Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm 2023 vừa được tổ chức với nhiều hoạt động tại Riyadh, Vương quốc Ả rập Xê út, nêu bật nhu cầu thiết yếu trong đầu tư các dự án phục vụ con người, hành tinh và thịnh vượng.
Ngày Du lịch thế giới năm 2023 có chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh”. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xác định đầu tư là một trong những ưu tiên chính để phục hồi, tăng trưởng và phát triển du lịch trong tương lai.
Đầu tư cho hôm nay và tương lai
Với chủ đề năm nay, UNWTO nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư xanh cho du lịch, cũng chính là hướng đến phục vụ nhiều hơn cho con người (thông qua đầu tư vào giáo dục và kỹ năng), cho hành tinh (thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và thúc đẩy chuyển đổi xanh) và cho sự thịnh vượng (thông qua đầu tư vào đổi mới, công nghệ và khởi nghiệp).
Năm 2023 là năm thứ hai sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn phục hồi. Nếu như trong đại dịch COVID-19, du lịch là ngành bị ảnh hưởng, tổn thương nặng nề nhất, thì ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch cũng chính là ngành phục hồi và có mức tăng trưởng tốt nhất. Tổ chức Du lịch thế giới cho rằng, đây là dịp để xác định và điều chỉnh lại phương hướng, cách thức đầu tư vào du lịch nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững. Để quá trình phục hồi và phát triển của du lịch được bền vững, yêu cầu tất yếu là phải quan tâm mạnh mẽ hơn nữa việc đầu tư.
Du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của các quốc gia trên thế giới. Du lịch tạo cơ hội nâng cao thu nhập, dịch vụ xã hội cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đầu tư xanh để thúc đẩy hoạt động du lịch bền vững là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống (vật chất và tinh thần) cho người dân.
UNWTO khẳng định: “Sự cần thiết phải thực hiện các dự án đầu tư truyền thống và phi truyền thống với định hướng tốt hơn dành cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng, để du lịch có thể mang lại cơ hội cho con người, nâng cao khả năng chống chịu, tăng tốc hành động chống biến đổi khí hậu và nâng cao tính bền vững cho hành tinh cũng như mang lại sự thịnh vượng toàn diện xung quanh các trụ cột về đổi mới và khởi nghiệp”.
Cụ thể là đầu tư để phát triển du lịch bền vững cần hướng tới việc tối ưu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, tái tạo năng lượng. Đối với tài nguyên nhân văn, cần đầu tư phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng tính xác thực về văn hóa, bảo tồn giá trị truyền thống, đóng góp vào sự hiểu biết và khoan dung giữa các nền văn hóa.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di sản địa chất và văn hóa (Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản ứng dụng), di sản văn hóa là một dạng tài nguyên quý, hầu hết là không thể tái tạo. Vì vậy không có cách nào khác hơn là phải bảo tồn, đồng thời phát huy giá trị để phục vụ cho mục tiêu con người và sự thịnh vượng của hành tinh. Phú Yên có rất nhiều thế mạnh về nguồn tài nguyên này.
Du khách hòa mình với thiên nhiên ở điểm du lịch sinh thái thác Jrai Tang (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh). Ảnh: MỘC MIÊN |
Bảo vệ môi trường, phát huy giá trị di sản văn hóa
Theo khảo sát thị trường về nhu cầu du lịch của du khách do Q&Me - dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam công bố, xu hướng của khách du lịch phần lớn tìm đến thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa bản địa.
Đầu tư xanh cho mục tiêu phát triển du lịch, có thể hiểu là đầu tư giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh du lịch thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; thân thiện, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội; quản lý công ty minh bạch và bền vững.
Như vậy có thể thấy, đầu tư xanh cho phát triển du lịch không chỉ là lời kêu gọi của UNWTO cho chủ đề năm 2023, mà nó còn có giá trị, ý nghĩa trong tương lai vì sự phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, phát triển bền vững, phát triển xanh luôn là một định hướng quan trọng trong các chiến lược, đề án của ngành Du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng: “Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Đối với Phú Yên, chủ trương, định hướng phát triển du lịch xanh cũng được ghi rõ trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Trong đó, khẳng định mục tiêu: Phát triển du lịch Phú Yên theo hướng hội nhập, chất lượng, bền vững; xây dựng thương hiệu Du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện, là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ…
Tỉnh ủy còn xây dựng và ban hành Chương trình hành động 08-CTr/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường, cho mục tiêu phát triển bền vững.
TP Tuy Hòa là trung tâm của tỉnh, cũng đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị sạch nhất trong khu vực và cả nước; là đầu mối giao thông, trung tâm đào tạo, du lịch, công nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. “TP Tuy Hòa đặt mục tiêu trở thành đô thị năng động, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Sự phát triển đô thị của Tuy Hòa là sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững”, ông Cao Ðình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa nói.
Sự cần thiết phải thực hiện các dự án đầu tư truyền thống và phi truyền thống với định hướng tốt hơn dành cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng, để du lịch có thể mang lại cơ hội cho con người, nâng cao khả năng chống chịu, tăng tốc hành động chống biến đổi khí hậu và nâng cao tính bền vững cho hành tinh cũng như mang lại sự thịnh vượng toàn diện xung quanh các trụ cột về đổi mới và khởi nghiệp.
Tổ chức Du lịch thế giới |
TRẦN QUỚI