Với quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, hơn 10 năm qua, Phú Yên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cải cách tổ chức bộ máy hành chính (BMHC).
Bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và xem xét phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, UBND tỉnh đã tổ chức rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tiến hành sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Giai đoạn 2011-2020, việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, đã nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
Giảm đầu mối, hoạt động hiệu quả
Theo UBND tỉnh, căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND; các nghị định của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cụ thể và chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, đề án… triển khai thực hiện chặt chẽ, tiến độ đúng quy định, tập trung rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, rõ ràng, phù hợp với đặc điểm, tình hình cơ quan, đơn vị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung 17/18 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ngành. Theo đó, giảm 28 phòng thuộc sở, 54 lãnh đạo cấp phòng; thực hiện hợp nhất 3 ban quản lý chuyên ngành trực thuộc UBND tỉnh; giảm 9 phòng chuyên môn cấp huyện…; biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý chặt chẽ, đúng quy định…
Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn cho biết: “Tỉnh tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan của tỉnh đảm bảo tinh gọn, đúng quy định của Chính phủ. Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp; điều chỉnh đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thuộc Văn phòng HĐND tỉnh và các sở: GD-ĐT, TT-TT, Y tế; thành lập, kiện toàn 19 ban chỉ đạo để kịp thời triển khai các nhiệm vụ của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Hữu Từ, việc cải cách tổ chức BMHC được huyện đặc biệt quan tâm. Theo đó, huyện thường xuyên tiến hành rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của các cơ quan chuyên môn; kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị, trực thuộc; ban hành Quy định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức huyện, đồng thời triển khai đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện. Qua đó, BMHC ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Còn theo Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc, vừa qua, HĐND tỉnh đã tiến hành hợp nhất hai văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thành một đã giúp cho bộ máy hoạt động của cơ quan dân cử thu về một mối, tinh gọn hơn. Theo đó, đảm bảo công việc tham mưu, giúp việc ngày càng thuận lợi hơn.
Cùng với sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, tỉnh cũng đã quyết liệt sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước đã được phân cấp khá mạnh theo đúng quy định. Đồng thời tập trung cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.
“Để đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý có hiệu quả trước những ảnh hưởng tiêu cực, tham nhũng; dành nhiều thời gian, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, vấn đề khó có tính phức tạp, những vấn đề trọng điểm có tính quyết định đến sự phát triển của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. UBND cấp huyện đã đẩy mạnh việc phân cấp, quy hoạch, bố trí sắp xếp lại cán bộ, công chức theo chức danh, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo cải tiến lề lối làm việc. Nhìn chung, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên môn sau khi sắp xếp, kiện toàn hoạt động ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, tham mưu kịp thời cho UBND trên các lĩnh vực giúp UBND tỉnh, huyện triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh”, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện BMHC
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách BMHC trong quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn, hạn chế. Chính vì vậy, để trong giai đoạn mới 2021-2030 phát triển đúng trọng tâm, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể.
Theo UBND tỉnh, trước tiên Chính phủ, các bộ, ngành, cần nghiên cứu ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể việc thực hiện sắp xếp về tổ chức bộ máy của các đơn vị hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, để các địa phương có cơ sở rà soát, kiện toàn, sắp xếp thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Sắp xếp tổ chức, đổi mới hoạt động BMHC theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhất là về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, phân biệt quản lý nhà nước tại đô thị và nông thôn; kết hợp rà soát tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị gắn liền với rà soát biên chế, số lượng người làm việc. Tăng cường phân cấp quản lý hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt trong công tác quản lý tài chính, đầu tư công và quản lý dịch vụ, hạ tầng đô thị.
“Đổi mới theo hướng khoa học về cách thức xác định biên chế và quản lý biên chế, gắn việc xác định biên chế với việc xây dựng vị trí việc làm, xác định số lượng người làm việc. Quản lý chặt chẽ biên chế, số người làm việc theo vị trí việc làm được phê duyệt. Đổi mới tổ chức, hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập cần tập trung thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp: Quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện cơ chế tài chính và thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời, tách nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước và chuyển một số dịch vụ công sang doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công lập, đặc biệt là giáo dục, y tế. Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đặt hàng, đấu thầu dựa trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ đơn vị cung cấp mà không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập nhằm tạo cạnh tranh lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm cho các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập phát triển bình đẳng”, đồng chí Trần Hữu Thế cho biết.
Cơ cấu tổ chức bộ máy được sắp xếp sẽ góp phần xây dựng một bộ máy tinh gọn, hợp lý, tương xứng với chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của mỗi cơ quan; quy định rõ tính chất và các loại hình tổ chức trực thuộc để tham mưu và thực thi pháp luật.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
PHẠM THÙY