Tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc sẵn có, cùng với chính sách “tam nông”, xây dựng nông thôn mới (NTM) của Ðảng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nông thôn, du lịch cộng đồng. Và thực tế, những sản phẩm OCOP du lịch đã và đang thu hút du khách.
Các em học sinh tham quan trải nghiệm tại điểm đến Sông Ba Farm ở làng rau Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa). Ảnh: QUỲNH MAI |
Trong câu chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh, cũng như phát biểu tại diễn đàn của Chính phủ bàn giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Trên bản đồ các loại hình du lịch Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang có một vị trí quan trọng.
Cần có tư duy mới về du lịch nông nghiệp, coi đây là sức sống của cộng đồng, bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy, tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của chúng ta rất lớn. Nếu các công ty, tập đoàn du lịch biết hỗ trợ, những người nông dân nỗ lực hơn nữa thì tôi nghĩ rằng sẽ tạo ra kỳ tích!
Xu thế
Du lịch nông nghiệp xuất hiện từ rất sớm. Khách du lịch nông nghiệp sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng, thu hoạch nông sản, tìm hiểu về động thực vật hoặc tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp.
Hái rau sạch ngay trong vườn phục vụ cho bữa ăn khách lưu trú ở Mộc Miên - Rocky Garden. Ảnh: QUỲNH MAI |
Những năm trở lại đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch đã dịch chuyển mạnh từ các loại hình du lịch hưởng thụ, xa xỉ ở các trung tâm trở về cuộc sống nông thôn bình dị, yên ả bên ruộng đồng, dòng sông, ao cá, vườn đồi với không khí trong lành, nhịp sống chậm rãi…
Theo TS Nguyễn Quốc Hưng, Viện Kinh tế - Văn hóa, du lịch nông thôn, sinh thái là xu thế ngay hiện tại và tương lai. Phát triển loại hình này cần theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị: sử dụng hiệu quả và phát huy giá trị truyền thống, gắn với môi trường sinh thái, tạo không gian đổi mới, sáng tạo, sản phẩm mới, xanh và bền vững, đưa du khách về với thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa.
Tiềm năng
Có thể nói không ngoa rằng: Phú Yên là một Việt Nam thu nhỏ, có rừng núi - đồng bằng - sông ngòi - biển cả; cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa với chiều sâu trầm tích vô cùng quý giá; nền kinh tế chủ đạo vẫn là nông nghiệp, dân số nông thôn chiếm 67,3%… Ðó chính là tiềm năng, thế mạnh, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ông Nguyễn Ðức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Phú Yên), cho rằng nếu liệt kê những thế mạnh và tiềm năng của tỉnh để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là rất nhiều. Tuy nhiên, có thể nói ngắn gọn, đó là: Phú Yên có núi - sông - đồng - biển.
Bữa ăn gồm bánh xèo và các loại bánh dân dã miền quê ở Homestay Mộc Miên - Rocky Garden - sản phẩm OCOP 4 sao về du lịch đầu tiên của tỉnh. Ảnh: QUỲNH MAI |
Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cho phát triển nông, lâm nghiệp, có bờ biển dài gần 200km với nhiều đảo nhỏ, đầm, vịnh để phát triển các loại hình du lịch biển gắn với khai thác hải sản và làng nghề như mắm, hải sản khô. Phú Yên có vị thế là đầu mối giao thông quốc gia, có sân bay, có các trục giao thông quan trọng (đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ nối các tỉnh Tây Nguyên, đường biển, đường sắt và hệ thống giao thông nội tỉnh).
Ðặc biệt, vùng đất Phú Yên mang trên mình nhiều di sản văn hóa đặc sắc, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận (bài chòi), 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh, 4 di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…
“Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững”, ông Thắng nói.
Và OCOP du lịch
Du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng đang được người dân tiếp cận và tham gia mạnh mẽ. Những làng nghề truyền thống, làng quê chuyên canh, làng văn hóa du lịch... được cơ quan chuyên môn, cấp chính quyền định hướng đầu tư, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch thu hút khách tham quan, trải nghiệm.
Khách du lịch tham quan, trải nghiệm mô hình rau thủy canh, sản phẩm OCOP 3 sao từ nông nghiệp công nghệ cao ở BB Farm (huyện Sơn Hòa). Ảnh: QUỲNH MAI |
Một ngày làm nông dân ở Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa), một đêm ngủ lại các homestay ven biển để sáng ra chung nhịp sống tấp nập của ngư dân đón thuyền cập bến; hay bên bếp lửa thiêng, say nhịp cồng chiêng với đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), thôn Xí Thoại (huyện Ðồng Xuân); check-in vườn cây đỏ cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa)…, để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách. Nhiều hộ nông dân, vùng quê đã thay da đổi thịt nhờ làm du lịch.
Anh Nguyễn Quốc Hội, chủ nhân vườn cây đỏ Bốn Bình vui vẻ nói: “Từ ngày khách du lịch đến, làng quê miền núi này nhộn nhịp hẳn lên. Chúng tôi đầu tư chăm chút những cây đỏ trĩu quả, bài trí lại vườn tược, điểm dừng chân, các tiểu cảnh, chòi mái lá để phục vụ khách những bữa cơm đậm đà hồn đất, tình người”.
Anh Trần Ngọc Chí Tâm, diễn viên trong đoàn làm phim “Ngày xưa có một chuyện tình”, quay bối cảnh chính ở Phú Yên, chia sẻ: “Tôi có may mắn khi quê ngoại tôi ở vùng đất này. Lần này cùng đoàn làm phim về quê, tôi cùng vợ mới cưới có những trải nghiệm thú vị về các điểm đến từ những ngôi làng ven biển, đồng quê đến miền núi. Tôi thấy nơi nào cũng đẹp, có thể hình thành các điểm du lịch, níu chân du khách”.
Với mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách bài bản, bền vững, tỉnh đã ban hành kế hoạch “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng, từ chương trình này đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch mang lại hiệu quả bước đầu. Sản phẩm du lịch cộng đồng được trao chứng nhận OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh là “Du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Mộc Miên Rocky Garden (HTX Nông nghiệp - Du lịch cộng đồng An Mỹ)”; và nhiều điểm du lịch tham gia Chương trình OCOP sẽ được công nhận thời gian tới, qua đó góp phần hình thành bức tranh đa màu sắc cho ngành Du lịch.
“Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP và xây dựng NTM đã mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng nông thôn”, ông Tùng nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Du lịch cộng đồng An Mỹ cho biết: “Rất tự hào khi du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa của Mộc Miên Rocky Garden là sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận 4 sao. Mộc Miên đang áp dụng mô hình làm nông nghiệp và cuộc sống người nông dân để du khách trải nghiệm. Buổi sáng du khách thức dậy khi nghe tiếng gà gáy, tắm biển, làm vườn, ăn bữa ăn đậm vị đồng quê, ngủ trong nhà cấp 4 (nhưng phòng thì 5 sao) ngay giữa không gian làng mạc. Mộc Miên tiếp tục phát triển và đưa vào khai thác điểm du lịch Thác Jrai Tang (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh), cũng là một sản phẩm du lịch nông thôn”.
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, HTX đã và đang chọn loại hình du lịch nông nghiệp, lấy không gian thiên nhiên, núi rừng, đồng ruộng, làng chài ven biển, đặc trưng văn hóa cộng đồng bản địa làm yếu tố chủ đạo thu hút du khách, như: HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (BB Farm - Sơn Hòa), Sông Ba Farm ở ngay làng rau Ngọc Lãng, ven Sông Ba (TP Tuy Hòa) với các khu nhà vườn trồng rau sạch công nghệ cao, vườn hoa check-in, nhà hàng tròn mái lá, khu dã ngoại và các món ăn đậm đà chất quê…
QUỲNH MAI