Thời gian qua, bám sát kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đã triển khai cho vay kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng, ưu tiên phân bổ vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới (NTM), qua đó góp phần hoàn thành các tiêu chí trong chương trình này.
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện hoàn thành tốt 6 tiêu chí như: thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, môi trường và an toàn thực phẩm, nhà ở dân cư.
Có vốn đỡ lắm
Từ một hộ nghèo, sau 3 lượt vay - trả vốn tín dụng chính sách, giờ đây gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hằng ở thôn Đông Bình, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) đã thoát hẳn nghèo. Bà Hằng cho biết cách đây hơn 10 năm, vợ chồng bà làm nông, nuôi 3 đứa con là thấy “cóng róng”. Muốn kinh tế gia đình cải thiện phải có vốn, biết vậy nên khi nghe các tổ trưởng trong thôn tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, bà đăng ký vay ngay.
Ban đầu vay chương trình hộ nghèo, sau đó là hộ cận nghèo, rồi hộ mới thoát nghèo. Hôm NHCSXH tổ chức giao dịch tại xã Hòa An vào tháng 8 vừa qua, bà Hằng đến trả đứt 20 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo và nhận 30 triệu đồng vốn mới cũng với chương trình này.
Trong 6 tháng đầu năm nay, NHCSXH Phú Yên tập trung vốn và ưu tiên giải ngân cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới với tổng doanh số gần 554 tỉ đồng, chiếm hơn 80% tổng doanh số cho vay toàn tỉnh. |
“Nguồn vốn này không lớn đối với người làm ăn buôn bán nhưng lại khá lớn với người chuyên làm ruộng như tôi. Có vốn đỡ lắm, nhờ nó mà ban đầu chúng tôi có tiền mua bò về nuôi; vay 3 năm nhưng thường từ 1,5-2 năm là bò đủ giá trị trả vốn ngân hàng, còn lại là phần lãi của mình. Phần dư này, tôi mua ít con heo, vài con gà về nuôi tiếp. Cứ thế tích tiểu thành đại, mình có tiền nuôi con, mua sắm vật dụng trong nhà, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn”, bà Hằng chia sẻ.
Theo bà Hằng, không riêng gia đình bà mà rất nhiều hộ trong xóm Soi nơi bà ở cũng được vay vốn chính sách. Có vốn, người dân cần cù lao động lại tiết kiệm chi tiêu nên đời sống dần khá lên.
“Trước đây, người dân xóm Soi nghèo nhất thôn Đông Bình, đường đi trong xóm nhỏ hẹp, lại là đường đất. Mấy năm gần đây, nhờ đời sống khá hơn, bà con góp tiền làm đường bê tông thông thoáng, sạch sẽ. Nhà cửa lụp xụp đã được thay bằng nhà ngói, nhà lầu khang trang. Làng quê ngày càng đổi khác so với trước...”, bà Hằng nói thêm.
Nhiệm vụ hàng đầu
Tại huyện Tây Hòa, những năm qua, bên cạnh các nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng thúc đẩy việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
“Với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách bình quân 10%/năm, hàng năm toàn huyện Tây Hòa có hơn 1.500 lượt hộ vay vốn, từ đó có gần 600 hộ thoát nghèo, tỉ lệ thoát nghèo hơn 1,2%. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng nguồn vốn vay vào sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình”, bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Bí thư Huyện ủy Tây Hòa nói.
Là một trong những người được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách, bà Huỳnh Thị Diệu Hoa ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) cho biết: Năm 2017, tôi có sửa lại nhà; làm đến nhà tắm, nhà vệ sinh thì hết tiền.
Đợt đó, Nhà nước tăng mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nên tôi vay được 12 triệu đồng để làm công trình nước sạch, vệ sinh. Nếu không có khoản này, gia đình tôi không biết xoay xở thế nào. Cũng theo bà Hoa, ngoài vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, gia đình bà còn vay gần 50 triệu đồng vốn học sinh sinh viên cho con đi học đại học.
Theo NHCSXH Phú Yên, đơn vị xác định việc tăng cường nguồn vốn cho vay, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu tại các xã xây dựng nông thôn mới.
Do đó, trong 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng tập trung vốn và ưu tiên giải ngân cho vay tại các xã này với tổng doanh số gần 554 tỉ đồng, chiếm hơn 80% tổng doanh số cho vay toàn tỉnh. Còn trong giai đoạn 2016-2019, NHCSXH Phú Yên đã giải ngân gần 2.600 tỉ đồng cho người dân các xã xây dựng nông thôn mới vay vốn.
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện hoàn thành tốt 6 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là giảm tỉ lệ hộ nghèo 2%/năm.
Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách còn tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động; giúp hơn 12.300 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; góp phần xây dựng hơn 64.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, xây dựng hơn 622 căn nhà ở cho hộ nghèo, 30 nhà ở cho hộ có thu nhập thấp...
Đề nghị bổ sung nguồn để cho vay
Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Ngân hàng thường xuyên phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách song song với việc áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ... trong sản xuất, chăn nuôi trồng trọt có hiệu quả, nhằm góp phần hoàn thành sớm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng theo NHCSXH Phú Yên, một số chương trình cho vay như hỗ trợ tạo việc làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nhà ở xã hội... nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách nhiều, nhưng nguồn vốn Trung ương chưa đáp ứng được, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác NHCSXH để cho vay hàng năm thấp.
Bên cạnh đó, cuối năm 2018, toàn tỉnh có 18 xã bị loại khỏi danh sách vùng khó khăn và theo kế hoạch năm 2019 có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới cũng không còn được thụ hưởng chính sách tín dụng vùng khó khăn. Tại các xã này, nhiều trường hợp hộ vay khi trả hết nợ, đời sống còn nhiều khó khăn, có nhu cầu vay vốn, nhưng hiện nay không có nguồn vốn chương trình nào để cho vay.
“NHCSXH Phú Yên đã đề nghị NHCSXH Việt Nam cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn hiện nay. Đồng thời đề nghị NHCSXH Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho vay chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để tạo điều kiện cho các hộ có vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.
Ngân hàng cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương từ 1-3 tỉ đồng ủy thác sang NHCSXH để tăng cường nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Về phần mình, ngân hàng sẽ tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn từ ngân sách địa phương, tập trung huy động vốn từ các tổ chức chính trị xã hội, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức, cá nhân… để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục triển khai cho vay vốn tín dụng chính sách gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”, ông Thục nói.
LÊ HẢO