Trong cùng cực sự nghiệt ngã của số phận, chàng trai đang độ 20, Nguyễn Võ Anh Tuấn có một quyết định hết sức nhân văn: hiến mô, tạng cho y học để giúp hồi sinh những cuộc đời mới. Quyết định ấy đã thuyết phục được người mẹ yêu thương cùng con trai thực hiện việc làm cao đẹp cho đời.
Chị Sương đút vội những muỗng cơm cho con trai Nguyễn Võ Anh Tuấn sau khi đi làm về buổi trưa, rồi lại tất tả trở lại trường - Ảnh: TRẦN QUỚI |
11 giờ rưỡi những ngày đầu hè, nắng gay gắt, chúng tôi tìm đến ngôi nhà trọ nằm thấp trũng dưới mặt đường Mậu Thân (khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa), nơi đang che chở một gia đình nhỏ có tấm lòng nhân văn, theo lời giới thiệu của chị Lê Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 9 (TP Tuy Hòa). Chị Sương vừa mới từ nhà giữ trẻ về đang lui cui nấu cơm chuẩn bị bữa trưa. Trong bữa cơm rất khó khăn với đứa con trai bị bại liệt không thể tự chủ, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động đầy nước mắt và cả nghị lực, sự lạc quan.
Chị Sương quê ở Hòa Trị (huyện Phú Hòa), lấy chồng về phường 8 (TP Tuy Hòa), hai vợ chồng mua được đất, cất được ngôi nhà nhỏ. Con bệnh, hai vợ chồng đành bán nhà để chữa bệnh. Số phận thêm nghiệt ngã khi người chồng ra đi mãi mãi sau cơn đột quỵ. Chị Võ Thị Sương dắt díu hai con Nguyễn Võ Anh Tuấn, Nguyễn Võ Anh Tú mướn nhà tá túc qua ngày ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9.
Số phận nghiệt ngã và niềm lạc quan sống
Gia đình chị Võ Thị Sương và anh Nguyễn Văn Linh tràn ngập tiếng cười hạnh phúc khi sinh được đứa con trai đầu lòng lành lặn, sáng láng, thông minh. Lên 8 tuổi, thể trạng có triệu chứng yếu dần, còn đôi chân co quắp lạ thường. Gia đình đưa Tuấn vào Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 TP Hồ Chí Minh để khám. Qua các xét nghiệm, thăm khám, bác sĩ kết luận em mắc chứng phì đại cơ (hay còn gọi là loạn dưỡng cơ), một loại bệnh hiếm, y học gọi là bệnh lạ, chưa có phát đồ điều trị.
Cho đến một ngày cuối năm học lớp 6, cách đây 8 năm, Anh Tuấn ngã quỵ, vĩnh viễn không thể đi trên đôi chân của mình. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, bệnh này không thể sống đến tuổi trưởng thành. Suy sụp tinh thần, anh Nguyễn Văn Linh, ba Tuấn héo mòn, đột quỵ rồi ra đi mãi mãi. “Khi đó, Tuấn mới vào lớp 6, còn Tú, em gái của Tuấn thì học lớp 2. Dù rất đau đớn nhưng tôi không cho phép mình gục ngã. Các con đã mất cha, tôi là chỗ dựa tinh thần lớn nhất để cho con chống chọi với bệnh tật”, chị Sương đỏ hoe cả mắt kể.
Còn nước còn tát, với niềm hy vọng cũng như cầu mong phép màu đến với con. Để có tiền chữa chạy cho con, chị Sương bán nhà, vay mượn đủ nơi, cùng con xuôi ngược vào Sài Gòn, ra Hà Nội để điều trị bệnh, từ Tây y đến Đông y, châm cứu... Nợ nần chồng chất, trong 5 năm, ba mẹ con chị Sương phải dắt díu nhau chuyển nhà thuê đến hơn 10 lần. “Thấy bệnh tình của con mình như vậy, họ sợ có chuyện không hay xảy ra trong nhà, nên không muốn cho thuê”, chị Sương lại chùi nước mắt.
Thương mẹ tảo tần, cực nhọc, thương số phận mình nghiệt ngã, Anh Tuấn suy nghĩ nhiều, nhiều khi quẩn bách không muốn duy trì cuộc sống đau khổ. Nhưng tình thương của mẹ, của em gái và những tấm gương vượt qua nghịch cảnh trên ti vi đã giúp Tuấn có cái nhìn nhẹ nhàng và lạc quan hơn.
Thấu cảm được hoàn cảnh gia đình, nỗi vất vả của mẹ và thương anh trai bệnh tật, đứa em gái Nguyễn Võ Tuấn Tú cố gắng học thật giỏi. Từ năm học lớp 8, ngoài giờ học, Tú đi làm thêm ở quán cà phê, nhà hàng với công việc bưng bê để phụ đồng lương ít ỏi một giáo viên giữ trẻ mà mẹ đang làm, trang trải thuốc men cho anh trai, cuộc sống và học phí. Món quà em dành cho mẹ và động lực để anh trai lạc quan chống chọi với bệnh tật, là thi đậu vào lớp 10 chuyên Văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh và nhận được học bổng của trường.
Chị Võ Thị Sương như cũng thấy vui lên, lạc quan hơn, thêm nghị lực vững vàng khi thấy con trai có suy nghĩ tích cực, con gái chăm ngoan học giỏi. Việc trường, việc nhà chị Sương đều chu toàn. Năm 2014, chị Võ Thị Sương được UBND tỉnh tặng bằng khen về hành động nhiều lần hiến máu nhân đạo cứu người; nhiều giấy khen của ngành, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Cô Bùi Thị Thơm, Hiệu trưởng Nhà trẻ Sen Vàng (TP Tuy Hòa), cho biết: “Hoàn cảnh cô Sương quá khắc nghiệt, tập thể nhà trường biết, động viên tinh thần và chia sẻ hết sức trong khả năng có được. Các cô trong ca thay nhau gánh bớt thời gian để cô Sương được đến muộn hơn, về sớm hơn đôi chút; linh động cho cô Sương ứng một phần lương khi gia đình cần tiền; bảo lãnh, xin được khoanh nợ không lấy lãi với khoản vay của cô Sương...
Hai tấm thẻ ghi nhận hiến mô, tạng của Nguyễn Võ Anh Tuấn và mẹ - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Món quà để lại cuộc đời
Căn bệnh lạ quái ác đã lấy đi đôi chân, đôi tay và cả ước mơ, hoài bão của Anh Tuấn. Điều còn “may mắn” với Tuấn đó là một đầu óc tỉnh táo, tinh thần lạc quan yêu đời. Bốn bức tường vô tri và chiếc ti vi là bạn của Tuấn trong lúc mẹ đi làm và em gái đi học. Qua xem ti vi, Anh Tuấn được biết đến tấm gương nghị lực sống của Nick Vujicic, những người tàn nhưng không phế, những em bé bị ung thư, đặc biệt là nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An, 7 tuổi, đã quyết định hiến giác mạc làm Tuấn thay đổi. Tuấn bộc bạch: “Nhờ chiếc ti vi mà em biết hết mọi thứ đang diễn ra ở bên ngoài, giúp em cân bằng cuộc sống và tìm thấy ý nghĩa cuộc đời”.
Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ về hành động cao cả của bé Hải An và cuộc đời mình, một tối cách đây chừng một tháng, Anh Tuấn thì thầm bên tai mẹ: “Con người ta chết đi là hết và không mang theo được gì, chi bằng mình cho đi những gì mà mình có thể, để tiếp sự sống cho người khác! Mẹ cho con làm điều đó, nha mẹ!”.
Nghe con trai nói mà chị Sương không tin vào tai mình, nghẹn tim, xúc động. Một lúc sau chị mới bình tĩnh, hỏi lại con những điều vừa nói. Chị Sương không đành, ôm con mà nước mắt cứ nhạt nhòa. “Tôi bất ngờ trước suy nghĩ và đề nghị nghiêm túc của con. Vẫn chưa hết hoang mang, tôi lên mạng internet tìm hiểu và bắt đầu chia sẻ nhiều hơn với ý định của con. Sau 3 ngày suy nghĩ, tôi không những đồng ý để con thực hiện ý nguyện mà mình cũng tự nguyện cùng con hiến tặng mô, tạng cho y học”, chị Sương kể lại trong sự hồi hộp.
Còn Anh Tuấn trải lòng: “Nhiều lúc em nghĩ, ai đó có thể cho mình đôi tay, đôi chân để em trở lại bình thường không? Điều đó là không thể. Nhưng từng bộ phận như giác mạc, tim, gan, thận, phổi, da, sụn… thì y học hiện đại có thể cấy ghép làm nên cuộc sống mới cho những người cần. Chính bé Hải An là người đã truyền thông điệp “chết cho đi, cứu người - duy trì cuộc sống mãi mãi” và em muốn làm điều gì đó có ý nghĩa”.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân, nguyên Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên, người kết nối các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ em Anh Tuấn, khi biết được ý nguyện hiến mô, tạng cho y học, vô cùng cảm kích, đã giúp hai mẹ con hoàn thành việc kết nối, đăng ký với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế). “Đây là một nghĩa cử, việc làm hết sức nhân văn, xứng đáng được tôn vinh, lan tỏa trong xã hội. Rất mong sự đồng cảm của cộng đồng, cùng cháu Anh Tuấn và chị Sương vượt qua khó khăn, nghịch cảnh”.
Mơ ước nhỏ nhoi
Trong cái nắng giữa trưa hè gay gắt, chúng tôi cảm thấy nhẹ tênh, đầy niềm tin, hy vọng. Chị Sương lấy ra cho tôi xem lá đơn tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng gửi Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và phản hồi của trung tâm này bằng tấm “Thẻ ghi nhận hiến mô, tạng”.
Với chị Sương, giờ đây cả hai mẹ con không thấy băn khoăn gì về việc hiến mô tạng sau khi chết, mà trong người mẹ tần tảo này vẫn từng ngày lo chăm sóc điều trị bệnh cho con và gánh nặng cơm áo gạo tiền. Hàng tháng, Anh Tuấn vẫn đều đặn uống toa thuốc mà Bệnh viện Nhi Trung ương cho cách đây hơn 3 năm, mỗi toa 2 triệu đồng. Đã lâu rồi, tới lịch tái khám nhưng chị không có đủ điều kiện để đưa con ra Hà Nội.
Đồng lương khiêm tốn của một giáo viên giữ trẻ của chị Sương không đủ để chị lo những việc lớn, khi cơm áo hàng ngày, tiền thuê nhà trọ và bao nhiêu thứ bủa vây. Mơ ước nhỏ nhoi của ba mẹ con chị Sương là cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến với con trai và mơ về một căn nhà nhỏ, nhỡ khi người ta không cho thuê nhà. Với Nguyễn Võ Anh Tuấn, em ước muốn đơn sơ là có chiếc điện thoại thông minh để ghi âm những điều mình muốn chia sẻ để nhờ mẹ, em gái ghi lại trước khi… đi xa.
Chúng tôi rất chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của cô Võ Thị Sương. Trước đây, cô Sương công tác ở Nhà trẻ Hoàng Yến, gần đây luân chuyển về Nhà trẻ Sen Vàng. Ngành luôn tạo điều kiện để cô Sương hoàn thành tốt nhiệm vụ; công đoàn ngành thường xuyên động viên, ưu tiên các suất hỗ trợ của ngành và các nhà hảo tâm với gia đình cô Sương. Được biết hai mẹ con cô Sương tình nguyện hiến mô, tạng cho y học, chúng tôi vô cùng cảm kích và xúc động. Chúng tôi sẽ thông tin đến toàn ngành về việc làm ý nghĩa, nhân văn này của cô Võ Thị Sương và con trai để lan tỏa và chia sẻ hoàn cảnh khó khăn hiện nay của cô.
Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa Phan Tấn Hoàng |
TRẦN QUỚI - DƯƠNG TRÍ