Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) đóng vai trò rất quan trọng trong cải thiện chỉ số cải cách hành chính. Kiểm soát TTHC hiệu quả sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức.
Thời gian qua, công tác kiểm soát TTHC luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên. Hoạt động kiểm soát TTHC dần đi vào nề nếp, ổn định, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Chuyển biến tích cực
Xác định hoạt động kiểm soát TTHC là một trong những biện pháp góp phần cải cách hành chính, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã kịp thời công bố, cập nhật TTHC sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời tăng cường kiểm tra quy trình, kết quả giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp; tổ chức đánh giá việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa; tăng cường trách nhiệm giải trình trong tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức về quy định hành chính. “Qua đó đã rút ngắn 30% thời gian giải quyết đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ban”, bà Nguyễn Vũ Tố Quyên, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho biết.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn, với quyết tâm tiếp tục đổi mới trong công tác lãnh đạo, điều hành của UBND huyện, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, công tác kiểm soát TTHC tiếp tục chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, ổn định, đem lại hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ dịch vụ công ngày càng được nâng cao thông qua thực hiện và duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông với các TTHC được cải cách theo hướng nhanh, gọn, đơn giản, dễ thực hiện. Đồng thời kết hợp với thái độ phục vụ tận tình, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ công tác, đem đến sự hài lòng cho người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhìn nhận: Các cơ quan, đơn vị đã và đang triển khai việc tiếp nhận hồ sơ TTHC qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, dịch vụ bưu chính công ích, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giúp tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát hồ sơ của mình. Các cơ quan nhà nước kiểm soát được quá trình giải quyết công việc tại đơn vị. Cán bộ, công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã có trình độ chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc.
Tập trung khắc phục hạn chế
Cũng theo đồng chí Lê Tấn Hổ, thời gian qua, tỉnh đã chủ động kiểm soát chặt việc ban hành mới các TTHC theo quy định; chủ động rà soát, cắt giảm và nâng cao chất lượng TTHC trên nhiều lĩnh vực, nhất là TTHC liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở TTHC được công bố, tỉnh đã tiến hành địa phương hóa, cập nhật và công khai kịp thời, đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng thời gian quy định. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện, bảo đảm đúng quy định. Công tác kiểm tra việc kiểm soát TTHC được quan tâm, chỉ đạo và giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành thực hiện kiểm tra TTHC tại UBND các huyện, xã trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, các bộ, ngành Trung ương nhập liệu TTHC đã công bố lên Cổng dịch vụ công quốc gia có lúc còn chậm nên địa phương gặp khó khăn trong việc công bố, công khai TTHC; một số TTHC công khai khác so với nội dung công bố. Các sở, ban ngành trình công bố TTHC ở một số lĩnh vực còn chậm, còn nhiều hồ sơ TTHC giải quyết trễ hẹn nhất là trong lĩnh vực đất đai; số hồ sơ trực tuyến mức độ 3 rất ít.
Đồng chí Lê Tấn Hổ cho biết để công tác kiểm soát TTHC ngày càng đi vào quỹ đạo chung, tỉnh đã đề ra rất nhiều giải pháp: Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị; kịp thời công bố TTHC, quy trình nội bộ giải quyết TTHC của các sở, ban ngành; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; tổ chức tập huấn cho cán bộ đầu mối nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC. Đồng thời chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến cải cách TTHC; đẩy mạnh truyền thông về kiểm soát TTHC, thực hiện tốt việc trả lời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; bổ sung các tính năng tiện ích để nâng cao hiệu quả sử dụng của cổng dịch vụ công và hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, nhất là kết nối liên thông với các phần mềm chuyên ngành dùng chung của các bộ, ngành Trung ương để triển khai hiệu quả, thực chất dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh…
“UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng các quy chế liên thông trong giải quyết TTHC đối với nhóm TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan theo phương châm: Người dân, doanh nghiệp chỉ phải đến một nơi duy nhất và nộp hồ sơ một lần để đề nghị cơ quan nhà nước giải quyết cùng một nội dung công việc nhưng có quy định nhiều hơn một TTHC”, đồng chí Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.
PHẠM THÙY