Những con đường bê tông phẳng phiu chạy quanh làng xóm, qua những ruộng lúa đang thì con gái căng tròn như biểu tượng của sức dân, niềm tin, sự đồng lòng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đó cũng là con đường lòng dân mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ở xã còn nhiều khó khăn như An Thạch đã và đang hướng tới mục tiêu: Xã nông thôn mới!
Nói đến An Thạch, nhiều người nghĩ ngay đến những hình ảnh về vùng đất thanh bình, nhưng cũng đầy khắc nghiệt bên hạ lưu sông Ngân Sơn. Ở đây có nhiều điều để nhận diện, đó là: Làng gốm Quảng Đức một thời vang bóng; nhà thờ cổ Mằng Lăng; chùa Cổ Lâm Hội Tôn, nơi tu tập đầu tiên của Thiền sư Liễu Quán; nơi có 500 ngôi mộ cổ trên núi A Man; đập Tam Giang thơ mộng... Nơi có những ngôi làng được che chắn bởi những rặng tre ven sông êm đềm và những xóm nhà giữa đồng xanh mát. Nhưng chúng tôi cũng không thể quên những hình ảnh tan hoang sau cơn “đại hồng thủy” cách đây gần 10 năm (11/2009).
Cơn bão đánh sập cầu Lò Gốm, nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, người chết, tài sản, hoa màu... bị cuốn phăng. Khi ấy, chúng tôi, những thanh niên tình nguyện và bộ đội phải mất cả tháng mới cào hết lớp bùn dày “trả lại mặt bằng” cho những con đường, trường học. Có lẽ vậy nên An Thạch, một xã nằm giữa đồng bằng, gần ngay thị trấn trung tâm huyện lỵ nhưng vẫn lắm khó khăn.
Con đường vào lòng dân
Là một xã vùng trũng, xóm nhà dân rải rác xen giữa đồng ruộng nên đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Hầu hết các con đường vào xóm đều là “bờ ruộng cái”, mưa thì lầy lội, lũ lụt là chia cắt có khi cả tuần lễ, phải cứu viện.
Bí thư Đảng ủy xã Ngô Tấn Lang nhiều đêm trăn trở nỗi khổ của người dân về chuyện đi lại trên những “con đường bờ ruộng”. Đường bê tông nông thôn phải chọn làm trọng tâm. Không đủ điều kiện để hỗ trợ từ ngân sách thì xã hội hóa để làm đường. Khi có được sự đồng thuận, chung sức của dân chắc chắn sẽ làm được, phần vận động xã hội hóa thì chính quyền xã phải gánh vác. Tâm huyết và quyết tâm của Bí thư Ngô Tấn Lang được cấp ủy, chính quyền ủng hộ, thống nhất cao; triển khai đến từng chi bộ, người dân và nhận được sự ủng hộ vô điều kiện.
Cuối năm 2018, sau khi bàn bạc, xã chọn con đường vào xóm Gò Miễu, thôn Phú Thịnh “khai pháo” mô hình đường 100% kinh phí xã hội hóa.
Chi phí vật liệu gần trăm triệu, chưa tính nhân công, máy móc thiết bị. Nếu chia bình quân đầu hộ trong xóm, mỗi hộ phải đóng góp 7 triệu đồng, số tiền không nhỏ với người dân nông thôn. Đảng ủy xã kết hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy (đơn vị được tỉnh phân công giúp xã nghèo) và các mối quan hệ, phân công từng cán bộ, đảng viên vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cát, sạn, xi măng, máy móc; nhân công thì huy động từ các đoàn thể, người dân nên số tiền mỗi hộ dân đóng góp giảm còn 3 triệu đồng/hộ. Sau 4 ngày ra công, con đường bê tông vào đến tận ngõ, điện đường từ chương trình thắp sáng đường quê sáng rực, ai cũng vui tươi, phấn khởi ra mặt.
Con đường xóm Gò Miễu như một điển hình, nhiều nơi mơ ước. Người dân đội 5, thôn Phú Thịnh, xóm Cô nhi viện Mằng Lăng và nhiều xóm khác gửi tâm thư lên xã với mong muốn được hỗ trợ và góp tiền làm đường. Đảng ủy lại họp, ra nghị quyết, tiếp tục vào cuộc vận động kinh phí làm đường, kéo điện...
Câu chuyện mà nhiều người dân ở thôn Phú Thịnh đều biết, đó là việc các hộ dân ở đây hiến đất làm đường. “Có đến 5 hộ phải hiến đất ruộng, vườn nhà để con đường đủ rộng và thẳng tuyến. Hộ cụ ông Huỳnh Rồi (gần 90 tuổi) mất đến trên 30m2, nhưng ông vui vẻ bảo “lấy bao nhiêu cũng được, mình thiệt một chút nhưng có con đường đẹp cho xóm làng, cho con cháu sau này”. Có ông làm gương, hộ nào cũng noi theo. Khi con đường bê tông vừa qua khỏi cửa nhà, như mãn nguyện, cụ ông ra đi thanh thản”, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạch Hồ Ngọc Hương xúc động kể.
Từ cuối năm 2018 đến nay, với 100% kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa và người dân đóng góp, xã An Thạch đã hoàn thành 3 tuyến đường bê tông: xóm Gò Miễu, cô nhi viện Mằng Lăng, đội 5 thôn Phú Thịnh với chiều dài hơn 1.000m. Điện đường nông thôn gần 3km. Tính theo giá thành hiện nay, 1m đường bê tông là 1 triệu đồng; 1 bóng đèn đường cùng chi phí trụ, đường dây khoảng 1 triệu đồng/trụ/bóng thì công trình nói trên hơn tiền tỉ.
Ông Đinh Văn Khanh, Trưởng thôn Phú Thịnh, nói: “Quá vui. Mấy ngày nay, người dân xóm khác đến xem và cũng mong muốn có được con đường. Người dân giờ toàn tâm, toàn ý thực hiện các phong trào do trên phát động, yên tâm làm ăn, nâng cao thu nhập, chăm lo con cái học hành”.
Quyết tâm về đích nông thôn mới
Một không khí rộn ràng phấn khởi, đâu đâu cũng bắt gặp những nụ cười hiền của người nông dân trên những con đường bê tông mới, con đường được làm nên từ sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đóng góp từ chính sức dân. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thạch Lê Văn Lang vui ra mặt: “Chưa lúc nào ở An Thạch không khí lại vui vẻ rộn ràng, đồng thuận từ người dân đến vậy. Nông thôn mới là đây chứ đâu”.
Từ một xã nghèo, tưởng như rất khó để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng với quyết tâm và cách làm phù hợp, “cuốn chiếu” từng chỉ tiêu, đến nay An Thạch đã đạt 14/19 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại đang “ngấp nghé” hoàn thành. Chủ tịch UBND xã An Thạch Lê Anh Nhật cho biết: Năm 2015, xã chỉ đạt 10/19 chỉ tiêu nông thôn mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2020. Trong 3 năm, An Thạch tiếp tục đạt chuẩn 4 tiêu chí thuộc diện khó; 5 tiêu chí chưa hoàn thành, gồm: Nhà ở dân cư, thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa và giao thông.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngô Tấn Lang, hiện tại, 5 tiêu chí chưa đạt cũng đã có giải pháp, kế hoạch thực hiện. Ví dụ tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, đã được đưa vào kế hoạch vốn năm 2019 từ ngân sách huyện, chờ thủ tục giải ngân là tiến hành ngay. “Khó nhất là tiêu chí về giao thông nông thôn, nhưng với quyết tâm và hiệu quả từ cách làm xã hội hóa, đến nay ngoài những trục đường chính được hỗ trợ từ ngân sách, các con đường dân sinh vào thôn xóm đã tiệm cận với khung tiêu chí. Từ đây đến cuối năm, mục tiêu bê tông ít nhất 4 tuyến đường, trong đó 1 tuyến vận động xã hội hóa, như vậy sẽ hoàn thành tiêu chí này và về đích xã nông thôn mới vào đầu năm 2020”, ông Ngô Tấn Lang nói.
Bài học trong công tác vận động
Nói về cách làm những con đường 100% nguồn xã hội hóa, Bí thư Ngô Tấn Lang chia sẻ: Phải thật cụ thể, rà soát tất cả các con đường có nhu cầu bức thiết, các điều kiện cần thiết và lên phương án tài chính. Sau đó vận động các tổ chức, đơn vị giúp đỡ xã cùng tham gia; các mạnh thường quân trên địa bàn có tiền giúp tiền, hoặc góp vật chất, công sức; họp dân thống nhất cách làm, công khai minh bạch các khoản tiền đóng góp... Người dân sẽ bầu tổ tự quản trực tiếp quản lý, giám sát nguồn vốn và thi công con đường. Đặc biệt cảm ơn các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân đã sẵn lòng giúp đỡ An Thạch xây dựng các công trình nông thôn mới.
Xã An Thạch có hai tôn giáo lớn là Phật giáo (cả xã có 4 ngôi chùa) và Thiên chúa giáo (hai giáo xứ với 4 nhà thờ). Công tác dân vận, làm thế nào để tất cả mọi người dân không phân biệt, chung một mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thạch Lê Văn Lang, chia sẻ: “Lương - giáo không còn là vấn đề khi cùng hướng về một mục tiêu, lợi ích cho cả cộng đồng. Như việc làm đường bê tông, rộng hơn là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thông mới, đô thị văn minh đã được tất cả các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Sau những “công trình sức dân” vừa qua, một tinh thần đoàn kết trong cộng đồng được khẳng định và ngày càng khắng khít”.
Những bài học lớn mà Đảng ủy xã An Thạch rút ra được trong công tác vận động người dân chung tay làm nông thôn mới là: Chủ trương đúng, kế hoạch, phương án, mục tiêu cụ thể; vận dụng cách làm phù hợp, huy động sức mạnh cộng đồng; sự đồng thuận, chung sức của người dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự tâm huyết, hết sức hết lòng.
Rời An Thạch trong chiều muộn, trên những con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn, tôi bắt gặp những người nông dân gương mặt rạng ngời, phấn khởi. Điện trên đường quê bật sáng.
An Thạch là xã nghèo của huyện, gần đây đã có bước chuyển nhanh, tích cực, nhất là các mục tiêu nông thôn mới. Cấp ủy và chính quyền xã đã rất quyết tâm và có cách làm hay, rà soát từng tiêu chí, phần việc, phần nào thuộc ngân sách nhà nước thì báo cáo, đề xuất lên trên, phần nào xã hội hóa thì họp dân tập trung vận động nhằm tạo sự đồng thuận; chọn việc có trọng tâm, trọng điểm. Vận động được sự đồng thuận của toàn dân, từ sư trụ trì, linh mục, đến phật tử, con chiên đều chung sức chung lòng vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bộ máy chính quyền làm tốt công tác cải cách hành chính, phục vụ nhân dân.
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành |
THÙY THẢO - TRẦN QUỚI