Lịch sử du lịch Việt Nam chính thức đánh dấu từ ngày 9/7/1960 với sự kiện Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam thuộc Bộ Ngoại thương. Từ đó đến nay, ngành Du lịch đạt được những thành tựu quan trọng, từng bước được quan tâm đầu tư, phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ ngành kinh tế non trẻ
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (năm 1986), đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Du lịch có nhiều điều kiện phát triển. Năm 1994, lần đầu tiên Việt Nam đón được 1 triệu lượt khách. Và năm 2019 ghi dấu ấn đáng tự hào của Du lịch Việt Nam khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 726.000 tỉ đồng.
Đối với du lịch Phú Yên, từ năm 1961-1989, dịch vụ du lịch thời kỳ này chủ yếu là lưu trú, ăn uống giải khát nhỏ. Tháng 7/1989, sau khi tách tỉnh, Sở Thương nghiệp Phú Yên được thành lập, sau đổi thành Sở Thương mại và Du lịch. Công ty Du lịch Phú Yên được hình thành, kinh doanh loại hình lưu trú và ăn uống tại Khách sạn Hương Sen và Khách sạn Intershop, đánh dấu bước ngoặt hình thành của ngành Du lịch Phú Yên.
Tháng 4/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU về xây dựng và phát triển ngành Du lịch đến năm 2000, xác định “Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, phát triển du lịch là hướng chuyển dịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện CNH-HĐH tỉnh nhà”. UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 1996-2010; quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh.
Năm 2001, Tỉnh ủy (khóa XIII) tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 15 và đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về phát triển ngành Du lịch đến năm 2005 và định hướng 2010. Năm 2015, Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động (CTHĐ) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bộ Chính trị lần đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về du lịch, cụ thể là Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính phủ đã cụ thể hóa bằng nghị định, CTHĐ để triển khai mục tiêu mà nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.
Là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, Phú Yên luôn xác định đây là ngành kinh tế quan trọng, cần đầu tư phát triển trở thành mũi nhọn. Năm 2021, Tỉnh ủy ban hành CTHĐ 09 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Trải qua lịch sử hình thành và phát triển, Du lịch Phú Yên đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch được chú trọng. Đến nay, tỉnh đã lập Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025; điều chỉnh quy hoạch xây dựng để làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ du lịch.
Tỉnh huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Đường đến Phú Yên đã thuận lợi, tiện nghi, với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và cả đường tàu biển.
Cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch ngày càng mở rộng về quy mô, chất lượng không ngừng được nâng cao. Một số dự án lớn đã đi vào hoạt động, như: Rosa Alba Resort, Stelia Beach Resort, Sao Việt, Sao Mai, Apec, khách sạn Sài Gòn - Phú Yên, Hùng Vương, Công Đoàn, Sala Grand, Trung tâm Hội nghị Pytopia…
Đến nay, toàn tỉnh có 400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 82 khách sạn, 89 nhà nghỉ, 26 homestay đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch.
Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích, danh thắng được chú trọng. Tỉnh công nhận 9 điểm du lịch và 3 tuyến du lịch địa phương. Du lịch Phú Yên còn nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng danh giá do các tổ chức uy tín trong và ngoài nước công nhận và trao tặng.
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, tổng lượng khách du lịch đến Phú Yên 6 tháng đầu năm đạt 1.521.000 lượt, đạt 63,3% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế đạt 9.110 lượt, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.
Với những kết quả đạt được và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch Phú Yên vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 2, nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển du lịch.
Thời gian đến, ngành Du lịch Phú Yên tiếp tục triển khai hiệu quả CTHĐ 09 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 và Kế hoạch 198 của UBND tỉnh triển khai CTHĐ 09. Tập trung công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch. Đa dạng hóa sản phẩm và thị trường du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; đào tạo nguồn nhân lực...
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thị Hồng Thái |
TRẦN QUỚI - TRUNG TÍN