Bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi có xét nghiệm âm tính cũng chưa thể yên tâm, do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khỏi bệnh vẫn cần tuân thủ 5K. Trong trường hợp người bệnh bị sốt, trở nặng hay có biểu hiện bất thường phải đến cơ sở y tế để kiểm tra lại sức khỏe.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh nhân COVID-19 sau khi có xét nghiệm âm tính vẫn chưa đào thải hết virus ra khỏi cơ thể. Có thể do nồng độ virus quá thấp nên thực hiện test không thể phát hiện ra, do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh lắng nghe cơ thể mình và nếu xảy ra tình trạng tái dương tính - người bệnh có những triệu chứng như lúc mắc COVID-19 trước đó; hay có những biểu hiện bất thường của hậu COVID thì phải tới cơ sở y tế để tái khám ngay lập tức.
Triệu chứng dai dẳng sau mắc COVID-19
Mới khỏi COVID-19, mấy ngày gần đây ông L.T.L (74 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), lại xuất hiện các triệu chứng tức ngực, khó thở, kèm với bệnh nền huyết áp nên đã chủ động đi khám. Ông L cho biết, khi xác định mắc COVID-19, ông không có triệu chứng đáng kể, chỉ có biểu hiện ho trong khoảng 2 ngày, huyết áp tăng, không sốt. Nhưng sau khi khỏi bệnh, ông lại thấy tức ngực và có cảm giác đau tim nên đã chủ động đi khám ngay. Khi đến bệnh viện, ông L vẫn có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 và được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán để tiếp tục điều trị.
Cũng được chỉ định khám, chụp phổi hậu COVID, chị V.H.G (ở Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết: “Tôi có kết quả âm tính từ ngày 3/3, nhưng đến nay tôi vẫn bị các triệu chứng ho, khó thở, đau tức ngực, cảm giác đau ngực xuyên từ trước ra sau. Đến nay, tôi còn rất “đuối”, mệt, chưa thể đi lại bình thường và vẫn đang phải nghỉ làm. Hy vọng được khám và điều trị, tôi sẽ hồi phục nhanh hơn”.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình có hơn 100 bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID đến khám mỗi ngày. Các trường hợp này chủ yếu là người già, người có bệnh lý nền trên 60 tuổi ghi nhận ở tất cả các chuyên khoa, cá biệt, có một số trường hợp còn trẻ nhưng cũng gặp phải tình trạng suy hô hấp không cải thiện, phải nhập viện điều trị nhiều lần.
Trong đó, bệnh viện tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân, 62 tuổi, từng mắc COVID-19 đã điều trị ở một cơ sở y tế khác, khi xác định âm tính bệnh nhân được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, khi về nhà, bệnh nhân liên tục gặp tình trạng khó thở, mệt mỏi và được đưa đến BV Thanh Nhàn khám. Xác định bệnh nhân gặp tình trạng suy hô hấp không cải thiện, các bác sĩ đã phải cho bệnh nhân thở oxy và các biện pháp hỗ trợ, sau đó chuyển sang khu hồi sức khi tình trạng bệnh nhân nặng lên và tiếp tục phải can thiệp bằng ECMO. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không đáp ứng và tử vong sau khoảng 3 ngày chạy ECMO.
Ths.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, BV Thanh Nhàn cho biết, qua các trường hợp đến thăm khám, các triệu chứng hậu COVID mà bệnh nhân gặp nhiều nhất là mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, thể lực giảm nhiều, bệnh nhân mất tập trung, rối loạn giấc ngủ và có những bệnh nhân gặp các rối loạn về tiêu hóa…
Các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, tuy triệu chứng lâm sàng khi mắc không nặng nhưng hậu COVID thì có vẻ nặng nề hơn, một số bệnh nhân thậm chí còn phải chạy ECMO”, BS Nguyễn Thu Hường cho biết.
Bệnh nhân âm tính trở lại đã an toàn chưa?
Theo BS Nguyễn Thu Hường, với các bệnh nhân sau khi mắc COVID-19, khi có các dấu hiệu của hậu COVID nên được thăm khám và điều trị kịp thời. Nhất là các bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông, bệnh nhân có bệnh lý nền… nên quay trở lại bệnh viện tái khám càng sớm càng tốt trong vòng 1 tuần đầu ra viện để có tiên lượng và can thiệp hỗ trợ khi cần thiết. Thậm chí, bệnh nhân sẽ được nhập viện điều trị.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người bệnh sau nhiễm COVID-19, dù khi mắc có hay không có triệu chứng, sau đó vẫn nên đi khám, tư vấn, kiểm tra để loại trừ các tổn thương. Bởi có những trường hợp, các di chứng để lại không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng nhưng tình trạng bệnh sẽ tiến triển dần và nặng lên. Việc kiểm tra sẽ giúp phát hiện sớm các biến chứng để có phương án can thiệp kịp thời.
Cũng theo BS Hường, qua thực tế thăm khám, trong khoảng 15 ngày đến 1 tháng sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân có thể tái nhiễm COVID-19. Tình trạng này có thể do trước đó bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta, sau đó lại nhiễm biến chủng Omicron: “Một số người dân đang có xu hướng cố tình lây nhiễm COVID-19 để không bị nhiễm nữa nhưng đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Nhiễm Omicron rồi vẫn có thể nhiễm lại chính chủng đó với những biến thể phụ khác nhau. Do đó, tỉ lệ tái nhiễm của người dân ở thời điểm này với chủng Omicron là tỉ lệ cao”.
Theo VOV.VN