Quán triệt chủ trương của Đảng về cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ đột phá để phát triển đất nước, CCHC gắn với cải cách tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Phú Yên quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh giản đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.
Thu gọn đầu mối, giảm số lượng công chức, viên chức
Ngày 5/3/2018, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 53-KH/TU, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Qua triển khai đã đạt được một số kết quả nhất định như: đã giảm 28 phòng thuộc sở, chuyển 3 chi cục thành phòng, giảm 2 phòng thuộc đơn vị trực thuộc sở. Theo đó, giảm 54 lãnh đạo cấp phòng thuộc sở và 2 lãnh đạo cấp phòng thuộc đơn vị trực thuộc sở; giảm 9 phòng chuyên môn cấp huyện.
Ngày 11/4/2018, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 58-KH/TU về việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua rà soát, hợp nhất 3 ban quản lý chuyên ngành trực thuộc UBND tỉnh. Theo đó, giảm 1 cấp trưởng, 2 cấp phó; sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 458 đơn vị sự nghiệp, giảm 127 đơn vị so với năm 2017; trong đó, cấp tỉnh giảm 19 đơn vị, cấp huyện giảm 108 đơn vị.
Qua sắp xếp, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương từng bước được đổi mới, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, tránh sự trùng lắp về nhiệm vụ, giảm nhiều đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng tổ chức và lãnh đạo, quản lý cấp phòng khối chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp. Việc tinh giản biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 của Trung ương. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đã đi vào thực chất gắn với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, phân loại, đánh giá, rà soát và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực cung ứng dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập được nâng cao, nguồn lực đầu tư cho đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng hiệu quả hơn.
Mặc dù đạt những kết quả bước đầu, tuy nhiên trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tại tỉnh còn tồn tại một số hạn chế như: Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn chậm. Nguyên nhân là do một số bộ, ngành Trung ương chưa ban hành sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của sở, ngành, chuyên môn. Việc chuyển đổi cơ chế tự chủ, tự cân đối thu chi, đổi mới cơ chế hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn; đẩy mạnh xã hội hóa ở một số ngành, lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, thể thao... chưa có sự chuyển biến tích cực. Một số chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan sau khi hợp nhất, chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ giữ chức danh đồng thời còn chưa đồng bộ...
Khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định CCHC là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Và một trong những nhiệm vụ cốt lõi là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính cho các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích, tạo điều kiện, thiết lập môi trường hoạt động bình đẳng, cạnh tranh cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 là phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định; giảm tối thiểu 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp của tỉnh hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đến năm 2030, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện theo quy định pháp luật; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian; tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp của tỉnh hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.
Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, Phú Yên quyết tâm đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị; sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật. Tập trung điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quy định. Nghiên cứu thí điểm các mô hình tổ chức mới. Thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm. Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của cơ quan hành chính các cấp trên môi trường số, tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, các cuộc họp không giấy tờ.
Hai là, tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa UBND tỉnh với các sở, ban ngành tỉnh và UBND cấp huyện; giữa lãnh đạo cấp sở, ngành và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cấp sở, ngành gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, ngành. Đồng thời bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân cấp và đảm bảo kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong thực thi các nhiệm vụ đã phân cấp. Ban hành và tổ chức thực hiện tốt quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Phú Yên đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp để tinh gọn bộ máy, phù hợp thực tiễn, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình hành động 12-CTr/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 của tỉnh. |
TRƯƠNG NGỌC TUẤN
Giám đốc Sở Nội vụ