Thứ Sáu, 06/12/2024 03:08 SA
Một đánh giá mang nặng định kiến
Thứ Sáu, 11/08/2023 13:00 CH

Ngày 31/7/2023 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) công bố Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2022. Phần đánh giá đề cập đến Việt Nam cho thấy nhiều nội dung phiến diện, thiếu khách quan, mang định kiến từ suốt những năm trước đây. Báo cáo thiếu thiện chí này gây nhận thức lệch lạc về tình hình đất nước, con người Việt Nam, là cái cớ để các thế lực xấu vin vào chống phá.

 

Người dân - cử tri có quyền đề đạt ý kiến, nguyện vọng đến chính quyền thông qua HĐND. Trong ảnh: Một buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh tại Tuy An. Ảnh: KHÁNH UYÊN

 

Phần đánh giá thực tiễn ở Việt Nam, báo cáo này cho rằng, những hạn chế đối với các quyền chính trị và dân sự ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2022, đặc biệt là đối với quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt ý nguyện và lập hội.

 

Đánh giá phiến diện, thiếu khách quan

 

Báo cáo nhận định không gian dành cho xã hội dân sự của Việt Nam liên tục bị thu hẹp. Bằng chứng là một số luật và nghị định mới đưa ra các hạn chế hơn nữa trong các lĩnh vực an ninh mạng, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và tự do tôn giáo đã được ban hành hoặc đang trong quá trình chuẩn bị. Các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền, cũng như các nhà hoạt động môi trường tiếp tục bị bắt và bị truy tố với những “cáo buộc mơ hồ” về tội chống lại an ninh quốc gia hoặc trốn thuế và bị kết án tù dài hạn trong các phiên tòa có ít hoặc không có sự tiếp cận của công chúng.

 

Báo cáo quy kết tự do truyền thông vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng: Báo in, phát thanh - truyền hình, truyền thông trực tuyến và điện tử bị kiểm soát chặt chẽ; quyền truy cập vào các trang web độc lập về chính trị bị chặn và các công ty truyền thông xã hội buộc phải đóng tài khoản hoặc xóa nội dung chỉ trích Chính phủ…

 

Ngay sau khi bản báo cáo này được công bố, Đài Á châu tự do (RFA) cắt ghép nhiều nội dung, liên tục tuyên truyền xuyên tạc tình hình nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam. Đặc biệt, các thế lực thù địch, tổ chức phản động được dịp “té nước theo mưa” không ngừng suy diễn, phát tán, chia sẻ thông tin tiêu cực trên không gian mạng để đả phá tình hình thực hiện quyền con người, nói xấu chế độ xã hội, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

 

Có thể thấy, Báo cáo thường niên của EU về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2022, phần đề cập đến Việt Nam là đánh giá phiến diện, thiếu khách quan và cơ sở thực tiễn, gây nhận thức lệch lạc hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế. Một báo cáo đầy định kiến và suy diễn.

 

Người dân là trung tâm của chiến lược phát triển

 

Đảng ta ra đời khi đất nước còn chịu phận nô lệ, đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên đập tan xiềng xích nên trước sau như một, Đảng chỉ có mục đích duy nhất là xây dựng đất nước độc lập, tự do, mọi người dân được hạnh phúc. Mục tiêu duy nhất này được thể hiện rõ ràng trong các văn kiện quan trọng nhất của Đảng.

 

Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân”. Mới đây nhất, Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

 

Sự hoàn thiện, phát triển tư tưởng vì Nhân dân này không chỉ về lý luận mà còn dựa trên tổng kết từ thực tiễn cả chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Với quan điểm, mục tiêu của Đảng, các chương trình, chính sách phát triển đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể là người dân - Nhân dân; lấy quyền và lợi ích chính đáng, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

 

Dưới góc độ pháp lý, những năm qua Quốc hội đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), một cơ quan đặc biệt của LHQ liên quan đến các vấn đề về lao động, liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức.

 

Những nỗ lực, thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thể chế về quyền con người minh chứng mạnh mẽ thực hiện đảm bảo quyền con người nói chung.

 

Thực tiễn những năm qua cho thấy, cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân. Đến nay, Việt Nam được chính các tổ chức quốc tế xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của LHQ.

 

Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam 2022” của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỉ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

 

Ngày 9/9/2022, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Lễ công bố báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 với chủ đề “Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Xây dựng tương lai trong một thế giới đang chuyển đổi” đã nhận định: “Không giống như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch.

 

Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Viêt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người. Giá trị HDI (chỉ số phát triển con người) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 về cơ bản không thay đổi so với thời điểm trước dịch năm 2019”.

 

Vượt lên định kiến

 

Trái ngược với những đánh giá tiêu cực mà báo cáo của EU đưa ra, thành tựu về quyền con người của Việt Nam được Liên Hợp Quốc thừa nhận. Ngày 11/10/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam.

 

 

Minh họa: Internet

 

 

Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan quan trọng hàng đầu của Liên Hợp Quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt quyền của người dân.

 

Và quan trọng hơn, đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.

 

Những thành tựu của đất nước, sự ghi nhận của cộng đồng thế giới là minh chứng sinh động của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định luôn tôn trọng, bảo vệ thúc đẩy dân chủ, quyền con người. Chỉ những người cố tình bưng tai bịt mắt, sống bằng định kiến mới có thể phủ nhận sự thật rõ ràng này.

 

Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt quyền của người dân.

 

HUYỀN TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek