(Phản hồi của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan về phát biểu của ĐBQH Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên)
Tại Kỳ họp Quốc hội thứ tư vừa qua, ĐBQH Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã tham gia phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung liên quan đến rừng - nội dung cử tri tỉnh rất quan tâm.
Cụ thể: “Rừng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ cạnh tranh mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, năng lực quản trị và quản lý rừng yếu. Mặc dù độ che phủ rừng được duy trì ổn định, nhưng suy thoái rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng. Cách chúng ta hiểu thuật ngữ rừng phần nhiều theo nghĩa là một trảng cây chứ chưa quan tâm đầy đủ đến bản chất yếu tố hệ sinh thái. Điều đó lý giải vì sao rừng vẫn có nhưng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhiều hơn và khốc liệt hơn”.
Chuyển từ tư duy quản lý không được thì cấm sang tư duy tổ chức lại không gian phát triển cho các chủ thể tham gia thực hiện cơ chế đồng quản lý. Tôi hiểu sẽ có những khó khăn khi thay đổi cách tiếp cận như trên vì những rủi ro phát sinh, nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn với trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị từ rừng. Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan |
Mới đây, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan có nội dung phản hồi về phát biểu của ĐBQH Lê Đào An Xuân. Báo Phú Yên giới thiệu đến bạn đọc.
Đối với vấn đề rừng, chất lượng rừng, kinh phí giữ rừng, định hướng phát triển kinh tế tạo việc làm dưới tán rừng, thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý kiến phản ánh và đóng góp của đại biểu Lê Đào An Xuân là xác đáng. Tính đến ngày 31/12/2021, diện tích rừng được duy trì ở mức trên 14 triệu héc ta, tỉ lệ che phủ đạt 42%. Song, các số liệu về chỉ tiêu, kết quả báo cáo khó bao quát, thể hiện đầy đủ, sát thực về những vấn đề, tồn tại liên quan đến rừng đang diễn ra. Nhiều địa phương có rừng vẫn chưa thoát khỏi nghịch lý: diện tích rừng càng lớn, khó khăn dường như tăng lên gấp bội. Thực trạng cho thấy dù tỉ lệ che phủ vẫn được bảo đảm ổn định, nhưng chất lượng rừng bị giảm sút, gây suy giảm đa dạng sinh học, hệ lụy đến môi trường sinh thái, những hình thái thiên tai cũng có nguyên nhân từ đây. Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng chuyên trách xin nghỉ việc không còn là tình trạng cá biệt hay mang tính nhất thời.
Với tinh thần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế và cầu thị tiếp thu những đề xuất, đóng góp, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp (đã xin ý kiến thành viên Chính phủ), trong đó có điều chỉnh một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, bộ đã và đang đềxuất xây dựng các cơ chế, chính sách quy định pháp lý nhằm phát huy giá trị của rừng và huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho ngành Lâm nghiệp.
Một là, về phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, gắn với các cơ sở chế biến, hợp tác, liên kết, sản xuất theo chuỗi ngành hàng, bộ đang triển khai các đề án: Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững hiệu quả giai đoạn 2021-2030 và Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Hai là, về chi trả đối với dịch vụ hấp thụ, lưu trữ carbon rừng, bộ đã trình Chính phủ Nghị định chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cho vùng Bắc Trung Bộ. Hiện đang đàm phán chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cho khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, và sẽ tiếp tục đề xuất thí điểm ở một số khu vực khác…
Ba là, về phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án Thí điểm thuê môi trường rừng để trồng dược liệu; hoàn thiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và đề xuất xây dựng đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Bốn là, về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, bộ đang rà soát sửa đổi các chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh về các giá trị của hệ sinh thái rừng ở từng địa phương, trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, chủ rừng và toàn xã hội (Nghị định 156 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp).
“Nhà nước nhỏ - Xã hội lớn”, bên cạnh sự phân công, giao việc theo từng cấp, từ trên xuống dưới, yêu cầu cách tiếp cận khác, chủ động hơn, mở rộng hơn ngày càng mang tính cấp thiết như mô hình Cộng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, chủ thể là người nông dân, người gắn bó trực tiếp, là cộng đồng dân cư bản địa, có thể tham gia với cơ quan quản lý, để cùng chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích - được cải thiện sinh kế, đối với một diện tích có tài nguyên thiên nhiên, có rừng bao phủ. Kết quả tích cực ban đầu đã được ghi nhận qua các mô hình thực tiễn tại một số địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ thí điểm hợp tác phát triển dược liệu gắn với các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn việc gây tổn hại đến rừng.
Đây là gợi ý cho các giải pháp ổn định dân cư, tạo thêm cơ hội việc làm tại chỗ cho người dân gắn bó với quê hương. Tư duy giữ rừng cần có những định hướng khác, chính là tạo ra việc làm, sinh kế cho người dân, xem người dân là trung tâm trong việc giữ gìn, phát huy giá trị rừng, chứ không chỉ theo cách truyền thống, duy nhất là thuê mướn bảo vệ rừng với những đơn giá, định mức không đủ đáp ứng sinh kế căn bản như hiện nay.
-----------------------
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.