhiệm vụ như thế nào, gắn với kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua ra sao. Vì thế, thời điểm việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là vô cùng cần thiết. Cử tri và người dân đều đồng tình cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm là một kênh giám sát quan trọng của Quốc hội và HĐND.
Có thể thấy, mỗi lần Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đều tạo hiệu ứng tích cực. Bởi rõ ràng người dân đã thấy việc làm của cả hệ thống chính trị rất trách nhiệm và có trách nhiệm trước Nhân dân. Việc lấy phiếu này là thước đo, vừa khuyến khích, động viên những người có tín nhiệm cao và cũng cảnh báo đối với những người còn có tín nhiệm thấp.
Việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm cũng thể hiện niềm tin rất lớn của người dân và cử tri cả nước vào các cơ quan dân cử. Thể hiện trách nhiệm của cơ quan dân cử trong việc đã bầu ra những người giữ các chức vụ đó thì phải có sự đánh giá trong quá trình người ta giữ chức vụ và thực hiện chức trách được giao như thế nào.
Ngày 26/10/2023, fanpage của Việt Tân rêu rao xuyên tạc về kết quả lấy phiếu tín nhiệm Quốc hội vừa công bố. |
Cảnh giác với những âm mưu xuyên tạc
Những năm qua, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với âm mưu ngày càng thâm độc, tính chất ngày càng quyết liệt. Những thông tin liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ được chúng triệt để lợi dụng, xuyên tạc với mục đích tạo ra nhiễu loạn thông tin để kích động, phá hoại, gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Ngay sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị đã tìm mọi cách hạ thấp giá trị và xuyên tạc cách làm, hơn thế còn gán ghép khiên cưỡng với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIV sắp tới. Như thường lệ, các đài BBC, RFA… bản tiếng Việt đưa tin rất nhanh, cố tỏ ra khách quan nếu như không thêm câu bình luận rất thâm hiểm khi đưa kết quả công khai “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đúng như dự đoán…”, coi việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức. Còn các tổ chức phản động, điển hình như Việt Tân thì trắng trợn xuyên tạc. Chúng cố tình cho rằng đây là cách “bầu cử” kiểu hình thức, “dân chủ cho có” theo chỉ đạo. Thậm chí chúng còn rêu rao là không có “lấy phiếu bất tín nhiệm” là vô lý…
Có thể thấy, các thế lực phản động đã tính toán rất kỹ, rất thâm hiểm khi cố tình bỏ qua nội dung của Nghị quyết 96/2023/QH15 của Quốc hội. Nghị quyết quy định rất rõ hệ quả đối với người được bỏ phiếu, người được lấy phiếu tín nhiệm và kết quả lấy phiếu của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với hai nội dung rất căn bản. Đó là, những người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Đồ họa: MẠNH HÙNG |
Công việc định kỳ để cán bộ tự soi, tự sửa
Ngày 2/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96/QĐ-TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định này kế thừa Quy định 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Quy định đã ghi rõ quá trình triển khai phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả tín nhiệm. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ; cán bộ giữ nhiều chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thì lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở 2 nơi cán bộ công tác và sinh hoạt. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
****
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này đã tiếp tục khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội là một kênh rất quan trọng để giúp các cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ, nhất là những cán bộ cấp cao giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả bỏ phiếu sẽ giúp hoạt động của bộ máy nhà nước có những bước phát triển mới cho những năm còn lại của nhiệm kỳ, cũng là kinh nghiệm cho những khóa tiếp theo./.
HUYỀN TRÂN