Thứ Năm, 21/11/2024 23:35 CH
Môi trường - yếu tố quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng
Chủ Nhật, 04/06/2023 07:25 SA

Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh và thanh niên TP Tuy Hòa tham gia làm sạch bờ biển thành phố, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương xanh. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bất kỳ hoạt động, loại hình du lịch nào đều cần có môi trường. Vì thế, vấn đề đặt ra hàng đầu là phải bảo vệ môi trường, xây dựng một môi trường thật sự an toàn, lành mạnh mới có thể phát triển du lịch bền vững. Đó là quan điểm của PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) khi trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về việc phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh.

 

PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết:

 

- Khái niệm môi trường du lịch được đưa ra trong Luật Du lịch 2017: “Môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi diễn ra các hoạt động du lịch”.

 

Hiện trạng môi trường du lịch bao gồm các điều kiện tự nhiên, sự đa dạng, phong phú tài nguyên du lịch vàmức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường tự nhiên, tình trạng xuống cấp các giá trị di sản văn hóa có ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch nói chung, trong đó có loại hình DLCĐ và du lịch nông nghiệp. Hoạt động phát triển du lịch có mối quan hệ mật thiết với môi trường, khai thác đặc tính của môi trường để phục vụ mục đích phát triển và tác động trở lại góp phần làm thay đổi các đặc tính của môi trường.

 

Sự phát triển của bất kỳ ngành kinh tế nào cũng gắn liền với vấn đề môi trường. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt và rất nhạy cảm với sựbiến đổi của môi trường như du lịch. Nói cách khác, du lịch không thểtồn tại vàphát triển nếu thiếu tài nguyên du lịch và chất lượng môi trường sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của du khách khi lựa chọn điểm đến.

 

Với ýnghĩa này, môi trường được xem là nền tảng, yếu tố quyết định đến chất lượng các sản phẩm du lịch, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch.

 

PGS.TS Phạm Trung Lương phát biểu trong hội thảo tư vấn phát triển du lịch cộng đồng bền vững ở danh thắng quốc gia Hòn Yến (xã An Hòa Hải). Ảnh: TRẦN QUỚI

* Thưa phó giáo sư, yếu tố môi trường quan trọng hàng đầu với du lịch, nhưng sự phát triển ồ ạt, thiếu chiều sâu, bền vững của du lịch đã gây áp lực lớn đến môi trường. Làm thế nào để quan hệ giữa môi trường và du lịch có sự tương hỗ?

 

- Hoạt động phát triển du lịch và việc xây dựng sản phẩm du lịch luôn gắn liền với việc khai thác tài nguyên du lịch, bao gồm các giá trị tự nhiên như cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị lịch sử văn hóa như các di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội, làng nghề... Hoạt động phát triển du lịch sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Việc gia tăng lượng khách du lịch đòi hỏi phải tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sửdụng tài nguyên, từ đó dẫn đến sự gia tăng áp lực lên môi trường. Trong nhiều trường hợp, tốc độ phát triển quá nhanh của hoạt động du lịch vượt năng lực cung ứng của điểm đến sẽ tạo ảnh hưởng lớn đến tài nguyên và môi trường du lịch, gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái lâu dài môi trường tự nhiên và xã hội.

 

Tuy nhiên, hoạt động phát triển du lịch cũng có những đóng góp tích cực góp phần bảo tồn và cải tạo môi trường với việc phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...; trong đó chú trọng các hoạt động quản lý điểm đến trên nguyên tắc sức chứa, xây dựng các công viên cây xanh, hồ nước nhân tạo, sử dụng công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải, tiết kiệm năng lượng, nước sinh hoạt…

 

Như vậy, có thể thấy, hoạt động phát triển du lịch và môi trường có tác động qua lại, tương hỗ và nếu sự phát triển du lịch không hợp lý thì đó sẽ là nguyên nhân góp phần làm suy giảm các giá trị của tài nguyên, suy thoái chất lượng môi trường.

 

* Phát triển DLCĐ với yêu cầu bảo vệ môi trường du lịch có ý nghĩa như thế nào, thưa phó giáo sư?

 

- DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển dựa trên việc khai thác các giá trị môi trường, đặc biệt là văn hóa, lối sống truyền thống của cộng đồng, cảnh quan. Khái niệm DLCĐ xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XX. Ở Việt Nam, DLCĐ được xem là loại hình du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm về bản sắc văn hóa địa phương, trong đó cộng đồng trực tiếp tổ chức hoặc tham gia vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi ích từ du lịch và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, bản sắc văn hóa của cộng đồng.

 

Như vậy, có thể thấy, DLCĐ chỉ có thể phát triển bền vững ở những nơi mà môi trường du lịch được bảo vệ tốt bởi chính cộng đồng, chủ thể trọng tâm của những loại loại hình du lịch này.

 

* Là người gắn bó từ khá sớm với du lịch Phú Yên, theo ông tiềm năng để phát triển DLCĐ, hiện trạng môi trường du lịch và những vấn đề đặt ra hiện nay là gì?

 

- Phú Yên là điểm đến có tiềm năng, tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, từ giá trị tự nhiên nổi bật đến di sản văn hóa độc đáo… Đây là những lợi thế du lịch rất lớn để Phú Yên phát triển du lịch nói chung và DLCĐ nói riêng.

 

Trong những năm qua, DLCĐ ở Phú Yên đã có những phát triển đáng ghi nhận với nhiều điểm DLCĐ hấp dẫn, tuy nhiên còn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là môi trường du lịch chưa được đảm bảo và có dấu hiệu suy thoái.

 

Một số biểu hiện cụ thể như: Nhận thức về vai trò của môi trường đối với phát triển du lịch còn hạn chế. Thiếu các chính sách cụ thể và nguồn lực cho bảo vệ môi trường du lịch; thiếu sự lồng ghép bảo vệ môi trường du lịch trong các phương án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở những khu vực trọng điểm có tiềm năng phát triển DLCĐ. Cảnh quan tự nhiên xuống cấp do tác động của phát triển kinh tế - xã hội và tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào bị mai một do nhận thức, tác động của cuộc sống hiện đại và do thiếu nguồn lực để bảo tồn. Các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nông sản tại những điểm DLCĐ chưa được chú trọng quản lý…

 

* Vậy theo phó giáo sư, giải pháp nào cho công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững DLCĐ Phú Yên?

 

- Trên cơ sở nhận thức đầy đủ về hiện trạng và những vấn đề đặt ra đối với môi trường du lịch Phú Yên, để đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững DLCĐ, một số giải pháp cần chú trọng như: Nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là các cấp quản lý về vai trò của môi trường đối với phát triển DLCĐ là những lợi thế và ưu tiên của du lịch Phú Yên. Nghiên cứu đề xuất cụ thể hóa thực hiện một số chính sách hiện hành về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa. Xây dựng “Nhãn du lịch xanh” cùng hệ thống chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng theo hướng xanh, thân thiện với môi trường với vai trò nòng cốt là cộng đồng, đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa ở đẳng cấp quốc gia, tiến tới đẳng cấp khu vực và quốc tế...

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Du lịch cộng đồng chỉ có thể phát triển bền vững ở những nơi mà môi trường du lịch được bảo vệ tốt bởi chính cộng đồng, chủ thể trọng tâm của những loại hình du lịch này.

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek