Thứ Bảy, 23/11/2024 04:14 SA
Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số:
Sự chuyển đổi mang tính chiến lược
Thứ Sáu, 03/12/2021 07:00 SA

Công chức, viên chức Sở Nội vụ đang thực hiện công tác số hóa hồ sơ, tài liệu. Ảnh: CTV

Xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang là xu thế phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.

 

Tại tỉnh Phú Yên, xây dựng và phát triển CQĐT, chính quyền số, tạo cho người dân thói quen sử dụng dịch vụ số được xác định là nhiệm vụ then chốt trong công tác hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Kết quả của những nỗ lực

 

Xây dựng CQĐT tại tỉnh ta được thống nhất triển khai đồng bộ và xuyên suốt trong những năm gần đây. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước có sự phát triển vượt bậc, được triển khai đồng bộ ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng sử dụng cho việc họp giao ban trực tuyến tại 18 điểm các sở, ngành và các huyện. Trung tâm dữ liệu tỉnh cơ bản đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Cổng dịch vụ công (DVC) và hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống trục liên thông, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư công vụ, hệ thống thông tin báo cáo được vận hành ổn định phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu thực tế của tỉnh, đáp ứng hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành. Trục liên thông văn bản của tỉnh hoạt động hiệu quả, tỉ lệ văn bản đi, đến của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trên môi trường mạng đạt 100%. Hiện tại, tổng số DVC trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh là 1.125 dịch vụ, trong đó: cấp tỉnh 962, cấp huyện 135 và cấp xã là 28 dịch vụ.

 

CQĐT bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát, tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí, công sức cho cả cơ quan nhà nước và người dân, tổ chức. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, CQĐT đã phát huy được tính ưu việt, hỗ trợ các hoạt động để không làm gián đoạn công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành và hạn chế việc lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

 

Còn nhiều hạn chế, khó khăn

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng CQĐT, chính quyền số tại tỉnh còn nhiều hạn chế như: Hạ tầng kỹ thuật cho cơ sở dữ liệu của tỉnh còn thiếu và yếu, hệ thống máy chủ, thiết bị mạng chưa đồng bộ, cấu hình máy chủ thấp, chưa đảm bảo yếu tố dự phòng và an toàn an ninh thông tin, chưa đảm bảo cơ chế hoạt động dự phòng 24/7 các ứng dụng của tỉnh trong trường hợp có sự cố xảy ra. Một số sở, ngành, địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng và triển khai các nội dung chuyển đổi số, triển khai các ứng dụng, các cơ sở dữ liệu để liên thông, chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm. Bộ tiêu chí chuyển đổi số của Bộ TT-TT chưa được các đơn vị, địa phương quan tâm đúng mức…

 

Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index) năm 2020, Phú Yên xếp 52/63 tỉnh, thành trực thuộc trung ương về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT, cụ thể: Chỉ số Hạ tầng kỹ thuật xếp hạng 53/63, Hạ tầng nhân lực xếp hạng 39/63, Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước xếp hạng 16/63, DVC trực tuyến xếp hạng 62/63. Qua đánh giá cho thấy có sự quan tâm triển khai ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước; mức độ sẵn sàng cung cấp DCV trực tuyến ngày càng nâng cao: tỉ lệ dịch vụ công mức 4 trên tổng số DCV năm 2020 là 6,3%, năm 2021 ước đạt 57,76%. Tuy nhiên, hạ tầng và nguồn nhân lực còn hạn chế, nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về kỹ năng tiếp cận công nghệ; việc khai thác sử dụng các DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn thấp, tỉ lệ các DCV chưa đủ điều kiện lên mức 4 trên tổng số DVC là 42,24% tương đương 781 thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh là 594, cấp huyện là 85 và cấp xã là 102 thủ tục; người dân, doanh nghiệp còn chưa sẵn sàng trong việc thực hiện DVC trực tuyến;…

 

Cần hành động nhanh, đồng bộ và quyết liệt

 

Thực tế trên đặt ra nhiều thách thức trong thời gian tới yêu cầu phải hành động nhanh để khắc phục những hạn chế, thu hẹp khoảng cách, tránh tụt hậu và bắt kịp sự chuyển đổi mạnh mẽ, đảm bảo sự vận hành hiệu quả trong tình hình mới.

 

Tỉnh xác định mục tiêu tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển CQĐT, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp DVC cho người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu Cổng DVC của tỉnh với Cổng DVC quốc gia; 80% các hệ thống thông tin của sở, ban ngành, địa phương của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại. Hoàn thành việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. 100% cuộc họp của UBND tỉnh và 80% cuộc họp UBND cấp huyện được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc đối với các cuộc họp của UBND. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

 

Xác định tầm quan trọng phải hình thành “công dân điện tử” để xây dựng thành công CQĐT, tỉnh cũng đã đề ra những mục tiêu về xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng CNTT để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ số. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 80% dân số sử dụng internet; 100% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến cấp xã.

 

Thời gian tới, Phú Yên nâng cao quyết tâm, tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện hành lang pháp lý về hỗ trợ xây dựng, phát triển CQĐT và chính quyền số trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và đặc điểm, tình hình của tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức đủ năng lực làm chủ công nghệ. Phát triển hạ tầng số của tỉnh đáp ứng nhu cầu triển khai CQĐT hướng đến chính quyền số, phát triển nền tảng và hệ thống số, kết nối với hệ thống quốc gia. Phát triển dữ liệu số, phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ và xây dựng, phát triển đô thị thông minh.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh đang làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động mạnh mẽ đến phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước. Xây dựng và phát triển CQĐT, chính quyền số là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng bộ quyết liệt triển khai thực hiện ở các cấp, ngành, địa phương; kịp thời nắm bắt chuyển giao công nghệ, chuyển thách thức thành cơ hội, tạo bứt phá thực sự mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

 

TRƯƠNG NGỌC TUẤN

Giám đốc Sở Nội vụ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek