Thứ Năm, 02/05/2024 01:47 SA
Chuyện về hai người bạn:
BÀI CUỐI: Một con người nhân hậu
Thứ Tư, 09/09/2015 13:00 CH

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (người mặc áo khoác, bên trái) họp bàn với Ban Chuyên án F101 tại Đà Lạt (người thứ hai bên phải là đại tá Vũ Linh) (ảnh do gia đình cung cấp)

Đại tá Vũ Linh đã đi qua ba cuộc chiến - chống Pháp, chống Mỹ và sau này là cuộc chiến chống Fulro. Ở cuộc chiến nào và trên bất kỳ trận tuyến nào, ông cũng đều đặt sự nhân hậu lên hàng đầu. Ông có câu nói khá nổi tiếng: “Ở đời, nợ gì cũng trả được, nhưng nợ máu thì khó trả lắm. Bởi vậy, chúng ta, nhất là người làm cách mạng, cần tránh hiếu sát!”.

 

Một học viên trường an ninh nói với tôi: “Trong trường, Chuyên án F101 giải quyết vấn đề Fulro Tây Nguyên với vai trò đặc biệt của cụ Vũ Linh được dạy đến 60 tiết. Trong 60 tiết ấy, chúng tôi cứ ngồi há hốc mồm mà nuốt từng lời của giảng viên. 60 tiết mà vẫn cứ thòm thèm! Và, cái “trục” của 60 tiết ấy chính là sự nhân hậu, là việc lấy vận động như chủ trương của Đảng ta trong giải quyết vấn đề Fulro làm chính!”.

 

CUỘC ĐỐI ĐẦU LỊCH SỬ

 

Sau năm 1975, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (và cả vùng núi của một số tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...) nổi lên vấn đề Fulro. Sau một vài năm có thể nói là “xử lý tạm thời”, đến năm 1979, một chuyên án mang mật danh “Cao nguyên F101” nhằm giải quyết triệt để vấn đề Fulro đã được thiết lập. Trong chuyên án này, Công an tỉnh Lâm Đồng đóng vai trò chủ chốt. Ông Vũ Linh lúc đó là Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng được giao nhiệm vụ Phó ban Chuyên án trực; sau đó, khi lên làm Giám đốc Công an tỉnh, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ Phó ban trực cho đến khi kết thúc Chuyên án F101.

 

Nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng Vũ Linh (ngoài cùng bên phải) trong giờ giải lao tại một kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (ảnh do gia đình cung cấp)

 

Hôm trước khi về Phú Yên thăm cụ Vũ Linh, tôi và một số đồng nghiệp đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Độ - một sĩ quan (lúc triển khai Chuyên án F101 là trung úy) chuyên về lĩnh vực chống gián điệp và là chuyên trách về chống Fulro, sau đó là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng mang hàm đại tá, hiện đã nghỉ hưu. Ông Nguyễn Văn Độ nhớ lại: “Trong hai năm 1979-1980, khi ta bắt đầu triển khai Chuyên án F101 thì Thủ tướng Fulro lúc bấy giờ là Y Ghơk Niê Kđăm đang ở Campuchia, dựa lưng Pôn Pốt để tìm đường ra nước ngoài - sang nước thứ ba; mọi công việc trong nước của Trung ương Fulro đều do Đệ nhất Phó thủ tướng Naria Ja Duck điều hành. Lúc đó, về lý thuyết, điều hành Trung ương Fulro còn có Paul Yưh, một người Ê Đê ở phía bắc Tây Nguyên, là Đệ nhị Phó thủ tướng Fulro, phụ trách an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, theo nguồn tin của trinh sát báo về thì mọi việc của Trung ương Fulro đều nằm trong tay Naria Ja Duck, bởi không những vị trí, vai trò của ông lớn hơn (là Đệ nhất Phó thủ tướng phụ trách chính trị - ngoại giao) mà uy tín và cả thực lực quân sự của ông cũng cao hơn nhiều so với Đệ nhị Phó thủ tướng Paul Yưh. Bởi vậy, khi triển khai chuyên án mang mật danh Cao nguyên F101, ta xác định Naria Ja Duck là mục tiêu cao nhất”.

 

Một lần ở nhà anh Ja Duck, tôi nhận ra ông lắng giọng khi nhớ lại chuyện cũ: “Ngày ấy, nói gì thì nói, tôi đường đường là một thủ lĩnh Fulro. Dưới góc độ khác, tôi là người hết lòng yêu thương buôn làng và dẫu sao thì cũng là người đã chọn cho mình một con đường để phấn đấu cho lý tưởng Tây Nguyên, là giải phóng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, dẫu sau này tôi biết rằng con đường mà mình chọn là sai, nên việc thuyết phục tôi không dễ dàng đâu! Nhưng rồi, bằng chính tấm lòng của anh Vũ Linh, chính từ sự khoan hồng và bao dung của những người mà tôi từng xem là đối thủ của mình, tôi đã nhận ra nhiều điều...”. Thật vậy, hôm ở nhà ông Nguyễn Văn Độ, tôi nghe ông kể lại: “Những ngày đầu tiên đưa ông Naria Ja Duck cùng 9 thuộc hạ về theo chiến dịch câu nhử “hùm xám” ra khỏi hang, tại biệt thự Đời Tân (nhà khách Công an Lâm Đồng) vào giữa tháng 8/1980, ta tốn rất nhiều công sức mới thuyết phục được ông ấy. Ban đầu, ông ấy bảo: “Tôi bây giờ đã trong tay các ông, các ông muốn xử sao tôi cũng chấp nhận, kể cả xử tử”. Lúc ấy, ông Ja Duck tự xem mình là một tù binh của cộng sản. Rồi, ông Ja Duck nói tiếp: “Nhưng, các ông bắt tôi phản bội đồng đội, phản lại đồng tộc của mình thì không bao giờ...”. Nhớ lại chuyện này, nguyên Đệ nhất Phó thủ tướng Fulro Naria Ja Duck nói: “Những ngày đầu “rơi vào tay cộng sản”, chuyện bất hợp tác của tôi suy cho cùng cũng là điều không quá khó hiểu. Trong những ngày đầu ấy, thậm chí có lúc tôi còn... tranh luận với cả ông Vũ Linh. Tôi nói với ông công an thường có nụ cười thâm thúy ấy rằng: “Fulro là con đường do tôi tự chọn. Con đường ấy có thể đúng, có thể sai; nhưng, điều mà tôi muốn nhấn mạnh đó là, con đường mà tôi chọn vẫn nhằm đi đến mục đích cuối cùng là giải phóng các dân tộc Tây Nguyên, để mang lại cơm no áo ấm cho bà con. Như vậy, ngay từ lúc gia nhập hàng ngũ Fulro hồi nửa cuối năm 60 thế kỷ trước, tôi tự cho mình cũng là người làm cách mạng, nhưng theo cách của tôi”.

 

KHI NHÂN ÁI ĐƯỢC ĐỀ CAO

 

Cụ Vũ Linh nhớ lại: “Nghe Ja Duck “triết lý”, tôi chỉ cười thôi chứ không muốn tranh luận. Vì thú thật, tôi “nghiên cứu” ông ấy khá kỹ nên hiểu khá kỹ về vị Đệ nhất Phó thủ tướng Fulro gốc người Churu Lâm Đồng này. Và cũng thú thật là tôi rất tôn trọng tấm lòng yêu thương của ông ấy đối với đồng tộc của mình, đối với Tây Nguyên...”. Đệ nhất Phó thủ tướng Fulro Naria Ja Duck cũng nhớ lại: “Các vị biết không, lúc “liều” tranh luận với cụ Vũ Linh điều này, tôi cứ tưởng sẽ nhận được một cái đập bàn nảy lửa; nhưng vị cán bộ công an “bên kia chiến tuyến” của tôi vẫn điềm tĩnh mỉm cười và giải thích: “Xét trên một phương diện nào đó thì nó là cách mạng, nhưng con đường mà anh chọn là sai rồi, anh Ja Duck à... Vẫn có con đường khác để anh làm cách mạng, đó là con đường hợp tác với chúng tôi để đưa anh em Fulro lầm đường đang trong rừng sâu đói khát trở về với buôn làng, với đồng tộc, để xây dựng cuộc sống mới...”. Và thú thật, tôi đã rất bất ngờ...”.

 

Nghe hai người từng ở hai chiến tuyến “dốc ruột gan” sau chuyện xảy ra đã mấy mươi năm, tôi hiểu ra vì sao một ông tình báo cộng sản đã khiến một ông thủ lĩnh lực lượng Fulro từng làm mưa làm gió nơi đại ngàn một thuở tâm phục khẩu phục! Và, phần nào đó tôi cũng hiểu được vì sao hai kẻ đối địch ấy về sau trở thành “người anh em” chung một nhà như hai ông vẫn nói!

 

Nghe hai ông “dốc ruột”, khó tin rằng họ là hai con người từng ở hai chiến tuyến. Ngay cả tôi, lần đầu tiên chứng kiến hai con người này gặp nhau ở Phú Yên, mặc dầu “mang tiếng” là người quen với cả hai ông từ lâu nhưng chưa một lần chứng kiến cảnh gặp gỡ của họ, tôi cũng... khó tin. Lúc anh Ja Duck sang phòng bên, nhân lúc cụ bà “hòn vọng phu” Nguyễn Thị Điểm rót nước mời khách, tôi tiếp tục hỏi cụ: “Lúc nãy bác nói là đêm đêm phải nấu cháo gà, cháo vịt hay một món gì đó cho mấy ông Fulro. Vậy, hồi đó, bác có... sợ mấy ổng không?”. Cụ bà hiền lành: “Sợ gì chớ! Mình mang đồ ăn lên cho mấy ổng mà! Hồi đó, nghe nói Fulro, tôi cũng chỉ biết vậy thôi chớ làm gì biết ông này là... phó thủ tướng. Mãi sau này, ông nhà tui giảng giải, tui mới dần hiểu ra. Còn hồi đó, tui là “hậu cần” của ông nhà mà! Mà, nghĩ lại, cũng thiệt là... vui: Nhà thì không đủ gạo cơm, nuôi được con gà con vịt, ông nhà tui bắt nấu cháo đưa lên cho ông Ja Duck. Từ Phú Yên, tui vẫn cứ một mình lo toan chuyện nhà vì ông nhà đi công tác suốt. Ấy là đôi lúc tủi thân nghĩ vậy thôi, chứ thực sự là ông nhà tui “chỉ huy” hết mọi thứ trong gia đình...”.

 

Anh Ja Duck cười mà rơm rớm: “Nói thật với chị, lúc đầu, tôi cứ nghĩ chị làm theo nghĩa vụ của một nữ cán bộ công an cộng sản nên mấy bữa cháo gà đầu tiên, tôi rất khách sáo. Sau dần, tôi biết chị là bà xã của anh Vũ Linh, tôi càng nể phục anh ấy, nể phục chị. Bây giờ, nói thêm một lời cảm ơn cũng không đủ đâu, chị à...! Không có anh ấy...”. Anh Ja Duck lại bỏ lửng câu nói. Nhưng, tôi càng thêm hiểu điều mà anh Ja Duck muốn nói. Tôi chắc chắn tin rằng đó là câu nói được xuất phát tự đáy lòng chân thật nhất của anh! Phía nhà trên, cụ Vũ Linh đang lên cơn ho - cơn ho không chỉ bởi tuổi già... Tôi thấy ông Ja Duck nhấp nhỏm trên ghế và quay nhìn lên nhà trên... Bên ngoài, đất trời Phú Yên hiền đến lạ!

 

KHẮC DŨNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek