Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính (CCHC), các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân thực hiện các dịch vụ trên môi trường mạng và nhận kết quả tại nhà, không cần đến các sở, ngành hay chính quyền địa phương.
Dù được đánh giá mang lại nhiều tiện ích, song đối với một bộ phận không nhỏ người dân, việc tiếp cận DVCTT vẫn còn nhiều khó khăn.
Tích cực hỗ trợ người dân
Với những người lần đầu tiếp cận DVCTT, chị Nguyễn Thị Hoài Duyên, cán bộ Văn phòng - Thống kê, UBND phường 9 (TP Tuy Hòa) luôn cố gắng hướng dẫn chi tiết từng bước thực hiện. Tuy nhiên, hơn 15 phút, người dùng vẫn loay hoay vì chưa thể nắm hết các quy trình. Công tác hướng dẫn càng khó khăn hơn với những công dân đã lớn tuổi, khi nhiều người thậm chí còn chưa biết đến DVC mức độ 3, 4 là gì. Chị Nguyễn Thị Hoài Duyên nói: “Địa phương đã tuyên truyền nhiều về DVC nhưng bà con chưa nắm rõ. Quá trình tổ chức thực hiện cho thấy thanh niên sử dụng điện thoại nhanh, không mất nhiều thời gian; còn những người lớn tuổi tiếp cận rất khó khăn, nhiều người không có cả điện thoại”.
Để thực hiện đạt mục tiêu 43% tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, các phường, xã trên địa bàn TP Tuy Hòa đã thành lập và đưa vào hoạt động các tổ hỗ trợ. Những trường hợp công dân lớn tuổi, ngoài được hướng dẫn các bước đăng ký sử dụng dịch vụ, còn được giúp nộp hộ theo hình thức trực tuyến. Giải pháp này phần nào tháo gỡ khó khăn và giúp các địa phương nâng cao dần tỉ lệ hồ sơ DVCTT, song cũng gặp không ít vướng mắc trong công tác phối hợp. Chị Hoàng Thị Anh Đào, cán bộ Văn phòng - Thống kê, UBND phường 5, TP Tuy Hòa nói: “Để thực hiện đạt kết quả, giữa các bộ phận chuyên môn, giữa người dân với tổ hỗ trợ phải có sự phối hợp. Các bộ phận chuyên môn phải phối hợp nhịp nhàng để người dân có thể kịp thời hình dung và giải quyết hồ sơ qua mạng”.
Tại Tây Hòa, thời gian qua, lãnh đạo UBND huyện này đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huyện, UBND cấp xã thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, thực hiện các dịch vụ trên môi trường mạng. Ông Phan Công Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết địa phương đặc biệt chú trọng việc rà soát, đánh giá những thủ tục hành chính (TTHC) đang còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời đề xuất, kiến nghị bổ sung, thay thế những TTHC không còn phù hợp. Trong đó tập trung chỉ đạo, đề ra giải pháp để nâng cao tỉ lệ phát sinh hồ sơ mức độ 3, 4 đạt tỉ lệ theo yêu cầu.
Tiếp tục vào cuộc quyết liệt
Theo UBND tỉnh, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương từng bước được đổi mới, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian. Các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành. 100% sở, ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% văn bản của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh gửi dưới dạng điện tử, có sử dụng chữ ký số, chứng thư số trừ các văn bản mật. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực tế trong tổng số hồ sơ nộp trực tuyến thì phần lớn do cán bộ, công chức thực hiện hộ cho người dân. Điều này đồng nghĩa, số công dân tự thực hiện DVCTT vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Chủ tịch UBND TX Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy cho biết: Nhiều người dân cho biết họ đánh giá cao những tiện ích của DVCTT, nhất là giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tránh tình trạng bị sách nhiễu. Tuy nhiên, nhiều người bước đầu tiếp cận vẫn còn khó khăn, đặc biệt những người lớn tuổi, hạn chế về công nghệ thông tin. Do đó, UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phải có những hướng dẫn cụ thể để giúp người dân từng bước tiếp cận, làm quen với loại hình dịch vụ mới nhiều tiện ích này. Đồng thời, địa phương tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
“Thực tế không hề đơn giản với những công dân lần đầu tiếp cận hoặc còn hạn chế trong sử dụng công nghệ khi thực hiện DVCTT. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tư duy và hành động từ mô hình truyền thống sang nền tảng kỹ thuật số. Do đó, để phát huy hết hiệu quả của dịch vụ này, việc tuyên truyền cần được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức để người dân tìm hiểu, nắm bắt và thực hiện”, Phó Giám đốc Sở TT-TT Lê Tỷ Khánh cho biết.
Các TTHC phải được đơn giản hóa, dễ thực hiện, dễ tiếp cận, dễ kê khai thực hiện thì người dân sẽ tham gia, mấu chốt là phải đáp ứng nhu cầu người dân. Người dân có tin tưởng vào DVCTT hay không rất quan trọng. Vì vậy, muốn người ta tin tưởng thì trước hết chính quyền phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, phải có sự tuyên truyền, hướng dẫn người dân một cách cụ thể hơn nữa.
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ |
HỒNG HƯNG