Chủ Nhật, 22/12/2024 22:04 CH
Chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023: Vắc xin vẫn là then chốt
Thứ Sáu, 18/03/2022 17:02 CH

Vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

 

Trong số nhiều biện pháp được Chính phủ nêu ra để “giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19 tính trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á” thì vắc xin ngừa SARS-CoV-2 vẫn là vũ khí chủ chốt.

 

Tiếp nối thành công về vắc xin của năm 2021

 

Mục tiêu cụ thể của Chương trình phòng, chống COVID-19 trong 2 năm 2022 - 2023 là đến hết quý 1 năm 2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đến lịch tiêm chủng (trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm); bảo đảm đủ vắc xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022; có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á...

 

Thành công của “chiến lược vắc xin” trong năm 2021 đã tạo tiền đề để năm nay nước ta hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc xin ngừa COVID-19 cho hầu hết mọi lứa tuổi.

 

Trong năm qua Đảng, Nhà nước ta đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện Chiến lược vắc xin phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: Thành lập Quỹ Vắc xin; tiến hành ngoại giao vắc xin; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.

 

Cụ thể, vào tháng 5/2021 biến chủng Delta của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại Việt Nam khiến chiến lược phòng, chống COVID-19 của Chính phủ phải thay đổi: phương châm 5K (Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế) được bổ sung thành tố mới là vắc xin, trở thành “5K+vắc xin”.

 

Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội vào tối 5/6 là dấu mốc trong cuộc chiến với đại dịch. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19”.

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính thì cần 25.200 tỉ đồng để mua 150 triệu liều vắc xin tiêm miễn phí cho gần 75 triệu dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay trong buổi lễ ra mắt Quỹ Vắc xin, hàng nghìn tỉ đồng đã được các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp để chung tay cùng Chính phủ chống lại đại dịch.

 

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam trong năm qua được đánh giá là “bước đại nhảy vọt”.

 

Vào đầu tháng 8/2021 tỉ lệ tiêm chủng vắc xin của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong Đông Nam Á (chỉ hơn Myanmar) với hơn 8 triệu liều tiêm, mới đạt mức bao phủ 1 liều cho 7,5% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tờ The Straits Times (Singapore) dự đoán rằng Việt Nam phải mất hơn 10 năm mới có thể tiêm được vắc xin cho 75% dân số.

 

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tỉ lệ tiêm chủng thấp là do Việt Nam không nhận được ưu tiên phân phối vắc xin với lý do nguồn cung vắc xin toàn cầu khan hiếm trong khi chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong năm 2020.

 

Ngày 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt và thông báo về việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vắc xin; tổ chức tiêm miễn phí cho nhân dân.

 

Từ một quốc gia thiếu hụt vắc xin trầm trọng để triển khai chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân, chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam trở thành một trong những nước có độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao nhất thế giới.

 

Tính đến hết ngày 31/12, tổng số vắc xin ở nước ta đã được tiêm là suýt soát 151 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 77,5 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 68,4 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là gần 5 triệu liều.

 

So với thời điểm cuối tháng 8 thì số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin mũi 1 tăng khoảng 4 lần (đạt gần 100%), số người được tiêm mũi 2 tăng hơn 21 lần (đạt khoảng 88%). Độ bao phủ vắc xin của Việt Nam vượt xa mức trung bình trên thế giới (48,37%).

 

Cũng trong ngày 31/12/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19. Nghị quyết nêu rõ:

 

Đối với vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách thì Chính phủ cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại điểm c, khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 67-Nghị định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

 

Đối với vắc xin do chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách thì Chính phủ cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại Điểm c Khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 67 Nghị  định số 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.

 

Đối với các vắc xin do chính phủ các nước viện trợ và đã được cấp phép nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách thì Chính phủ cho phép miễn Hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vắc xin, Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu và nước viện trợ khi đánh giá để cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng.

 

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 và phải bảo đảm an toàn, hiệu quả.

 

Tính đến chiều 17/3/2022 ở nước ta đã có hơn 201 triệu liều vắc xin được tiêm cho người dân để phòng COVID-19, riêng trong ngày 16/3 có 349.871 liều vắc xin được tiêm.

 

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các tỉnh triển khai tiêm vắc xin thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trong quý 1/2022... Đã có 47 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố đạt độ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 trên 95%, chỉ còn 16 địa phương có độ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%.

 

Trong bối cảnh biến thể mới nhất của SARS-CoV-2 là Omicron đã xuất hiện tại khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Chính phủ nước ta vẫn coi vắc xin là vũ khí hữu hiệu nhất để chống lại dịch COVID-19. Chương trình phòng, chống COVID-19 trong 2 năm 2022-2023 sẽ áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K+vắc xin, thuốc+điều trị+công nghệ+ý thức người dân+các biện pháp khác”.

 

Vì Omicron lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, đề xuất chuyển COVID-19 sang "bệnh truyền nhiễm  nhóm B"

 

Trong Chương trình phòng, chống COVID-19 trong 2 năm 2022-2023 Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

 

Theo các chuyên gia về dịch tễ, bệnh truyền nhiễm (bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người, do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây ra, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm) được phân thành nhiều loại.

 

Bệnh truyền nhiễm nhóm A là đặc biệt nguy hiểm, dễ lây lan rộng và gây tỉ lệ tử vong cao.

 

Điểm a, khoản 1, Điều 3-Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: Các bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm: bệnh bại liệt (do virus Polio gây ra); bệnh cúm A-H5N1 (do virus cúm type A, chủng H5N1, họ Orthomyxoviridae gây ra); bệnh dịch hạch (do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra); bệnh đậu mùa (do virus đậu mùa gây ra và từ năm 1978 đến nay bệnh đậu mùa đã không còn xuất hiện và sẽ không quay trở lại); bệnh sốt xuất huyết (do virus Ebola, Marburg hoặc Lassa gây ra); bệnh sốt Tây sông Nin (do loại virus West Nile thường sống trong cơ thể chim hoang dã gây ra; virus dễ dàng lây cho người thông qua loài muỗi); bệnh sốt vàng (do virus thuộc họ Flaviviridae gây ra; bệnh lây từ người sang người chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti bị nhiễm virus và đốt người lành, loài muỗi này còn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika); bệnh (do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra); bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng - COVID 19 (do loài virus có tên là SARS-CoV-2 gây ra).

 

Điểm b, khoản 1, Điều 3-Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: Bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do virus Adeno); virus Zika; bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người...

 

Điểm c, khoản 1, Điều 3-Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: Bệnh truyền nhiễm nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do virus Chlamydia gây ra); bệnh giang mai, đau mắt hột; bệnh phong; bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; các bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim...

 

Trong Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3, Chính phủ dựa vào nhiều yếu tố dịch tễ trong nước và trên thế giới để đề xuất nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch nhằm chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

 

Trước đó, ngày 11/3, các chuyên gia y tế cộng đồng thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động việc thảo luận về các tiêu chí đánh giá và thời điểm có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19 (được ban bố vào ngày 30/1/2020). Còn ngày 11/3/2020 WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

 

Quyết định tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp toàn cầu về COVID-19 sẽ do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra, sau khi tham vấn kỹ lưỡng với các chuyên gia.

 

Mặc dù vào thời điểm hiện tại tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19 chưa được bãi bỏ, song nhiều quốc gia trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch để quay trở lại hoạt động xã hội bình thường như nới lỏng quy định đeo khẩu trang, cách ly và mở cửa biên giới, đón khách du lịch...

 

Còn tại Việt Nam, vào ngày 11/10/2021 Chính phủ ra Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

 

Như vậy là sau gần hai năm chống chọi với dịch bệnh, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã từ bỏ mục tiêu "Zero COVID-19” để xác định sống chung an toàn với dịch.

 

Tiếp đến, ngày 3/3, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

 

Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở cửa du lịch đối với tất cả hình thức, tại tất cả các cửa khẩu; không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào.

 

Mặc dù số ca mắc mới COVID-19 ở Việt Nam vẫn còn rất cao (tính từ 16h ngày 16/3 đến 16h ngày 17/3 có 178.112 ca được ghi nhận) song số ca trở nặng và tử vong đã giảm xuống từ đầu năm đến nay. Một trong những nguyên nhân cơ bản là độ phủ vắc xin cao và năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 của các cơ sở y tế được nâng lên.

 

Hiện tại ở nước ta có 4.435 bệnh nhân nặng đang được điều trị và tính từ 17h30 ngày 16/3 đến 17h30 ngày 17/3 có 76 ca tử vong (ở mức 0,6% so với tổng số ca mắc, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới là 1,3%). Ở thời kỳ cao điểm, số ca tử vong ở nước ta lên mức 2,5%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 2,1%).

 

Ở thời điểm ngày 17/3, về tổng số ca tử vong, Việt Nam xếp thứ 24 trong tổng số 225 quốc gia, vùng lãnh thổ, về số ca tử vong trên 1 triệu dân thì nước ta xếp thứ 128. So với châu Á, về tổng số ca tử vong thì nước ta xếp thứ 6 trong tổng số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 trong ASEAN), về số ca tử vong trên 1 triệu dân, nước ta xếp thứ 23 (thứ 4 trong ASEAN).

 

Hà Nội đang có nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất cả nước ((916.456 ca tính đến sáng 18/3). Tuy nhiên, theo thông tin vào ngày 17/3 của Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng, số ca mắc mới ở thành phố có xu hướng giảm, tỉ lệ bệnh nhân F0 nhập viện thấp, số ca tử vong giảm, chứng tỏ Thủ đô đang trên đà kiểm soát được dịch bệnh. Hà Nội đã cho mở cửa trở lại bình thường các hoạt động kinh doanh-dịch vụ, du lịch, giải trí.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek