Đối với đồng bào dân tộc Ê Đê ở huyện miền núi Sông Hinh, dệt thổ cẩm là một nghề thủ công truyền thống và luôn gắn liền với cuộc sống. Bằng tình yêu, tâm huyết với nghề, Mí Lát (ở buôn Ken, xã Ea Bá) luôn nỗ lực gìn giữ, duy trì và tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm.
Đam mê từ bé
Tại buôn Ken, Mí Lát, 54 tuổi là một trong những người đi đầu trong việc lưu giữ và hồi sinh nghề dệt thổ cẩm của người đồng bào dân tộc Ê Đê. Làm quen với nghề dệt thổ cẩm từ nhỏ, Mí Lát là một trong những người duy trì và nuôi dưỡng tình yêu với nghề truyền thống này.
Mí Lát tâm sự: Hồi mới lên 10, mỗi lần thấy bà và mẹ bày khung cửi, tôi hay đến ngồi bên cạnh học theo. Ban đầu là học cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi dệt các sản phẩm đơn giản. Khi có thể tự tay dệt được tấm vải đầu tiên, tôi thấy rất sung sướng. Tình yêu đối với nghề dệt thổ cẩm cũng hình thành và lớn lên từ đó. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, tôi lại ngồi vào khung dệt. Đến khi lấy chồng, tôi cũng tự dệt những bộ trang phục truyền thống cho chính mình.
Theo Mí Lát, để dệt xong một chiếc mền thổ cẩm phải mất ít nhất 16 ngày; một chiếc áo, váy, khố cũng phải mất 10 ngày. Mỗi tấm thổ cẩm đều gắn liền với một kỷ niệm riêng và chứa đựng cả tâm hồn của người dệt. Sản phẩm dệt thổ cẩm được xem như là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Ê Đê. Nghề dệt thổ cẩm không nặng nhọc, vất vả nhưng đòi hỏi phải cần cù, chịu khó trong các khâu làm bông, se bông, quay sa, ngâm sợi và dệt thành vải. Không chỉ dệt, thêu những nét hoa văn truyền thống, Mí Lát còn có nhiều sáng tạo riêng trong từng sản phẩm để phù hợp với phong cách hiện đại nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Ban đầu, Mí Lát chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình, người thân, rồi truyền lại cho con cháu để không bị mai một nghề truyền thống của ông cha. Thế nhưng, cùng với sự khéo léo và gu thẩm mỹ độc đáo, những trang phục của Mí Lát rất được người dân trong vùng ưa chuộng. Rất nhiều bà con trong buôn, ngoài xã đặt hàng cho Mí Lát. Dần dà, dệt thổ cẩm đã trở thành nghề chính, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho Mí Lát.
Trăn trở giữ nghề truyền thống
Hiện nay, do sự phát triển của thị trường, những người trẻ chỉ thích dùng đồ may sẵn nên nghề dệt thổ cẩm dần mai một. Để lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, Mí Lát đã vận động thành lập câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm ở buôn Ken, vận động chị em, con cháu cùng tham gia. Đến nay, toàn xã có 25 chị em là thành viên của CLB Dệt thổ cẩm.
Chị Hờ Bóc là một trong những người trẻ có ý thức tiếp nối tình yêu nghề dệt thổ cẩm của Mí Lát. Hờ Bóc cho biết: Trước đây, do chưa biết dệt, nên tôi chưa thấy được sự thú vị của công việc này. Từ khi được Mí Lát nhiệt tình truyền nghề, tôi đã dệt được các tấm khăn thổ cẩm, dệt được váy, áo và nhiều sản phẩm khác. Tôi bắt đầu thấy yêu khung dệt và tự nhận thấy trách nhiệm giữ gìn và lưu truyền nghề dệt thổ cẩm lại cho các em, con cháu sau này.
Mí Lát tâm sự: Sản phẩm dệt thổ cẩm không chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội, mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu trong ngày cưới của các đôi trai gái. Mong rằng chính quyền địa phương sẽ có những chính sách, giải pháp để khôi phục, phát huy giá trị của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, để người đồng bào DTTS vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại.
Chị Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh, cho biết: Dệt thổ cẩm là một phần bản sắc tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng của người phụ nữ các DTTS. Việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, dù CLB Dệt thổ cẩm đang hoạt động hiệu quả nhưng sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, các thành viên chưa thể sống được với nghề. Điều bà con mong muốn là sản phẩm thổ cẩm phải có đầu ra ổn định để người dân yên tâm làm nghề và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Ê Đê. Tuy nhiên, hiện số nghệ nhân giỏi và tâm huyết với nghề rất ít, có nguy cơ mai một. Những năm gần đây, địa phương thúc đẩy hình thức du lịch văn hóa cộng đồng và được nhiều du khách hưởng ứng. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân học nghề, đồng thời đẩy mạnh quảng bá du lịch, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu nhập cho bà con làng nghề.
Ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh |
NGỌC LY - NGÔ XUÂN